Nghiên cứu của hai nhà xã hội học Jia Yujing và Wang Sining về tập quán hôn nhân vùng nông thôn phía tây bắc Trung Quốc cho thấy việc đưa ra giá thách cưới được dựa theo những tiêu chuẩn về đạo đức cũng như kinh tế của nhà chú rể.

Một gia đình có điều kiện kinh tế thấp sẽ phải trả nhiều hơn và ngược lại, nhà trai càng giàu có và địa vị càng cao, cái giá sẽ càng thấp, theo Sixthtone.

dinh gia co dau anh 1

Thách cưới từ lâu đã trở thành một phần không thể thiếu trước đám cưới của người Trung Quốc. Ảnh: ThinkChina.

Cái giá của hôn nhân

Bác sĩ Bai sở hữu một phòng khám tại quê nhà. Tuy không quá giàu có nhưng ông cũng được coi là người thuộc tầng lớp trung lưu, vững về kinh tế và có danh tiếng nhất định. Điều này đồng thời được xem như yếu tố nâng cao giá trị của con trai ông khi bước vào “thị trường hôn nhân”.

Dù vậy, chuyện cưới hỏi của con trai ông Bai lại không hề suôn sẻ. Kế hoạch về chung nhà của đôi trẻ đã gặp trở ngại khi nhà gái yêu cầu khoản tiền cưới khoảng 26.000 USD.

Ông giải thích: “Tôi hoàn toàn có khả năng chi trả số tiền đó, nhưng nếu đồng ý với mức giá cao như vậy, chắc chắn mọi người sẽ cười nhạo tôi mất”.

dinh gia co dau anh 2

Giá tiền hỏi cưới được đưa ra dựa trên địa vị của nhà trai. Ảnh: CGTN.

Việc đưa ra mức giá tương ứng với khả năng tài chính của nhà trai tưởng chừng không có gì đáng tranh cãi thế nhưng ở vùng bác sĩ Bai sinh sống, đây là một hành vi thiếu tôn trọng. Ông và con trai cho rằng, với địa vị của gia đình họ, nhà gái cần phải đưa ra một con số thấp hơn.

Đối với ông, việc đồng ý với mức giá cao đồng nghĩa với tự hạ thấp bản thân và là điều đáng xấu hổ.

Thông thường, với đối tượng có xuất thân thấp, các gia đình có con gái sẽ không chấp nhận sính lễ dưới mức trung bình trừ khi bản thân chú rể có một công việc tử tế. Tuy nhiên, trường hợp ngoại lệ này cũng rất hiếm khi xảy ra.

Giá cô dâu được đẩy cao được coi như một cách nhằm cân bằng sự bất bình đẳng, bù đắp cho gia đình người phụ nữ khi phải lấy chồng có địa vị kém hơn và khẳng định giá trị của cô dâu trong hôn nhân.

Ý nghĩa ẩn sau những khoản tiền cưới

Một người mai mối có kinh nghiệm giải thích: “Ngay cả khi một ngày nào đó bạn không còn yêu con gái tôi nữa, ít nhất bạn vẫn sẽ quý trọng số tiền mình đã bỏ ra. Nếu tôi chấp nhận sính lễ thấp hơn mức trung bình thì con gái sẽ bị đối xử tệ”.

dinh gia co dau anh 3

Tiền cưới không chỉ mang ý nghĩa vật chất mà còn chứa đựng những hàm ý sâu xa về giá trị văn hóa, xã hội. Ảnh: CGTN.

Nhà xã hội học Viviana Zelizer đã đưa ra phân tích về ý nghĩa xã hội của tiền trong một tác phẩm của mình. Tiền trong trường hợp này không chỉ đơn thuần là một phương tiện trao đổi mà đã thấm nhuần các giá trị về đạo đức, xã hội và tôn giáo.

Nói cách khác, việc định giá cô dâu là một hành động mang tính nghi thức, biểu tượng, cụ thể hóa địa vị và phẩm giá của mỗi người.

Do đó, giá trị của sính lễ không chỉ phản ánh mà còn ảnh hưởng đến địa vị xã hội của một người. Điều này giống như quá trình thỏa thuận trao nhận số tiền phản ánh và ảnh hưởng đến thái độ cũng như tình cảm của hai bên thông gia.

Tuy nhiên, dần dần việc thách cưới cũng không còn là thử thách như trước. Thế hệ trẻ này càng tự chủ hơn trong việc tìm kiếm bạn đời và sính lễ cũng ngày càng mang tính tượng trưng hơn.

Theo Zing