Những ngày này bảng điện tử cho thấy dày đặc các chuyến bay đi và đến từ nhiều quốc gia. Theo thông tin từ Cảng hàng không quốc tế Nội Bài, sản lượng vận chuyển hàng không quốc tế tại Hà Nội mặc dù đang còn thấp, chỉ đạt khoảng 50% so với thời kỳ hoàng kim trước dịch Covid-19, song sự tăng trưởng liên tục qua các tháng gần đây đã cho thấy xu hướng phục hồi trong thời gian không xa. 
Tại sân bay Nội Bài hiện có tổng số 57 hãng hàng không quốc tế và nội địa (bao gồm cả các hãng chở khách và chở hàng) được Cục Hàng không Việt Nam cấp phép hoạt động, kết nối thủ đô với 60 điểm đến quốc tế (45 điểm đến hành khách và 15 điểm đến hàng hóa) và 17 điểm đến nội địa. 
Tại sảnh ga đến T2, Cảng hàng không quốc tế Nội Bài, du khách nước ngoài hạ cánh xuống Hà Nội nườm nượp. Anh Faisal Mahmoud và các thành viên khác trong đoàn đến từ Syria chia sẻ: "Việt Nam là một trong những đất nước nhiều người muốn đến từ lâu. Chúng tôi dự định ở đây khoảng 7 ngày. Hy vọng sẽ có những trải nghiệm tốt", anh nói. 
Các khách sạn ở trung tâm thủ đô xuất hiện nhiều du khách nước ngoài hơn. Trong ảnh, chị Gobby và 3 người bạn đến từ Australia đứng đợi làm thủ tục check-in nhận phòng. "Việt Nam là nơi nhiều khách du lịch như chúng tôi đều mong muốn ghé thăm ít nhất một lần. Ngoài Hà Nội, chúng tôi còn có dự định đi tham quan một số địa điểm khác như Ninh Bình, Quảng Ninh và Hà Giang", chị Gobby nói.
Trên phố đi bộ bên hồ Hoàn Kiếm cũng có sự xuất hiện của nhiều nhóm du khách. Anh Army lần đầu đến Hà Nội đã kịp thưởng thức một số món ăn nổi tiếng như phở, bánh mì và bánh rán. "Phong cảnh ở đây rất đẹp yên bình và không ồn ào", Army chia sẻ. 
Các điểm tham quan trong nội đô cũng thường xuyên có sự góp mặt của các nhóm khách Tây. Anh Laurens (đến từ Bỉ) đi cùng mẹ và anh trai, lần đầu tới Việt Nam. Trong 7 tiếng đi bộ, họ đã tham quan một số địa điểm như nhà tù Hỏa Lò, Bảo tàng Phụ nữ và Nhà hát Múa rối rồi kết thúc tại di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám. 
Gia đình ông Palvin đến từ Slovenia hào hứng khi được ngắm đường phố Hà Nội khi đi trên xe mui trần. "Chúng tôi hầu như đã đi tham quan hết mọi địa điểm nổi tiếng tại Hà Nội. Người dân nơi đây rất thân thiện và cởi mở. Thật tuyệt vời khi đến với Việt Nam", ông Palvin khen ngợi. 
Những người hành nghề đạp xích lô đã trở lại với guồng quay công việc sau những ngày dài thất nghiệp vì đại dịch. Giá của một chuyến chở khách vòng quanh trung tâm phố cổ, hồ Hoàn Kiếm là 125.000 đồng/lượt.
Không khó để gặp những nhóm du khách Tây trên các tuyến phố trung tâm thủ đô. Chị Tania (bên phải, đến từ Notth Carolina, Mỹ) lựa chọn Hà Nội là điểm đến đầu tiên khi ghé mảnh đất hình chữ S. "Tôi đã đi qua một số nước châu Á như Thái Lan, Indonesia, Camphuchia mỗi nước đều có nét đẹp riêng nhưng Việt Nam đã để lại cho tôi nhiều ấn tượng tuyệt vời nhất là về ẩm thực và con người", chị nói.
Những khu chợ và quầy hàng lưu niệm tại chợ đêm ở phố Hàng Đào (quận Hoàn Kiếm) thu hút nhiều khách du lịch tìm mua đồ lưu niệm.
Tom và Danil thích thú giả hút thuốc bằng điếu cày. Họ vừa mua 2 chiếc với giá 200.000 đồng. Tom bảo Việt Nam có những thứ rất là thú vị mà ở đất nước các anh không có nên cảm thấy rất tò mò.
Phố Tạ Hiện (quận Hoàn Kiếm) được mệnh danh là phố Tây của Hà Nội. Càng về đêm lượng người đổ về đây càng đông. Số lượng du khách quốc tế  cũng chiếm đa số trên vỉa hè.
Travis thưởng thức món kem khói độc lạ ngay trên phố đi bộ. Anh sẽ có chuyến đi 21 ngày qua 3 nước Việt Nam, Thái Lan và Campuchia để bù lại những ngày "xiềng xích tại nhà" vì đại dịch Covid-19. 
Uvaldaniel (thứ 2 bên trái) cho biết nhóm của họ đã đến Việt Nam khoảng 5 ngày. Mọi người đều thích những không gian ồn ào và náo nhiệt nhưng ở Hà Nội khá ít địa điểm hấp dẫn như phố Tạ Hiện.
Nếu như Hà Nội đã có nhiều người nước ngoài đặt chân tới kể từ đầu tháng 9 thì tại các địa danh du lịch TP.HCM cũng xuất hiện nhiều Tây. Các điểm tham quan tại trung tâm TP.HCM như nhà thờ Đức Bà, Bưu điện Thành phố, phố đi bộ Bùi Viện, phố đi bộ Nguyễn Huệ, chợ Bến Thành... những ngày qua nườm nượp du khách quốc tế đến tham quan, mua sắm.

Trong 2 ngày cuối tuần 24 và 25/9, các tuyến đường trung tâm đông nghịt du khách nước ngoài. Họ thường đi theo tour của công ty du lịch, một số nhóm lại tự túc tham quan hoặc thuê hướng dẫn viên cá nhân.

Cả bên trong lẫn bên ngoài Bưu điện TP.HCM đều đông đúc khách tham quan. Họ phần lớn đến từ các nước Đông Nam Á, Hàn Quốc. Một số ít là khách Mỹ và các quốc gia châu Âu,. 
Nhóm anh Brian (gồm 3 người đến từ Mỹ) cho biết, trước khi đến Việt Nam họ làm thủ tục xin thị thực trực tuyến rất dễ dàng. Sau khi kết thúc hành trình tại TP.HCM họ sẽ đến Hà Nội, Hạ Long và và một số danh thắng khác, tất cả trong vòng 2 tuần.  "Tôi ước có thể tăng thêm thời gian lưu trú trên thị thực thêm 30 ngày thậm chí là 2-3 tháng. Đất nước Việt Nam rất đẹp nhưng nửa tháng vẫn chưa đủ để trải nghiệm và khám phá hết", chị Bei, bạn anh Brian tiếc nuối.
Anh Nguyễn Thanh Quý (35 tuổi) có kinh nghiệm 20 năm làm nghề hướng dẫn viên quốc tế. Hôm nay, đoàn khách của anh gồm 3 khách Mỹ và 2 khách Singapore. Họ tìm thấy anh từ một trang du lịch trên mạng và thuê dẫn đoàn. "Từ đầu tháng 8 đến nay, khách của tôi có một số đến từ châu Âu như Tây Ban Nha, Italy...", anh Quý chia sẻ.
Một nhóm 14 khách người Anh tham quan đường sách Nguyễn Văn Bình trước khi lên đường du lịch các tỉnh miền Tây. Họ bay từ Hà Nội đến TP.HCM từ đêm trước, sáng nay chỉ tham quan vài điểm ở quận 1.
Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh (quận 3, TP.HCM) cũng ghi nhận lượng khách Tây đông đúc sau thời gian dài ảm đạm vì dịch Covid-19. "Khách nước ngoài đến tham quan đã đông hơn nhưng so với thời điểm chưa xuất hiện đại dịch Covid-19 thì vẫn chưa nhiều bằng", một HDV chuyên dẫn khách đến bảo tàng nói.
Du khách Anna (21 tuổi, sống tại Australia) đến TP.HCM được 2 ngày. Cô dành nhiều thời gian ở bảo tàng để xem và nghiên cứu về lịch sử Việt Nam thông qua các chú thích.
Ngoài ra, nhiều khách du lịch lựa chọn khám phá TP.HCM bằng xe buýt 2 tầng và tham quan Bảo tàng Lịch sử, xem biểu diễn múa rối nước, ngắm nhìn cảnh đẹp và thưởng thức ẩm thực.
Tương tự là hình ảnh tại phố Tây Bùi Viện. Nơi đây đang dần lấy lại được sự náo nhiệt vốn có từ trước khi đại dịch Covid-19 xuất hiện. Vào các đêm cuối tuần, con phố này thu hút hàng nghìn bạn trẻ, du khách trong và ngoài nước đến vui chơi, giải trí, thưởng thức đồ uống.
Yoona (trái, đến từ Pháp) rất ấn tượng với phố Tây vì sự sầm uất, náo nhiệt. Tuy vậy, cô cho rằng Bùi Viện không phù hợp với các nhóm thích ngồi nói chuyện, uống bia vì quá ồn ào. "Tuyến phố này rất đặc biệt, không giống với các tuyến phố ở nhiều nước Đông Nam Á mà tôi từng đặt chân đến", Yoona nói.

Vốn thích du lịch khám phá văn hóa và con người tại các quốc gia khác nhau, Susan (24 tuổi, ảnh trái) cho biết cô có kế hoạch du lịch Việt Nam vào 2020 nhưng chuyến đi bị hoãn 2 năm vì đại dịch. Khi đến TP.HCM Susan ấn tượng với phố Tây Bùi Viện và nhiều món ẩm thực ngon, rẻ. "Đây là ổ bánh mì thứ 3 trong ngày của tôi. Nó có vị rất khác so với các loại bánh tôi từng ăn", cô gái đến từ Hà Lan chia sẻ.