Muốn tăng giá suất ăn nhưng lại sợ mất khách là trăn trở chung của các chủ cửa hàng, quán ăn trên địa bàn Hà Nội khi mọi chi phí đều bị ảnh hưởng bởi giá xăng, gas.
Tăng khuyến mại
Đăng ký thành viên trên ứng dụng để đặt pizza, chị Nguyễn Thị Ánh (Hà Đông, Hà Nội) được giảm giá 100.000 đồng ở lần thanh toán đầu tiên. Tuần sau, nhà hàng pizza gửi cho chị Ánh thêm một mã giảm giá 100.000 đồng dùng cho đơn hàng có giá trị từ 300.000 đồng. Thấy hấp dẫn, chị Ánh đặt tiếp đơn thứ 2 mua pizza cho con.
Mới đây, nhà hàng lại tiếp tục gửi tin nhắn tặng voucher 100.000 đồng cho đơn hàng 380.000 đồng, áp dụng với đơn hàng mua online. Chị Ánh cho hay: “Tôi hay đặt mua pizza. Cứ thấy mã giảm giá tiết kiệm được một khoản, mình lại đặt tiếp”.
Lần đầu tiên ăn tại một quán đồ Nhật, nhân viên nhà hàng mời chị Vũ Thị Thoa (Thanh Xuân, Hà Nội) đăng ký thẻ thành viên để được giảm 200.000 đồng. Tuỳ theo giá trị hoá đơn, các lần tiếp theo ăn tại nhà hàng, chị đều được giảm giá từ 50.000 đến 200.000 đồng. Nhà hàng liên tục gửi tin nhắn mã giảm giá qua điện thoại để nhắc chị.
Theo chị Thoa, các mã giảm giá đánh vào tâm lý của người tiêu dùng. “Trong thời buổi tiết kiệm chi tiêu, giảm giá 10.000 đồng cũng thấy vui”, chị nói.
Anh Hải, quản lý một nhà hàng nướng Hàn Quốc cho hay, dịch bệnh được kiểm soát nhưng kinh tế khó khăn. Lượng khách đi ăn nhà hàng giảm. Để thu hút khách tới ăn, nhà hàng liên tục chạy các chương trình tặng mã giảm giá, voucher để kéo khách quay trở lại các lần tiếp theo. Nhà hàng còn khuyến khích khách đi đông, đặt bàn sớm để có nhiều ưu đãi.
“Nhà hàng gọi trực tiếp tới khách hàng để nghe phản hồi về món ăn, cách phục vụ. Sau khảo sát đó, nhà hàng gửi tặng mã giảm giá cho khách luôn để họ quay trở lại”, anh Hải nói.
Các chuỗi nhà hàng còn đầu tư thêm nhiều thứ mới mẻ để lôi kéo thêm khách như tặng kèm đồ ăn, khu vui chơi trẻ em, khu chụp ảnh check-in miễn phí,...
Cắt giảm chi phí
Theo khảo sát, nhiều doanh nghiệp kinh doanh ẩm thực phải đối mặt với nhiều khó khăn do chi phí đầu vào gia tăng và thay đổi thói quen tiêu dùng của người dân. Nhiều doanh nghiệp phải đóng cửa, hoàn trả mặt bằng hay thu nhỏ diện tích. Riêng tại trung tâm thương mại, ít nhất 30% không gian bán lẻ đã rơi vào tính trạng “vườn không nhà trống” trong hai năm vừa qua.
Bà Hoàng Nguyệt Minh, Giám đốc cấp cao bộ phận cho thuê thương mại, Công ty bất động sản Hà Nội, cho biết, các cửa hàng ăn uống giảm số lượng các cửa hàng mở theo chuỗi. Họ không cố gắng mở nhiều địa điểm như trước mà tập trung hơn vào những cửa hàng có thể đáp ứng được khả năng nhận diện thu hút khách, vừa thuận tiện cho dịch vụ giao hàng.
Thị thường xuất hiện một số doanh nghiệp đã bỏ qua mặt bằng ngoài phố để thuê những vị trí nằm trong ngõ. Tuy không có được lợi thế về nhận diện thương hiệu, mặt bằng ở trong ngõ sở hữu chi phí thuê hợp lý hơn. Các cửa hàng phải phụ thuộc 90% việc tiếp thị thông qua hình thức trực tuyến. Cách làm này phù hợp với mô hình kinh doanh hiện đại trên các sàn thương mại điện tử và mạng xã hội.
Bà Trần Phạm Phương Quyên, chuyên gia bán lẻ tư vấn, giải pháp tiết kiệm chi phí đối với các nhà hàng là thu gọn lại diện tích vừa đủ để tránh lãng phí. "Trước đây các nhà hàng/café hay chú trọng vào hình thức trải nghiệm không gian tại quán, làm ảnh hưởng tiềm năng lợi nhuận", bà Quyên nhận xét và cho rằng, quản lý các chi phí thuê mặt bằng chỉ tối đa 10-16% doanh thu thì mới duy trì hiệu quả.
Tinh gọn bộ máy và chi phí hoạt động của quán bao gồm giảm số lượng nhân viên làm việc tại cửa hàng với chương trình huấn luyện đa nhiệm cho mỗi nhân viên để sử dụng nguồn lực nhân sự hiệu quả hơn. Đầu tư hệ thống phân phối và kênh giao nhận hiệu quả, chăm chút vào các thông điệp marketing online, chăm sóc khách hàng.