- Chỉ trong tháng 8, Bệnh viện FV liên tiếp nhận được 3 khiếu nại về việc bác sĩ kém chuyên môn, thiếu trách nhiệm để xảy ra cái chết oan hoặc gây biến chứng cho các bệnh nhân.
>>Bệnh viện FV xin lỗi về cái chết của ông Kiên
>>Thêm đơn 'tố' bác sĩ bệnh viện FV mổ tắc trách
>>Bố Mai Thu Huyền chết vì xuất huyết sau mổ ruột thừa?
Liên tiếp 3 vụ trong 1 tháng
Như đã thông tin, vào ngày 16/8, Báo VietNamNet nhận
được đơn tố cáo khẩn cấp của chị Mai Thị Thu Trang về cái chết của bố mình là
ông Mai Trung Kiên (SN 1955 ngụ tại Giảng Võ, Hà Nội).
Ông Kiên bị viêm ruột thừa vào Bệnh viện FV khám và được bác sĩ Đức Tuấn, Khoa
Ngoại tiến hành phẫu thuật.
Sau phẫu thuật, về nhà ông Kiên đau bụng, tức ngực dữ dội, quay lại khám nhưng
bác sĩ Đức Tuấn nói vết mổ vẫn bình thường.
Trong 1 tháng có 3 đơn khiếu nại Bệnh viện FV . Ảnh: Thanh Huyền.
|
Vì cơn đau ngày càng tăng, ông Kiên một lần nữa đến Bệnh viện FV cấp cứu và được
các bác sĩ chẩn đoán bị nhồi máu cơ tim, yêu cầu chuyển qua Bệnh viện Tim Tâm
Đức kế bên.
Tuy nhiên, Bệnh viện Tim Tâm Đức phát hiện ông Kiên không hề bị nhồi máu cơ tim
mà xuất huyết nội vết mổ ruột thừa.
Bác sĩ Đức Tuấn đã yêu cầu chuyển ông Kiên trở lại Bệnh viện FV để điều trị với
lý do đơn vị bạn chưa đủ trang thiết bị kỹ thuật. Khi trở lại Bệnh viện FV, do
mất quá nhiều máu ông Mai Trung Kiên đã qua đời.
Sau vụ lùm xùm của ông Mai Trung Kiên, ngày 17/8, phóng viên Báo VietNamNet lại
tiếp tục nhận được phản ánh không tốt về bác sĩ Đức Tuấn, Khoa Ngoại Bệnh viện
FV.
Người khiếu nại là chị Thuỳ Dương, vợ của bệnh nhân Vũ Mạnh Tuyến, 40 tuổi, ngụ
tại quận 7, từng được bác sĩ Tuấn mổ trĩ vào cuối năm 2011. Theo chị Dương, sau
khi phẫu thuật 2 tháng anh Tuyến vẫn bị đau, không ngồi được, đi đại tiện rất
khó khăn.
Lo lắng cho vết mổ, anh Tuyến đã yêu cầu bác sĩ Tuấn khám lại nhưng bị từ chối.
Anh Tuyến đi khám ở bệnh viện khác và được chẩn đoán bị hẹp hậu môn do biến
chứng mổ trĩ.
Từ đó, vợ chồng chị Dương vô cùng bức xúc về thái độ cũng như trình độ chuyên
môn của bác sĩ Đức Tuấn ở Bệnh viện FV.
“Ca phẫu thuật nào cũng có rủi ro. Trước khi tiến hành vợ chồng tôi đã biết
điều đó. Tuy nhiên, điều đáng nói ở đây là thái độ thờ ơ, vô trách nhiệm của bác
sĩ Tuấn khi bệnh nhân xảy ra sự cố”, chị Dương bức xúc.
Vẫn chưa dừng lại ở đó, cuối tháng 8, ông Lê Văn Vui, ngụ tại quận Bình Tân
TP.HCM đã gửi thư cho VietNamNet khiếu nại Bệnh viện FV.
Tháng 2/2011, mẹ của ông Vui là bà Nguyễn Thị Cận, (SN 1935) tới Bệnh viện FV
điều trị vì gãy xương đùi. Tuy nhiên, bà Cận đang bị suy thận mãn phải chạy thận
nhân tạo tại Bệnh viện Chợ Rẫy.
Theo lời khuyên của bác sĩ Bệnh viện FV, bà Cận đã chuyển về đơn vị này để chạy
thận cho tiện. Ai ngờ tình trạng thận của bà Cận sau khi chuyển về chữa trị tại
Bệnh viện FV ngày càng trầm trọng.
Gia đình cho biết bệnh nhân đã tử vong vì chạy thận không hiệu quả khiến bị ứ
dịch, đưa đến biến chứng viêm phổi nặng.
Vụ kiện cáo Bệnh viện FV lên tới tận Sở Y tế TP.HCM, hiện vẫn chưa giải quyết
xong và đang thụ án tại Tòa án quận 7.
Chất lượng chưa xứng giá tiền?
Sau tất cả những tai tiếng xảy ra, Bệnh viện FV đều có phản hồi nhưng chỉ ở mức
chung chung và chưa nhận trách nhiệm một cách rõ ràng.
Chẳng hạn, trước cái chết của bà Nguyễn Thị Cận, Sở Y tế TP.HCM đã có kết luận
rằng Bệnh viện FV thiếu sót trong quá trình điều trị, do các bác sĩ điều trị
thiếu kinh nghiệm trong việc đánh giá và điều trị người bệnh (sau phẫu thuật) có
bệnh thận mạn giai đoạn cuối đang chạy thận nhân tạo định kỳ.
Dù vậy, Bệnh viện FV lại trả lời chung chung và chưa nhìn nhận thẳng thắn trách
nhiệm rằng: “Theo kết luận của Sở Y tế, Bệnh viện FV đã gửi thư xin lỗi gia
đình bà Cận về các sơ sót đã xảy ra trong quá trình bệnh nhân điều trị tại Bệnh
viện FV.
Khi bệnh nhân Nguyễn Thị Cận xuất viện vào ngày 2/3/2011
trong tình trạng lâm sàng ổn định và không hề có nguy cơ tử vong. Bệnh viện FV
muốn làm rõ rằng các sơ sót này không phải là nguyên nhân gây tử vong cho bệnh
nhân”.
Đối với khiếu nại của chị Thùy Dương về thái độ của bác sĩ Đức Tuấn, Bệnh viện
FV trả lời: “Bệnh viện FV xác định đúng là có một bệnh nhân tên Vũ Mạnh
Tuyến, sinh năm 1973 từng được bác sĩ Đức Tuấn điều trị trĩ vào tháng 10/2011.
Hiện, bệnh viện đang tiến hành điều tra hồ sơ bệnh án,
đồng thời sẽ liên lạc với bệnh nhân Tuyến để giải thích những thắc mắc, khiếu
nại. Sau đó, nếu bệnh nhân đồng ý, bệnh viện sẽ trả lời báo chí trong thời gian
sớm nhất”.
Cái chết của ông Mai Trung Kiên, ngày 31/8, Sở Y tế đã có công văn kết luận rằng
nguyên nhân cái chết của bệnh nhân Mai Trung Kiên vì “sốc không hồi phục do
xuất huyết nội sau phẫu thuật nội soi cắt ruột thừa trên bệnh nhân có bệnh tim
mạch với nguy cơ cao và di chứng tai biến mạch máu não đang điều trị thuốc kháng
đông.
Bệnh viện FV đã không chẩn đoán và xử lý kịp thời tình
trạng xuất huyết nội”.
Đã có kết luận của Sở Y tế, dư luận cũng đang đón chờ xem cách xử lý của Bệnh
viện FV đối với cái chết của ông Mai Trung Kiên như thế nào, bác sĩ mổ ruột thừa
và các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị nhồi máu cơ tim dẫn tới chậm trễ trong công
tác cấp cứu sẽ phải chịu trách nhiệm ra sao.
Không chỉ ông Lê Văn Vui mà nhiều bệnh nhân khác đều phản ánh
chi phí khám, chữa bệnh tại Bệnh viện FV vào bậc cao nhất cả nước.
Một bệnh nhân chỉ vào khám bác sĩ bình thường đã phải trả khoảng 500 ngàn
đồng/lần.
Dù cái giá khá cao nhưng những bệnh nhân tới Bệnh viện FV không hề do dự, sẵn
sàng móc hầu bao. Cái họ cần đổi lại là những thứ như dịch vụ tốt, nụ cười của
nhân viên y tế, thái độ thận thiện, nhiệt tình và hơn cả là được khám và điều
trị kỹ càng, hiệu quả.
Các sự việc xảy ra vừa qua là một lời cảnh tỉnh đối với Bệnh viện FV về chất
lượng khám, chữa bệnh cũng như thái độ của bác sĩ, nhân viên của mình.
Ngày 31/8, Bệnh viện FV đã gửi thông cáo báo chí cho biết, đang xem xét lại một
cách thấu đáo trường hợp của ông Kiên nhằm mục đích hoàn thiện hơn nữa việc chăm
sóc và điều trị bệnh nhân.
Cùng ngày bà Mai Thị Thu Trang cho biết, tiếp tục gửi đơn tố
giác lên cơ quan Công an TP.HCM, đề nghị khởi tố hình sự đối với những người đã
gây nên cái chết của bố chị - ông Mai Trung Kiên.
Bảo An