Ngày 13/7, tại KCN Dệt may Rạng Đông - Aurora IP (tỉnh Nam Định), nhà máy dệt nhuộm Top Textiles đã tổ chức khánh thành.

Dự án được triển khai xây dựng trên diện tích 31,2 ha, tổng mức đầu tư 203 triệu USD. Dự kiến, sau khi hoàn thành sẽ tạo việc làm cho hàng nghìn lao động.

Hiện, dự án nhà máy dệt nhuộm Top Textiles đã hoàn thành đầu tư xây dựng giai đoạn 1 với công suất 60 triệu mét vải/năm.

W-nhà máy dệt hiện đại_2.jpg
Cắt băng khánh thành nhà máy Top Textiles

Dự án tiếp tục đầu tư giai đoạn 2, dự kiến hoàn thành trong năm 2025. Đây là dự án công nghệ cao, sử dụng ít công nhân, sản xuất đa dạng các mặt hàng sản phẩm dệt may chất lượng cao. Khi hoàn tất đầu tư giai đoạn 2, quy mô sản xuất sẽ tăng thêm 60 triệu mét vải/năm. Qua đó, nâng tổng công suất của toàn bộ dự án đạt 120 triệu mét vải/năm.

Phát biểu tại lễ khánh thành, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Nhật Bản tại Việt Nam Ito Naoki đánh giá cao cơ sở hạ tầng đồng bộ cũng như nguồn nhân lực chất lượng cao của tỉnh Nam Định. Bên cạnh đó, Đại sứ Ito Naoki cũng bày tỏ sự trân trọng đối với các cấp chính quyền tỉnh Nam Định luôn hỗ trợ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp Nhật Bản tìm hiểu, xúc tiến, đầu tư và phát triển sản xuất, kinh doanh tại địa phương.

W-nhà máy dệt hiện đại.jpg
Nhà máy dệt nhuộm Top Textiles cùng các công trình chức năng được xây dựng hiện đại trên diện tích 31,2 ha trong KCN Dệt may Rạng Đông.
W-nhà máy dệt hiện đại_9.jpg
Bên trong nhà máy được lắp đặt hằng trăm máy dệt tự động, hiện đại.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nam Định Trần Anh Dũng cho biết việc khánh thành, đưa nhà máy đi vào hoạt động sẽ góp phần nâng cao giá trị sản xuất công nghiệp, giá trị xuất khẩu hàng hoá của tỉnh Nam Định, tạo thêm nhiều việc làm và thu nhập cho khoảng 1.800 lao động tại địa phương và các vùng lân cận. Đồng thời, lan tỏa sức hấp dẫn, khẳng định khả năng đáp ứng thu hút các nhà đầu tư thứ cấp đến đầu tư lấp đầy tại KCN Dệt may Rạng Đông, từng bước đưa Nam Định trở thành trung tâm lớn về dệt may của cả nước.

Tại buổi lễ, Bí thư Tỉnh uỷ Nam Định Phạm Gia Túc đánh giá, các dự án do doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư tại Nam Định với số vốn lớn, đầu tư nhanh, hiệu quả và đều tiếp tục được mở rộng quy mô.

Nhằm triển khai Quy hoạch tỉnh Nam Định thời kỳ 2021-2030 tầm nhìn 2050 mở ra không gian phát triển, thu hút đầu tư mới, tỉnh rất quan tâm đến phát triển hạ tầng, đặc biệt hạ tầng giao thông, cảng biển để kết nối với các khu vực khác và tạo thuận lợi hơn cho nhà đầu tư. Đồng thời, tỉnh cũng đầu tư nhiều khu, cụm công nghiệp mới.

Nam Định tập trung thu hút đầu tư ở một số quốc gia, vùng lãnh thổ, trong đó, ưu tiên Nhật Bản vì các doanh nghiệp Nhật có công nghệ cao, thân thiện môi trường, tạo việc làm, đóng góp vào sự tăng trưởng phát triển của tỉnh.

Để hỗ trợ cho các doanh nghiệp đến đầu tư và thành công tại Nam Định, Bí thư Tỉnh uỷ cam kết, cả hệ thống chính quyền từ tỉnh đến huyện, các sở ngành sẽ tạo điều kiện tối đa, tập trung hỗ trợ, vào cuộc cùng doanh nghiệp, tháo gỡ mọi khó khăn, vướng mắc.

“Chúng tôi coi thành công của doanh nghiệp cũng là thành công của tỉnh”, ông Túc nói.

Ông Túc cũng bày tỏ mong muốn Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Nhật Bản tại Việt Nam tiếp tục quan tâm hỗ trợ Nam Định trong giới thiệu, quảng bá và thu hút các doanh nghiệp Nhật Bản đến đầu tư các dự án công nghệ cao tại tỉnh.