Theo trang tin của FPT, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh vừa ký văn bản cho phép Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) “chọn thời gian thích hợp, báo cáo Thủ tướng xem xét, quyết định việc thoái hết vốn tại 10 doanh nghiệp nhằm đạt được lợi ích cao nhất”.

Trong số 10 doanh nghiệp mà SCIC được quyền chọn thời điểm thích hợp để trình phương án thoái vốn có Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam - Vinamilk (mã VNM), Công ty Cổ phần FPT (FPT), Công ty Cổ phần Viễn thông FPT (FPT Telecom), Công ty Cổ phần Nhựa Bình Minh (BMC)... 

Cụ thể, SCIC sẽ thoái hoàn toàn 6% lượng cổ phiếu FPT đang sở hữu. Hiện SCIC là cổ đông lớn thứ hai tại FPT sau Chủ tịch Trương Gia Bình (7,14%). Đối với FPT Telecom, SCIC sẽ thoái toàn bộ 50,2% vốn cổ phần. 

Việc SCIC thoái vốn khỏi FPT không ảnh hưởng nhiều đến hoạt động kinh doanh của tập đoàn và có khả năng sẽ tác động tích cực đến thị giá cổ phiếu trong ngắn hạn.

Cùng với Tái Bảo hiểm quốc gia, Vinamilk và Dược Hậu Giang, FPT Telecom là một trong "4 cổ phiếu vàng" của SCIC. Trong đó, FPT Telecom đứng thứ hai chỉ sau Vinamilk với mức cổ tức bằng tiền mặt hằng năm lên đến 40%. Tổng giá trị cổ phiếu của SCIC tại 4 doanh nghiệp này tương đương 80% danh mục đầu tư của tổng công ty. 

Việc thoái vốn khỏi những doanh nghiệp như Vinamilk hay FPT được giới chuyên gia đánh giá rằng không những mang lại sự chủ động cho bản thân doanh nghiệp mà còn giúp ngân sách có thêm một khoản thu đáng kể nhằm bù đắp cho các khoản chi trong bối cảnh cân đối ngân sách đang gặp nhiều khó khăn.

Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính – Ngân sách trong phiên họp sáng 12/10 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ ra rằng, mục tiêu giữ bội chi ngân sách Nhà nước bằng 5% GDP trong năm 2015 khó thực hiện được.

Nguyên nhân là do mức giải ngân vốn ODA trong năm 2015 sẽ vượt mức dự toán đã được Quốc hội quyết định. Bên cạnh đó, một số khoản đã chi mà chưa có nguồn bù đắp như nợ cấp bù chênh lệch lãi suất đối với Ngân hàng Chính sách xã hội và Ngân hàng Phát triển Việt Nam….

Cơ quan thẩm tra lưu ý, cân đối ngân sách nhà nước đã rất căng thẳng khi tốc độ tăng thu chỉ ở mức 6,1%, tốc độ tăng chi 8,6%, riêng chi đầu tư phát triển tăng 16,4%, chi thường xuyên tăng 6%. Trong khi ngân sách nhà nước còn nợ nhiều khoản chi chưa có nguồn thanh toán.

Trước thực tế này, Ủy ban Tài chính – Ngân sách cơ bản nhất trí với đề nghị bán bớt cổ phần vốn Nhà nước tại một số doanh nghiệp nhà nước để thu về khoảng 30.000 tỷ đồng để bổ sung chi đầu tư phát triển, tập trung cho một số công trình hạ tầng quan trọng có sức lan tỏa lớn.

Và quyết định mới nhất từ Thủ tướng Chính phủ khi chấp thuận cho SCIC thoái vốn tại hàng loạt ông lớn như Vinamilk là động thái mới nhất nhằm giúp Chính phủ giải bài toán cân đối ngân sách.