W-giang-ho-3.jpg
Thầy Thích Nhuận Tâm được biết đến như một nhà sư có biệt tài thu phục, cảm hoá dân xã hội

Thu phục giang hồ

Bên trong căn phòng bài trí nhiều viên đá cảnh, phong thủy đặc sắc, sư thầy Thích Nhuận Tâm, trụ trì Chùa Lá (quận Gò Vấp, TP.HCM) đang nói chuyện qua điện thoại. Thầy hỏi thăm, răn dạy người đệ tử vốn là dân xã hội vừa từ bỏ giang hồ phải sống thiện tâm, chan hòa với mọi người.

Ở ngôi chùa nhỏ của mình, thầy Nhuận Tâm nổi tiếng là nhà sư tổ chức nhiều lớp học ngoại ngữ miễn phí 6 thứ tiếng cho sinh viên, người hiếu học có hoàn cảnh khó khăn. Thầy cũng được biết đến là người có biệt tài cảm hóa, thu phục nhiều tay giang hồ, dân xã hội.

Thầy bắt đầu công việc ấy từ hơn 30 năm trước. Năm đó, thầy mua lại mảnh đất bên bờ kênh Tham Lương (quận Gò Vấp) dựng mái lá làm nơi hành đạo. Thời điểm ấy, khu vực này tập trung nhiều tệ nạn xã hội.

Dựng Chùa Lá không bao lâu, thầy Nhuận Tâm đã bị những thành phần bất hảo đến phiền nhiễu, tìm cách đuổi đi. Trước vô số lần khiêu khích, hăm dọa từ các đối tượng xấu, thầy vẫn an nhiên, tự tại.

W-giang-ho-1.jpg
Ngôi Chùa Lá trong những ngày đầu được thầy Nhuận Tâm xây dựng. Ảnh chụp lại

Sư thầy đối đãi với những tay anh chị này một cách chân tình, nghĩa khí. Bởi, sư thầy quyết định dùng tấm lòng của mình để cảm hóa, thu phục những phận đời lầm lạc.

Thầy Nhuận Tâm chia sẻ: “Tôi quan niệm rằng độ một người lương thiện thì dễ. Độ 100 người lương thiện cũng chỉ đem lại lợi ích nhỏ bé cho xã hội.

Nhưng nếu độ được một người bất hảo không chỉ đem lại lợi cho người đó mà còn giúp ích được cho xã hội nhiều hơn. Thế nên, tôi luôn cố gắng tiếp xúc, cảm hóa anh em xã hội để giúp họ từ bỏ quá khứ lầm lạc, trở về nẻo thiện”.

Thầy Nhuận Tâm còn nhớ trường hợp của tay anh chị từng quy tụ hơn 100 đàn em dưới trướng, cát cứ tại nơi mình hành đạo. Năm ấy, người này là trùm xã hội đen khiến ai nghe tên cũng khiếp đảm.

Trong một cơ duyên không hẹn trước, "ông trùm" gặp gỡ thầy Nhuận Tâm. Sau cuộc trò chuyện, người này nhận thấy vị sư thấu hiểu, cảm thông nỗi đau, nguyên nhân biến mình thành dân xã hội.

Xúc động trước những lời chia sẻ, khuyên răn của vị trụ trì, tay giang hồ một thời ngang dọc ôm lấy ông mà khóc. Cuối cùng, "ông trùm" nguyện quy y, rũ bỏ quá khứ nhiều tội lỗi của mình.

W-img-0407-2.jpg
Sau 2 năm nhập thất, râu tóc của thầy Nhuận Tâm dài ra như người bình thường.

Để chứng minh sự kiên quyết của bản thân, làm gương cho đàn em, "ông trùm" phát nguyện đi bộ từ TP.HCM về quê mình ở Nghệ An. Kết thúc hành trình, ông trở lại Chùa Lá, quy y, nhận pháp danh Đức Hậu.

Thầy Nhuận Tâm chia sẻ: “Tôi luôn cho rằng, những tay giang hồ cũng có nỗi khổ, niềm đau riêng. Một khi thấu hiểu, chia sẻ được nỗi đau của họ, họ sẽ mở lòng và từ bỏ những điều sai trái.

Thầy Đức Hậu là một ví dụ. Từ chỗ là một trùm xã hội đen khiến ai cũng sợ nay trở thành người bưng cơm, rót nước, giặt giũ quần áo, trông coi chùa chăm chỉ”.

Trở về nẻo thiện

Suốt hơn 30 năm nay, số đệ tử vốn là tay anh chị, dân xã hội của thầy Nhuận Tâm ngày một nhiều thêm. Trong số này, không ít người từng là những tay giang hồ cộm cán, vào tù ra tội. Thậm chí có người mới 50 tuổi nhưng đã có 30 năm sống trong tù.

Sau khi được thầy Nhuận Tâm cảm hóa, những người này đều gác kiếm để trở thành công dân lương thiện. Thanh Bi, Tèo Cá, Văn Chung, Tí Chim… là những ví dụ điển hình.

Thanh Bi vốn là tay anh chị, giang hồ có tiếng. Sau khi tiếp xúc, anh được thầy Nhuận Tâm chuyển hóa. Gác kiếm, Thanh Bi trở thành nhà thơ, nghệ nhân điêu khắc gỗ, đá. Anh thường xuyên cùng thầy Nhuận Tâm kết nối, chuyển hoá những anh em xã hội khác mà anh quen biết.

giang ho 5.jpg
Thầy Nhuận Tâm và người đệ tử từng là tay anh chị có biệt danh Tèo Cá.  Ảnh nhân vật cung cấp

Tèo Cá cũng là một tay anh chị khét tiếng tại TP.Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk. Sau khi nhận ân tình của thầy Nhuận Tâm, Tèo Cá chí thú làm ăn, làm lại cuộc đời, nuôi 2 con vào đại học.

Thầy Nhuận Tâm chia sẻ: “Suốt hơn 30 năm qua, tôi có cơ duyên tiếp xúc, chuyển hóa nhiều người lầm lỡ. Bởi, tôi nghĩ rằng nếu chúng ta xa lánh, kỳ thị thì ai sẽ là người hướng dẫn, giúp đỡ họ trở lại con đường lương thiện.

Do vậy, từ trước đến nay, mỗi khi có duyên gặp gỡ, tôi đều cố gắng sống nghĩa tình, chan hòa với những người có quá khứ chưa tốt. Nếu được, tôi luôn dang tay đón nhận, giúp đỡ họ khi sa cơ, thất thế rồi từ từ khuyên giải hướng họ từ bỏ quá khứ không tốt của mình”.

Bằng cách này, từ Nam ra Bắc, thầy Nhuận Tâm có hàng trăm đệ tử vốn là dân xã hội đã hướng thiện, muốn làm lại cuộc đời. Một trong số này là trường hợp của người có biệt danh Tí Chim.

Cách đây 2 năm, Tí Chim bị kẻ thù truy sát. Thầy Nhuận Tâm phát hiện, cưu mang, bảo vệ anh trong lúc khốn cùng. Cảm động trước ân tình của sư trụ trì, sau thời gian ở chùa, Tí Chim nhận ra lỗi lầm. Anh rơi nước mắt, xin được quy y, từ bỏ quá khứ lầm lạc.

Ngày đến Chùa Lá quy y, Tí Chim nói: “Cuộc sống giang hồ khiến tôi gây ra nhiều lỗi lầm. Suốt thời gian ấy, tôi cũng khiến gia đình phải chịu đựng biết bao đau khổ.

Từ khi gặp thầy, tôi được thầy dìu dắt để biết điều đúng, cái sai. Nếu như không gặp được thầy, có lẽ cuộc đời tôi không có được những tháng ngày bình yên như bây giờ.

Tôi mong anh em giang hồ, những ai còn thích ăn chơi sớm nhận ra cái sai của mình, đừng gây khổ đau cho gia đình, xã hội”.

giang ho 4.jpg
Thầy Nhuận Tâm và Thanh Bi trong buổi ra mắt đêm thơ của người này. Ảnh nhân vật cung cấp

Cũng như Tí Chim, Nguyễn Văn Chung (SN 1990) vốn là tay anh chị có tiếng ở Nghệ An. Sau khi được thầy Nhuận Tâm chuyển hóa, Chung cũng nguyện từ bỏ hết những điều sai trái. Chung nói mình đã phải trả giá cho quá khứ nhiều lỗi lầm.

Khi gặp thầy Nhuận Tâm, được sư thầy cảm hóa, anh mới nhận ra và quyết tâm từ bỏ con đường giang hồ. Sau đó, Chung và vợ từ Nghệ An vào Chùa Lá để quy y, trở thành phật tử của chùa như một cách làm lại cuộc đời.

Có duyên chuyển hóa nhiều người lầm lạc nhưng thầy Nhuận Tâm vẫn canh cánh nỗi lo những người này “tái nhiễm”, trở lại con đường cũ. Thế nên, thầy có ý định mở xưởng điêu khắc gỗ, đá nghệ thuật làm nơi ở cho các đệ tử vốn là dân xã hội đến làm việc.

Tại đây, các đệ tử sẽ học nghề, nghe kinh, tập thiền. Thầy hy vọng, bằng cách này, các đệ tử “đặc biệt” của mình sẽ đặt hết tâm sức vào việc sáng tạo nghệ thuật và quên đi quá khứ, không bị đối tượng xấu lôi kéo, tác động.

Thầy tâm sự: “Đó là đại nguyện của tôi. Thật may, sau khi tôi nhập thất xong, có người phát tâm cúng đất để tôi làm trang trại. Tôi có thể làm trại điêu khắc gỗ, đá ở đó.

Sau khi hoàn tất thủ tục giấy tờ, tôi sẽ xuống tóc, trở lại hình thức của một tu sỹ. Bởi, trong thời gian nhập thất suốt 2 năm, không được tiếp xúc với ai, râu tóc của tôi đã dài ra như người bình thường”.

Hiện nay, ngoài trụ trì Chùa Lá, thầy Thích Nhuận Tâm còn là Phó Chủ tịch Hội Đá cảnh - Đá phong thuỷ Việt Nam, Chủ tịch Hội Đá cảnh - Đá phong thuỷ TP.HCM.

Sư thầy cũng là Ủy viên Ban Văn hoá Phật giáo Trung ương. Thầy từng tham gia triển lãm Đại Lễ Vesak tại Tam Chúc; triển lãm Đại hội Phật giáo lần thứ IX ( 2022-2027) tại Cung Văn hóa Việt - Xô Hà Nội, tổ chức sự kiện mang tầm vóc quốc gia như: Đá hát trùng khơi tại biển Tam Thanh…

Sư thầy giàu lòng nhân ái

Sư thầy giàu lòng nhân ái

Theo sư thầy Thích Nguyên An, để trở thành một người hạnh phúc không phải làm điều gì quá cao siêu, chỉ cần giúp đỡ, yêu thương mọi người và một lòng hướng tới điều tốt đẹp.
Nhà sư trẻ tha thiết với cố đô Huế

Nhà sư trẻ tha thiết với cố đô Huế

"Với tôi, chẳng có ở nơi đâu ngoài Huế, khi muốn tìm hiểu về lịch sử, văn hóa lại dễ dàng đến vậy, không chỉ là qua những trang sách mà còn có thể đến thực tế những nơi mình muốn đến".