- Trong khi ghi nhận hiệu quả bước đầu của Nghị quyết 11, trong đó có các giải pháp thắt chặt tiền tệ, các nhà tài trợ thúc giục Việt Nam sớm cụ thể hoá mục tiêu tái cơ cấu thị trường tài chính, trọng tâm là hệ thống ngân hàng thương mại.
Tại phiên thảo luận chuyên đề này tại Hội nghị CG ngày 6.12, các nhà tài trợ chỉ ra chính sách thắt chặt tiền tệ của Chính phủ thời gian qua có tác dụng giảm lạm phát nhưng lại gây khó khăn cho các ngân hàng và doanh nghiệp. Các biện pháp hành chính, dù tỏ ra hữu ích trong ngắn hạn, đã để lại những hậu quả không mong muốn, ví dụ quy định trần lãi suất lại cản trở dòng chảy thanh khoản của một số ngân hàng.
Ảnh: Trường Sơn |
Hệ thống tài chính của Việt Nam cũng bị đánh giá là "nông và hẹp", tập trung phần lớn vào các ngân hàng quốc doanh, trong khi các định chế tài chính phi ngân hàng chưa phát triển hoàn thiện. Các đối tác quốc tế đồng tình rằng tái cấu trúc hệ thống tài chính là một nhiệm vụ lâu dài và phức tạp, đòi hỏi một lộ trình thận trọng, toàn diện tới mọi nhân tố, từ các doanh nghiệp nhà nước, thị trường vốn đến khu vực ngân hàng.
Giám sát rủi ro
Ông Simon Andrews, Giám đốc khu vực của Công ty Tài chính Quốc tế (IFC), cho rằng tái cơ cấu ngân hàng lúc này là động lực để tái cơ cấu nền kinh tế, vì với đặc thù Việt Nam, ngân hàng là kênh phân phối vốn chính cho các doanh nghiệp, tập trung cải cách khu vực này sẽ góp phần cải thiện nền kinh tế nói chung.
Các nhà tài trợ nhìn chung cho rằng hệ thống ngân hàng Việt Nam cần nâng cấp các tiêu chuẩn lên ngang bằng với tiêu chuẩn quốc tế, đặc biệt là về kế toán và kiểm toán, tăng cơ chế mở và minh bạch thông qua việc thông cáo định kỳ và thông tin có chất lượng.
Để đảm bảo khu vực ngân hàng hoạt động an toàn và hiệu quả, Ngân hàng Nhà nước được khuyến nghị thay đổi cách thức giám sát từ dựa trên sự tuân thủ sang dựa trên mức độ rủi ro. Bảo vệ những người gửi tiền nhỏ là cần thiết nhưng cũng cần có chính sách rõ ràng đối với những ngân hàng yếu kém.
Bên cạnh ưu tiên đảm bảo an toàn cho khu vực ngân hàng, Chính phủ cần có chiến lược lâu dài phát triển một hệ thống tài chính đa dạng và hiệu quả, vừa có thể đáp ứng nhu cầu vốn của một nước thu nhập trung bình, vừa hướng dòng vốn vào những địa chỉ đầu tư sinh lời.
Chia sẻ kinh nghiệm từ Malaysia, chuyên gia tư vấn của WB và IMF, bà Latifah Merican Cheong, chỉ ra điểm mấu chốt để thành công là tổ chức lại hệ thống tài chính một cách quy củ, phân định rõ nhiệm vụ của từng cơ quan, giảm sự chồng chéo, cũng như kiên trì thực hiện từng bước lộ trình cải cách ngành ngân hàng trong tổng thể tái cấu trúc nền kinh tế.
Bà Cheong nhấn mạnh các nguyên tắc cơ bản là giảm thiểu sử dụng ngân sách, tăng cường minh bạch, tuân theo các quy tắc thị trường, chia sẻ trách nhiệm giữa các bên và bảo vệ quyền lợi người gửi tiền.
Các đối tác quốc tế đồng tình rằng tái cấu trúc hệ thống tài chính là một nhiệm vụ lâu dài và phức tạp, đòi hỏi một lộ trình thận trọng, toàn diện tới mọi nhân tố, từ các doanh nghiệp nhà nước, thị trường vốn đến khu vực ngân hàng.
Các tổ chức tài chính quốc tế như WB, IMF, IFC cam kết hỗ trợ Chính phủ Việt Nam đưa ra một lộ trình xem xét đánh giá thực trạng toàn bộ hệ thống ngân hàng, từ đó đưa ra đề xuất về một nghị trình cải cách.
Trao đổi với các nhà tài trợ, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư Cao Viết Sinh cho biết Chính phủ chủ trương tái cơ cấu hệ thống ngân hàng, các tổ chức tín dụng theo hướng hiện đại, an toàn, vững chắc, đa dạng về sở hữu, quy mô, loại hình, có năng lực cạnh tranh, dựa trên công nghệ, quản trị tiên tiến, phù hợp với thông lệ và chuẩn mực quốc tế, đáp ứng tốt hơn nhu cầu về dịch vụ, tài chính, ngân hàng của nền kinh tế.
"Trong thời gian tới, tập trung lành mạnh hoá tình trạng tài chính và củng cố hoạt động, cải thiện mức độ an toàn và hiệu quả hoạt động của các tổ chức tín dụng, nâng cao trật tự, kỷ cương và nguyên tắc thị trường trong hoạt động ngân hàng", ông Sinh nói.