Nhà vườn ở Bà Rịa – Vũng Tàu do kiến trúc sư Lại Thành Tín cùng cộng sự thiết kế là món quà của người con gái ở nước ngoài dành tặng cho bố mẹ an hưởng tuổi già. 

Công trình mang đậm bản sắc Việt gồm: 2 phòng ngủ, 1 bếp- khách- thờ hợp khối, 1 gara và kẹp giữa hai nhà là sân nước. Nhà chia thành 2 khu, 1 khu dùng cho sinh hoạt chung như: Phòng khách, phòng bếp. 1 khu dùng cho nghỉ ngơi, bao gồm phòng ngủ và phòng xem tivi. Giữa hai khu có 1 sân nhỏ để hút gió, lấy ánh sáng cho các phòng chức năng.

Tổng diện tích khu nhà là 135m2 với kinh phí thi công, thiết kế, hoàn thiện khoảng 1,5 tỷ đồng (chưa bao gồm nội thất). Kiến trúc sư tách 2 phòng ngủ ra phía sau, tạo nơi yên tĩnh nghỉ ngơi. Đồng thời, thiết kế còn tích hợp một số công năng chăm sóc sức khỏe, phù hợp với người già. 

Về phong cách ngoại thất, anh Tín sử dụng một số ngôn ngữ nhà ở dân gian, lồng ghép vào các không gian đệm và tiếp nối ở sân giữa. Gợi hình ảnh truyền thống thông qua các không gian bán mái, làm mềm những nét khô cứng. 

Ngôi nhà sử dụng mái dốc, chống nóng với khoảng sân rộng rãi làm chỗ đậu xe hoặc tổ chức những bữa tiệc ngoài trời. Nền lát đá mát mẻ, chống trơn trượt. 

Nhà có sân vườn phía trước, bên cạnh và phía sau, tạo thành một "màng bọc" bằng cây xanh, lọc bụi, thông khí cho không gian. Phần hông nhà, kiến trúc sư bố trí thành hiên ngồi nghỉ ngơi, thư giãn và view nhìn ra vườn cây. 

"Cầu cong này là mô phỏng lại dáng cầu cổ, có thể làm bằng đá hoặc đổ bê-tông hoặc cũng có thể bỏ đi làm vườn trồng rau. Quá trình thi công, gia chủ có thể cân nhắc để điều chỉnh lại", anh Tín nói. 

Hàng rào cây được tỉa tót đẹp mắt. Ngoài kiến trúc hoài cổ, anh Tín áp dụng vật liệu hiện đại là nhôm kính để tạo độ thoáng đãng, sang trọng cho công trình. 
Sân con giữa hai khối nhà, là nơi chế biến đồ ăn khi nhà có cỗ theo thói quen của các cụ và cũng là nơi nghỉ ngơi giữa trưa chiều.
Lối đi từ cổng vào khu nhà phía sau. Cách bố trí này giúp gia chủ có thể đi thẳng xuống các không gian khác mà không ảnh hưởng đến việc người nhà tiếp khách ở nhà trên. 
Bàn ăn, uống trà ngoài hiên, hóng gió rất bình yên. Do để không gian tiếp xúc với nắng, mưa nên anh Tín dùng chất liệu sắt sơn chống gỉ, mặt bàn bằng đá. 
Bức bình phong sinh ra để ngăn cách phòng khách và phòng ăn. Đây là cách ngăn cách ước lệ, cũng là để tạo điểm tựa cho bộ sofa, khi muốn kê sofa ở giữa nhà, thay vì kê sát cửa sổ làm chắn lối đi ra hiên.

Khu vực bếp+ bàn nằm ở vị trí trung tâm, có thể kết nối mọi không gian dễ dàng. 

Bếp hình chữ U, rộng rãi để các thành viên có thể cùng quây quần nấu nướng, trò chuyện vui vẻ. Ở đây có 1 cửa sổ lấy gió, tạo sự khô ráo cho bếp. 

Quỳnh Nga