Nhạc sĩ Trương Quý Hải nổi danh với những bản nhạc trữ tình như: Hà Nội mùa vắng những cơn mưa, Khoảnh khắc...
Thế nhưng nhắc tới ông, nhiều người cũng nhớ ngay tới hình ảnh người lính khắc khoải hát về đồng đội của mình. Nhạc sĩ Trương Quý Hải cho hay, ông tốt nghiệp trường Đại học Mỏ - Địa chất, văn bằng 2 Đại học Kinh tế Quốc dân và từng thành công với nhạc trữ tình nhưng việc viết nhạc về những người đồng đội đã thay đổi cuộc đời ông.
“Tôi vào lính sau năm 1979, phục vụ trong sư đoàn 356 tại mặt trận Vị Xuyên, Hà Giang. Là người làm công tác tuyên truyền văn hoá, tuy nhiên, khi các trận đánh xảy ra thì tôi vác đạn pháo, chăm sóc thương binh và làm cả việc chôn cất những anh em ngã xuống.
Trong một lần chôn cất đồng đội, tôi tìm thấy trong túi áo của một người lính có một vỏ bao thuốc lá dính máu. Trên đó chỉ mới có vỏn vẹn 3 từ “Mẹ kính yêu”. Bức thư với nét mực loang, nhòe vì máu ấy cứ ám ảnh tôi mãi”.
Bức thư mới chỉ có 3 chữ khởi đầu khiến ông vừa nhớ mẹ vừa day dứt vì sự ra đi của người đồng đội. Sau khi hoàn thành nhiệm vụ chôn cất đồng đội, 3 từ “Mẹ kính yêu” cứ vang lên trong đầu, thôi thúc ông viết thành một bài hát.
Đó là những lời tâm sự của chính Trương Quý Hải về sự thương nhớ dành cho người mẹ của mình, đồng thời cũng là lời nhắn nhủ thay cho những đồng đội đã hy sinh gửi tới người mẹ kính yêu của họ.
Ban đầu, nhạc sĩ đặt tên ca khúc là Thư gửi mẹ, nhưng sau đó ông được đồng đội góp ý nên đã đổi tên bài hát thành Thư về với mẹ. Tiêu đề bài hát có ý nghĩa rằng đôi khi những bức thư ấy được gửi về nhà nhưng đồng đội của ông thì có thể vĩnh viễn không được về nữa.
Thư về với mẹ cũng là ca khúc đầu tiên nhạc sĩ Trương Quý Hải viết về người lính. Ông cho hay, ca khúc đó cũng đã làm thay đổi cuộc đời của ông.
“Tôi học rất nhiều thứ, làm rất nhiều việc khác nhau và cũng từng sáng tác nhạc trữ tình. Thế nhưng sau bài Thư về với mẹ, tư duy và số phận của tôi dường như cũng thay đổi. Tôi bắt đầu chuyển hướng sáng tác, viết nhiều hơn về cuộc đời, tâm sự của những người lính.
Nhạc của tôi được đúc kết từ tâm sự, chiêm nghiệm của chính tôi - một người lính. Đó cũng là những lời nhắn nhủ thay cho các đồng đội của tôi. Chúng tôi sinh hoạt trong môi trường lính tráng nên tâm tư, âm nhạc đều “hồn nhiên như lính”, rất gần gũi, giản dị”, người nhạc sĩ tài hoa tâm sự.
Sau Thư về với mẹ, nhạc sĩ Trương Quý Hải lần lượt cho ra mắt những ca khúc thấm đẫm tình đồng đội: Hát cho người còn sống, Về đây đồng đội ơi... Đó đều là những lời ca nhắc nhở những người đang được hưởng hòa bình, những người được trở về sau cuộc chiến phải khắc ghi nỗi đau, mất mát của đồng đội mình, của những người đã hy sinh mà sống sao cho xứng đáng.
“Thường có 2 khoảng thời gian khiến cảm xúc về những người lính dâng trào mãnh liệt trong tôi, đó là tầm tháng 3 và tháng 7. Tháng 7 là dịp tưởng nhớ những đồng đội đã nằm xuống, những người đã hy sinh một phần máu thịt trên chiến trường.
Còn tháng 3 trời trong tiết xuân, cũng là thời điểm tuyển quân. Tôi luôn liên tưởng những người lính trẻ như những cánh én trong mùa xuân. Thế nhưng là người đã nếm trải chiến tranh ngay trên chiến trường, tôi hiểu rằng những cánh én ấy bay đi, nhưng rất nhiều người không còn có thể trở về. Chính vì vậy, đó là dịp tôi thường suy nghĩ rất nhiều về những ngày tháng thanh xuân đầy nhiệt huyết nhưng cũng vô cùng khốc liệt khi xưa”, nhạc sĩ Trương Quý Hải bồi hồi chia sẻ.
Trương Quý Hải khẳng định việc viết nhạc về những người lính không phải chỉ để nhắc đến chiến tranh mà quan trọng hơn là để khơi gợi con người hướng đến hòa bình, trân trọng sự bình yên mà mình đang có.
“Người Việt không muốn ám ảnh bởi chiến tranh, người Việt chỉ muốn nói về hòa bình. Nhưng người Việt biết cái giá của hòa bình là gì, biết phải kiến tạo hòa bình, giữ gìn độc lập và chủ quyền bằng cách nào”, nhạc sĩ Trương Quý Hải tâm sự.
Theo VTC