- "Tính khí và cách giao du của một bộ phận nghệ sĩ thuộc underground rất thoáng. Có vẻ như họ không cảm thấy xấu hổ khi vướng scandal hay bị sờ gáy".

Đừng đưa ca từ tục tĩu và nói rằng như thế là cởi mở

Dưới góc nhìn của nhạc sĩ Anh Quân, undeground trên thế giới đặc biệt là Mỹ đóng góp một phần quan trọng trong bối cảnh chung của âm nhạc. Dòng nhạc undeground Việt chưa hình thành chính thống mà mới chỉ là tự phát.

Bản thân anh khi còn bé cũng thuộc và hát những lời hát được ghép và chế từ nhiều ca khúc nổi tiếng. Nhưng điều đó chỉ dừng lại ở thời điểm là trẻ con thôi. Khi đã trưởng thành nhất là ở một đất nước có nền văn hóa Á đông như Việt Nam thì anh nghĩ rằng đó không là chuyện hay ho nữa.

{keywords}
Nhạc sĩ Anh Quân.

"Ví dụ như ở nước ngoài một đôi trẻ có thể hôn nhau ở nơi công cộng và mọi người vỗ tay nhưng ở các nước Á đông lại kín đáo kiểu khác. Chúng ta phải tôn trọng những nền văn hóa khác nhau. Không thể sang một đất nước đạo hồi và mặc mini juýp được. Đó là điều cấm kị. Với âm nhạc, chúng ta không nói đúng hay sai mà cần tôn trọng văn hóa từng nước".

Nhạc sĩ Anh Quân khẳng định, dòng underground Việt không tạo ra dòng nhạc mới hay điều gì đó ghê gớm. Các bạn trẻ, nghệ sĩ trẻ thích dòng nhạc này có thể offline cộng đồng với nhau, thậm chí biểu diễn độc lập trên sân khấu chuyên nghiệp nhưng đừng đưa những ca từ tục tĩu và nói rằng như thế là cởi mở, hiện đại.

"Những người làm nhạc như tôi không tức tối hay cho rằng hành động, bài hát dễ dãi của một bộ phận bạn trẻ theo đuổi underground là bôi nhọ những người làm nghề chân chính mà chỉ nghĩ rằng đó là hành động của nhóm bạn trẻ đang muốn nổi loạn.

Tôi nghĩ rằng underground vẫn được chào đón trong giới nhạc Việt. Bản thân tôi khi thực hiện album Chat với mozart, chúng tôi đã mời L.K hợp tác hay như Kimmese sau này. Tôi nghĩ rằng có nhiều nghệ sĩ trẻ thuộc underground khác rất tài năng mà chúng tôi sẽ hi vọng được hợp tác trong tương lai".

Với một bộ phận các bạn trẻ theo dòng underground theo nhạc sĩ Anh Quân đừng nghĩ rằng theo trào lưu mới nghệ sĩ trẻ sử dụng vô tội vạ beat nước ngoài. Mà thực ra beat chỉ là một nhịp phách của trống trong một dàn nhạc, còn nói chính xác phải là nhạc đệm.

"Các bạn đừng nghĩ là có nhạc đệm này kia trong các sáng tác của mình đã là văn minh, mới hơn các thế hệ đàn anh đi trước. Cái đó là các bạn ngông nghênh chứ nó ít được sự chào đón của người làm nghề viết nhạc thực sự" - nhạc sĩ Anh Quân thẳng thắn.

Các cơ quan quản lý văn hóa phải có biện pháp mạnh

Thanh Bình - nhạc sĩ trẻ phối khí từng tạo dấu ấn trong sân chơi Bài hát Việt và mới đây nhất là người đóng góp đẩy hai ca khúc tạo hit Tình yêu màu nắng do Đoàn Thúy Trang thể hiện hay Nắm lấy tay anh do Tuấn Hưng hát cũng đã có những chia sẻ thẳng thắn về giới underground.

Theo nhạc sĩ Thanh Bình, underground trong đó với hai dòng nhạc chính là Hiphop và Rap hiểu nôm na là nói lên tất cả những vấn đề trong xã hội, đời sống. Vì thế chuyện một bộ phận nghệ sĩ sáng tác và thể hiện những ca từ không lành mạnh và được báo chí mổ xẻ là dấu hiệu bình thường.

"Ở Mỹ - nơi sản sinh ra nhạc Rap nhưng có nhiều bậc phụ huynh cấm không cho con cái nghe nhạc đó. Điều này có nghĩa không phải ở đâu giới underground cụ thể là dòng nhạc Rap cũng được chấp nhận" - nhạc sĩ Thanh Bình bày tỏ.

{keywords}
Nhạc sĩ Thanh Bình


Ở Việt Nam, có nhiều nghệ sĩ xuất phát từ dòng underground nhưng có những đóng góp, cống hiến nhất định trong làng nhạc. Những sản phẩm được ghi nhận của công chúng là có sức hút nhất định. Như Hoàng Tôn bắt đầu từ underground nhưng biết cách để tạo dựng cho mình hình ảnh khác.

Tuy nhiên, cũng có một bộ phận nghệ sĩ núp danh underground có sự dễ dãi, cẩu thả trong những sáng tác đưa ra công chúng. Vấn đề là một số trang mạng âm nhạc vì mục đích câu quảng cáo đã dung túc và phớt lờ luật định để tồn tại những bài hát phản cảm đó.

"Tính khí và cách giao du của một bộ phận nghệ sĩ thuộc underground rất thoáng. Có vẻ như họ không cảm thấy xấu hổ khi vướng scandal hay bị sờ gáy. Tôi nghĩ rằng đã đến lúc các cơ quan quản lý văn hóa phải có biện pháp mạnh để những nghệ sĩ dòng underground huênh hoang thích viết và hát gì tùy ý muốn " - Thanh Bình chia sẻ.

Đừng mang underground làm khiên biện minh cho lỗi lầm

Nhà báo Ngô Bá Lục: Có ý kiến cho rằng underground là "đứa con ngoài giá thú" của làng nhạc Việt. Cá nhân tôi cho rằng đó là suy nghĩ chưa thực sự xác đáng. Vì nếu không công nhận, sao Zing có hàng loạt giải thưởng? Sao Bài hát Việt có các rapper? Sao Bài hát yêu thích có rất nhiều ca sĩ underground tham gia?

Underground thực sự là một bộ phận của đời sống âm nhạc. Nhưng những nghệ sĩ theo đuổi dòng nhạc này phải hiểu tất cả mọi thứ phải có giới hạn. Điên hết mình, sống tận cùng đam mê, nhưng chỉ là tận cùng trong cái ranh giới đó thôi.

Ở câu chuyện ca khúc Phiếu... nếu Yanbi thực sự ý thức rằng bài hát đó giống như hai người bạn đùa cợt nhau ngoài quán trà, thì khi phát hiện một số trang mạng đưa lên, phải quyết liệt bắt người ta hạ xuống, thậm chí kiện nếu cần.

Vậy tại sao lại Yanbi lại không nói gì? Hay là có cái cớ sẵn là: em không phát tán, em tung lên trang kia của thế giới, là do các trang mạng tự ý đưa lên? Yanbi hẳn là hoàn toàn không phải là không biết việc này.

{keywords}
Nhà báo Ngô Bá Lục

Bài Phiếu... giai điệu, phối khí và cách hát rất ổn, tôi nghe thích, trừ ca từ. Nếu ca từ này, chỉ là hát cho nhau nghe những lúc trà dư tửu hậu hoặc đi picnic thì không sao còn đã đưa lên mạng có hàng trăm ngàn lượt nghe thì quả thật điều đó lại vi phạm pháp luật.

Bà Tưng lẽ ra chỉ bị cấm hát ở quán bar kia thôi, nhưng chính giới báo chí đã tạo áp lực khiến Cục Nghệ thuật biểu diễn phải cấm diễn toàn quốc. Đấy là bài học nhãn tiền. Đừng đùa với lửa. Đừng để mọi thứ đã an bài rồi mới nghĩ lại thì đã muộn.

Tôi nghĩ rằng tuổi trẻ có quyền mắc sai lầm, nhưng sai lầm thành hệ thống hoặc trở thành "bùa" để tiếp tục mắc sai lầm thì sẽ không còn là sự ngây thơ của tuổi trẻ nữa. Đừng bao giờ mang underground ra làm cái khiên để biện minh cho những lỗi lầm mà các bạn trẻ gặp phải, nếu cứ làm vậy sẽ chẳng bao giờ các bạn khá được lên.

Sơn Hà