Theo Dự thảo kế hoạch phát triển Công nghiệp phần mềm (CNpPM) cho giai đoạn 2006 – 2010 của Bộ BCVT, mục tiêu đến năm 2010 là đào tạo được 200.000 sinh viên CNTT, trong đó 50% trở thành lực lượng làm phần mềm chuyên nghiệp. Đảm bảo 20% sinh viên tốt nghiệp các khoa CNTT trọng điểm có đủ khả năng chuyên môn và ngoại ngữ để tham gia thị trường lao động quốc tế. Liệu những mục tiêu đó có khả thi và nguồn nhân lực cần phải được đào tạo như thế nào để có thể đáp ứng được?

Thách thức lớn nhất: nhân lực

Trên bảng tin của Khoa CNTT, ĐHBK Hà Nội không lúc nào thiếu những dòng thông báo tuyển dụng của các doanh nghiệp phần mềm. Không ít người có cảm giác cơ hội việc làm trong ngành CNpPM Việt Nam đang nhiều hơn bao giờ hết và rất hứa hẹn với những kỹ sư CNTT tương lai.

Tại TMA - một trong những công ty phần mềm lớn nhất Việt Nam - số lượng lập trình viên hiện có gần 1.000 người. Công ty này hy vọng nâng tổng số lập trình viên lên 1.200 vào cuối năm 2006 và 2.000 lập trình viên vào năm 2007.

PSV - một công ty phần mềm lớn có trụ sở chính tại TP. HCM với gần 500 lập trình viên – cũng đang lên kế hoạch nâng số lượng nhân viên phần mềm của mình lên khoảng 1.000 người.

Công ty phần mềm FPT Software hiện đã đạt khoảng 1.000 chuyên gia lập trình, giám đốc quản lý dự án và kỹ sư kiểm thử phần mềm. Theo kế hoạch kinh doanh, đến năm 2009 FPT Software cần 2.000 lập trình viên và năm 2014 là từ 10.000 - 17.000 người.

Theo thống kê của Website về tuyển dụng nhân lực Vietnamworks.com, nhu cầu tuyển dụng nhân lực trong lĩnh vực phần mềm tăng trưởng 12% - mức tăng lớn nhất trong 39 nhóm ngành nghề. Tại các Trung tâm đào tạo Lập trình viên Quốc tế Aptech, số lượng học viên tốt nghiệp ra có việc làm ngay chiếm một tỷ lệ gần như tuyệt đối. Chẳng hạn như số học viên tốt nghiệp Aptech TP. HCM đợt đầu năm 2006 gần 100% có việc làm ngay, hay như tại Hà Nội, 95% số học viên Aptech (khóa đào tạo 2 năm) có việc làm sau 3 tháng kể từ khi tốt nghiệp, theo một giám đốc trung tâm đào tạo lập trình viên quốc tế Aptech, số phần trăm học viên còn lại đang tiếp tục học cao hơn nữa.

Nhưng hiện tại, các “đại gia” phần mềm Việt Nam đang “kêu trời” vì không biết lấy người ở đâu ra mà tuyển. Hơn nữa, trong số các ứng viên nộp đơn đăng ký dự tuyển, số lượng những người lọt vào danh sách nhân sự của các công ty cũng chỉ đếm trên đầu ngón tay. “Bức xúc của hầu hết các doanh nghiệp phần mềm hiện nay là nguồn nhân lực. Nhân lực thiếu đã đành, lại còn hạn chế về ngoại ngữ và kỹ năng thực tế. Với tốc độ tăng trưởng của ngành công nghiệp phần mềm như hiện nay, nhân lực chất lượng cao sẽ phải tăng khoảng 60%/năm thì mới giải quyết được vấn đề”, ông Lê Trường Tùng, Chủ tịch Hội Tin học TP. HCM (HCA) dự báo.

Theo một khảo sát mới đây, có 63,4% doanh nghiệp phần mềm Việt Nam được hỏi cho rằng thách thức lớn nhất đối với họ là nguồn nhân lực phần mềm chứ không phải là yếu tố nào khác.

Số lượng và chất lượng: khoảng cách lớn

Theo số liệu của HCA, hiện nay số lượng các trường đại học có đào tạo cử nhân/kỹ sư CNTT đã lên đến con số 80, với trên 10.000 chỉ tiêu tuyển sinh cử nhân/kỹ sư CNTT hàng năm. Nếu tính cả chỉ tiêu cao đẳng thì con số này đã lên đến hơn 20.000.

Nếu chỉ xét về mặt số lượng, nhiều người sẽ thấy một sự dư thừa lớn. Nhưng tỷ lệ tuyển dụng nhân lực phần mềm đạt yêu cầu tại các công ty phần mềm là rất thấp, chẳng hạn như tại công ty phần mềm TMA, tỷ lệ tuyển dụng được chỉ là 5%, PSV là 8%, FPT Sofware là 10% (tức là cứ 10 ứng viên thì chỉ tuyển được 1 người). “Còn tại công ty chúng tôi tỷ lệ là 20%. Tỷ lệ tuyển dụng đã thấp như vậy nhưng nhiều khi chất lượng nhân lực cũng chưa thể khiến chúng tôi hài lòng”, ông Phạm Thúc Trương Lương, Giám đốc Công nghệ Công ty tin học Tinh Vân cho biết.

Điều nghịch lý này một phần không nhỏ là do vẫn còn có một khoảng cách khá lớn giữa nội dung đào tạo và yêu cầu của nhà tuyển dụng. Ông Nguyễn Khắc Thành, Giám đốc Trung tâm đào tạo lập trình viên quốc tế FPT Aptech nhận định chất lượng đào tạo nguồn nhân lực CNTT (tại các trường đào tạo chính quy) hiện nay đang “có vấn đề”. “Về nguyên tắc, nhà tuyển dụng cần tìm người phù hợp với yêu cầu hiện tại chứ không phải là cần tìm người giỏi nhất. Và để đáp ứng nguồn nhân lực một cách tốt nhất thì nhu cầu thị trường cần gì thì đào tạo ngay cái đó”, ông Thành nói. Nhưng thực tế với đào tạo chính quy hiện nay, sản phẩm đào tạo chưa theo kịp yêu cầu phát triển của ngành công nghiệp. Đơn cử như các khoa CNTT vẫn dạy sinh viên các ngôn ngữ lập trình Pascal hay Foxpro, trong khi ngành công nghiệp phần mềm đã không còn cần sử dụng những ngôn ngữ lập trình này nữa. Hay như tiếng Anh là một ngôn ngữ không thể thiếu đối với các lập trình viên thì cho đến nay vẫn chưa có một chương trình đào tạo nào nhằm nâng cao trình độ tiếng Anh cho họ. Chương trình đào tạo không theo kịp thực tế thì sản phẩm đào tạo “có vấn đề” cũng là điều dễ hiểu.

Theo khảo sát của Công viên Phần mềm Quang Trung (QTSC), có 72% sinh viên CNTT thiếu kinh nghiệm làm việc thực tế, 46% sinh viên thiếu kinh nghiệm, kiến thức về phần mềm, 42% thiếu các kỹ năng khác (ngoại ngữ, kỹ năng giao tiếp, kỹ năng làm việc nhóm…). “Việc đào tạo nguồn nhân lực cho ngành CNTT đòi hỏi các đặc thù riêng. Bên cạnh đó, sự thay đổi công nghệ nhanh chóng trong ngành phần mềm nói riêng và CNTT nói chung thực sự đã đặt ra các thách thức rất lớn đối với hệ thống đào tạo chính quy mang nặng tính hàn lâm của chúng ta hiện nay. Tính toàn cầu hoá cũng đòi hỏi việc hội nhập, quốc tế hoá của đào tạo CNTT”, ông Lê Trường Tùng nói.

Cơ hội lại sẽ trôi đi?

Nghịch lý cung nhiều, cầu lớn song chất lượng nguồn nhân lực còn hạn chế đang khiến các doanh nghiệp phần mềm Việt Nam khá vất vả. Đào tạo lại nguồn nhân lực phần mềm sau khi tuyển dụng là một thực tế mà các doanh nghiệp phần mềm phải chấp nhận. Khảo sát của QTSC cũng cho thấy, có 77% nhân lực phần mềm sẽ phải đào tạo lại trong 3 tháng; 15% sẽ phải đào tạo lại từ 1 - 3 tháng.

Dẫu chất lượng nguồn nhân lực chưa cao, song với nhu cầu tuyển dụng lớn để đáp ứng yêu cầu phát triển, các doanh nghiệp phần mềm vẫn phải gắng sức đi tìm người. Thay vì đăng báo tuyển dụng và chờ ứng viên đến dự tuyển, giờ đây các công ty phần mềm đã phải thay đổi phương thức tuyển dụng (coi tuyển dụng nhân lực như bán hàng, trong đó khách hàng là đối tượng tuyển dụng và hàng hóa là hình ảnh của công ty), họ phải đến từng trường, từng cơ sở đào tạo CNTT, tổ chức các buổi giới thiệu, tiếp thị về công ty, trao các suất học bổng cho sinh viên CNTT để tiếp cận và tìm ứng viên phù hợp (theo kiểu mua lúa non). Thậm chí, công ty FPT Software đã xây dựng hẳn một website về tuyển dụng (địa chỉ www.fptsoftwarecareer.com) để “hút” thêm nhân lực.

Một phương thức tuyển dụng cũng được các doanh nghiệp phần mềm ưa chuộng vì tính hiệu quả cao là tăng cường tuyển dụng qua những lời giới thiệu từ chính nhân viên của công ty. Nhiều công ty phần mềm đã có chính sách thưởng khuyến khích cho những người “tiến cử” một cách hiệu quả.

Để bù đắp sự thiếu hụt nguồn nhân lực, nhiều doanh nghiệp phần mềm còn linh hoạt thu hút thêm nguồn nhân lực có khả năng ngoại ngữ tham gia vào ngành công nghiệp đầy tiềm năng này. Bên cạnh chính sách hỗ trợ các sinh viên ngành CNTT học tiếng Nhật, công ty FPT Software đã tổ chức được một số lớp học lập trình Aptech cho các sinh viên học chuyên ngành tiếng Nhật tại các trường ngoại thương, ngoại ngữ.

Chất lượng nguồn nhân lực CNTT nói chung và nhân lực cho phần mềm nói riêng là điều đã được cảnh báo từ khá lâu, sự vất vả của các doanh nghiệp phần mềm trong việc xây dựng cho mình đội ngũ nhân lực có chất lượng cũng là điều được nhìn thấy trước. Giải quyết bài toán nhân lực phần mềm không thể chỉ phó mặc cho các doanh nghiệp. Vai trò của các cơ quan chính phủ trong bài toán này là rất lớn, để làm sao nâng cao được chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng tốt nhất yêu cầu của ngành phần mềm, cũng như có một cơ chế thích hợp để huy động tối đa sức mạnh của xã hội tham gia vào giải quyết vấn đề này. Nếu Chính phủ không khẩn trương, quyết liệt trong việc thực thi các chính sách đẩy mạnh đào tạo nguồn nhân lực phần mềm, rất có thể những cơ hội lớn lại thêm một lần nữa trôi đi.

       Trọng Văn