Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Thủ tướng Lý Khắc Cường đã tận dụng sự vắng mặt của Tổng thống Mỹ Obama để xây dựng ảnh hưởng với các láng giềng Đông Nam Á vốn đang rất thận trọng.
Ông Tập Cận Bình tại APEC 2013. Ảnh: scmp |
Cuộc vận động ngoại giao của hai nhà lãnh đạo cao nhất nói trên trong suốt hai tuần qua tại những quốc gia Đông Nam Á cho thấy, Bắc Kinh đã "sắp xếp lại" ưu tiên của họ hướng về láng giềng.
Trong sự vắng mặt của Obama - do phải ở lại Mỹ để đối phó với cuộc khủng hoảng đóng cửa chính phủ, ông Tập và ông Lý đã có những chuyến công du riêng biệt tới 5 nước Đông Nam Á.
Về vấn đề nóng Biển Đông, Bắc Kinh vẫn luôn kêu gọi các bên tranh chấp chủ quyền gạt bỏ tranh chấp, hướng tới cùng khai thác phát triển vùng biển. Tuy nhiên, việc tăng cường giám sát trong khu vực này của Bắc Kinh đã khiến nhiều nước lo ngại về sự quả quyết và sức mạnh quân sự đang trỗi dậy từ Trung Quốc.
Theo giới phân tích, quan hệ xấu đi với Trung Quốc có thể khiến các quốc gia Đông Nam Á tập trung vào thỏa thuận thương mại xuyên Thái Bình Dương mà Mỹ khởi xướng và không gồm Bắc Kinh, và "lơi là" hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực mà Bắc Kinh đang thúc đẩy. "Trung Quốc sau đó sẽ bị cô lập", Trương Quốc Thụ - giám đốc nghiên cứu Đông Nam Á tại Đại học Hạ Môn nói.
Bắc Kinh đã nâng cấp quan hệ với Indonesia và Malaysia lên "quan hệ đối tác toàn diện" trong chuyến công du của ông Tập Cận Bình đến hai nước này vào tuần đầu tháng 10. Trong khi đó, dừng chân ở Brunei và Thái Lan, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đã chứng kiến việc ký kết mở rộng những thỏa thuận thúc đẩy năng lượng và phát triển cơ sở hạ tầng.
Ông Tập đã dùng bài phát biểu của mình tại hội nghị cấp cao APEC ở Bali để xoa dịu những lo lắng về sự suy giảm kinh tế Trung Quốc. Trong khi đó, ông Lý kêu gọi các nước Đông Nam Á tại hội nghị thượng đỉnh khu vực ở Brunei là tập trung ít hơn vào tranh chấp Biển Đông, thiên về hợp tác phát triển kinh tế.
Đại diện của Tổng thống Obama - Ngoại trưởng Mỹ John Kerry, thì nỗ lực thu hút sự chú ý vào việc đảm bảo các cam kết Mỹ với châu Á dù có khó khăn trong nước.
Theo Kishore Mahbubani, nguyên là nhà ngoại giao Singapore và Hiệu trưởng trường Quản lý Công Lý Quang Diệu, Trung Quốc có lợi thế trong nguồn dự trữ ngoại hối lớn và là đối tác thương mại lớn nhất của hầu hết các nước ASEAN.
Tuy nhiên, ông Trương Minh Lượng - chuyên gia Đông Nam Á tại Đại học Tế Nam thì cho rằng, tác động của các chuyến thăm cấp cao không nên bị cường điệu, đặc biệt là khi 10 nước thành viên ASEAN không đưa ra câu trả lời mạnh mẽ nào với lời kêu gọi của ông Lý Khắc Cường về việc ký kết hiệp ước hữu nghị với Bắc Kinh.
Thái An (theo Bưu điện Hoa
Nam)