Nhiệm kỳ 2020 - 2025, tỉnh Điện Biên quyết tâm thực hiện giảm nghèo bền vững, hạn chế tái nghèo và phát sinh nghèo mới. Theo đó, thời gian qua, các địa phương đã xây dựng kế hoạch cụ thể; lồng ghép, sử dụng linh hoạt, hiệu quả các nguồn vốn, tập trung huy động mọi nguồn lực để thực hiện hóa mục tiêu giảm nghèo. Qua đó, mức sống người dân ngày càng được nâng cao, tỷ lệ hộ nghèo giảm theo từng năm.

Hệ thống hạ tầng trên địa bàn chưa được đầu tư đồng bộ, là rào cản trong công tác giảm nghèo của tỉnh. Chính vì vậy, thời gian qua, tỉnh Điện Biên đã chú trọng sử dụng hiệu quả các nguồn vốn đầu tư cơ sở hạ tầng. 

Hàng năm, tỉnh Điện Biên bố trí và sử dụng hiệu quả các nguồn vốn như: Vốn đầu tư công; ngân sách địa phương; vốn các chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG); ODA… để thực hiện đầu tư hàng trăm dự án giao thông, thủy lợi, trường học, y tế, nhà ở nhằm hoàn thiện hệ thống hạ tầng. Năm 2023, vốn Chương trình MTQG Giảm nghèo bền vững đã giải ngân hơn 388,36 tỷ đồng (bao gồm vốn năm 2023 và vốn kéo dài từ năm 2022 sang 2023) để đầu tư phát triển các công trình hạ tầng, phục vụ công tác giảm nghèo.

Song song với đầu tư hạ tầng, các huyện, thị xã, thành phố đã tập trung nguồn lực triển khai thực hiện và nhân rộng các mô hình sinh kế theo hướng liên kết. Đây là một trong những giải pháp hiệu quả để giảm nghèo nhanh, bền vững. 

Ảnh màn hình 2024 06 01 lúc 22.49.39.png
Nhân rộng các mô hình giảm nghèo đa chiều tại tỉnh Điện Biên. 

Tùy vào điều kiện thực tế, các địa phương lựa chọn triển khai mô hình sản xuất phù hợp. Điển hình như: Mô hình trồng bí xanh ở Nậm Pồ, Mường Chà; mô hình trồng lê ở Điện Biên Đông; trồng cây ăn quả ở Điện Biên, Tuần Giáo, Mường Ảng...

Giai đoạn 2019 - 2023, toàn tỉnh đã triển khai thực hiện 79 dự án liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản tại 9/10 huyện, thị xã, thành phố. Trong đó, năm 2020, huyện Điện Biên Đông triển khai mô hình sản xuất liên kết trồng cây lê vàng tại bản Háng Lìa B (xã Háng Lìa), với quy mô 1,5ha. Đến nay, mô hình đã cho thu hoạch, năng suất đạt cao, toàn bộ sản phẩm được bao tiêu, hiệu quả kinh tế cao gấp 5 - 6 lần canh tác lúa nương. 

Đại diện UBND xã Háng Lìa, huyện Điện Biên Đông cho biết, mô hình xuất phát từ nhu cầu thực tế của người dân. Thông qua mô hình, người dân được chuyển giao về kỹ thuật, từng bước thay đổi nhận thức chuyển đổi cơ cấu cây trồng nhằm tăng thu nhập, tăng hiệu quả kinh tế góp phần xóa đói giảm nghèo. 

Tương tự, giai đoạn 2019 - 2023, huyện Mường Chà đã và đang hỗ trợ người dân triển khai nhiều mô hình liên kết sản xuất nông nghiệp theo hướng tái cơ cấu ngành Nông nghiệp. Điển hình như, mô hình khoai tây trái vụ, bí đao, trồng cây quế; mô hình hoa hồng Pháp; trồng cây dược liệu...

 Năm 2022, xã Mường Mươn triển khai thực hiện dự án trồng bí xanh tại bản Púng Giắt 1, Púng Giắt 2 với 2,6ha, 10 hộ dân tham gia. 

Thông tin từ một số người dân trên địa bàn xã, trước đây trồng lúa 1 vụ năng suất, chất lượng đều rất kém. Chuyển sang trồng bí xanh thì hiệu quả thu nhập gấp nhiều lần. Bí mỗi năm thu 2 vụ, mỗi vụ cắt 10 lượt quả. Mô hình thu hơn 100 tấn quả/vụ, giá bán 5.000 - 10.000 đồng/kg tùy thời điểm, đầu mùa còn được giá cao hơn. Toàn bộ sản phẩm được Hợp tác xã Nam Dương (thị trấn Mường Chà) kết nối bao tiêu đầu ra.

Với nhiều giải pháp đồng bộ, hiệu quả, công tác giảm nghèo bền vững tỉnh Điện Biên đã đạt nhiều thành tựu. Thống kê thời điểm cuối năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh còn 26%, giảm 5.412 hộ nghèo (4,32%). Quý I/2024, ước tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 25,6%.

Văn Thường và nhóm PV