Mô hình chuyển đổi số cấp xã bước đầu được hình thành
Sở TT&TT tỉnh Yên Bái vừa tổ chức hội nghị trực tuyến sơ kết triển khai mô hình điểm về chuyển đổi số xã Tú Lệ, với 24 điểm cầu từ xã Tú Lệ kết nối đến 23 xã, thị trấn trên địa bàn huyện Văn Chấn.
Là xã miền núi thuộc huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái, Tú Lệ có 9 đơn vị thôn được phân bố ở 9 khu vực dân cư riêng biệt. Toàn xã có 1.340 hộ dân với tổng số gần 6.400 nhân khẩu. Xã có tỷ lệ người dân tộc Thái chiếm tới 93,3%. Tổng số người dân trong độ tuổi lao động là 3.153, tỷ lệ lao động có việc làm thường xuyên là 3.053, đạt 96,8%; thu nhập bình quân đầu người qua rà soát đến hết năm 2021 đạt 37,3 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo đến hết năm 2021 theo chuẩn nông thôn mới là 11,2%.
Việc triển khai xây dựng mô hình điểm về chuyển đổi số tại xã Tú Lệ, huyện Văn Chấn được khởi động trong tháng 8/2021. Đây là xã đầu tiên của Yên Bái chuyển đổi số.
Là cơ quan chủ trì, dẫn dắt chuyển đổi số xã Tú Lệ, Sở TT&TT Yên Bái đã chỉ đạo, phối hợp với các doanh nghiệp bưu chính, viễn thông đầu tư đồng bộ hạ tầng viễn thông, Internet, hạ tầng CNTT; đồng thời triển khai các ứng dụng, nền tảng số phục vụ xây dựng chính quyền số, kinh tế số, xã hội số.
Sau hơn 8 tháng thí điểm, mô hình chuyển đổi số tại Tú Lệ bước đầu được hình thành. Cụ thể, đã khắc phục tình trạng sóng di động 4G kém tại thôn Nước Nóng, Mạ - Tun, đảm bảo đa số thôn, bản sóng di động 4G tốt, tỷ lệ phủ dân 6.073/6.373 dân đạt 95,29%.
Cùng với đó, đã phát triển hạ tầng cố định băng rộng đến thôn Bản Chao, đảm bảo 100% thôn, bản của xã Tú Lệ có dịch vụ cố định băng rộng cáp quang, tăng 11% so với tháng 9/2021; tỷ lệ hộ gia đình sử dụng dịch vụ Internet đường truyền băng rộng cáp quang đạt 41,49%, tăng 15,97% so với tháng 9/2021.
Mô hình điểm về chuyển đổi số xã Tú Lệ, huyện Văn Chấn có sự tư vấn, hỗ trợ của Cục Tin học hóa, Bộ TT&TT. |
Tỷ lệ máy tính/cán bộ đã đạt mỗi cán bộ có 1 máy tính, tăng 50% so với 8/2021; hạ tầng mạng nội bộ (LAN) của UBND xã được nâng cấp kết nối mạng Truyền số liệu chuyên dùng cấp II; bộ phận điều hành thông minh của xã, hệ thống camera giám sát thông minh… sẵn sàng đáp ứng các yêu cầu chuyển đổi số thời gian tới.
Người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, cán bộ công chức và một bộ phận nhân dân đều được tập huấn, nâng cao nhận thức về chuyển đổi số.
Từ khi chuyển đổi số, xã Tú Lệ thực hiện nghiêm túc quy trình tiếp nhận và xử lý văn bản điện tử, giảm đáng kể tình trạng in văn bản chỉ đạo ra để báo cáo lãnh đạo. Thay vào đó, văn bản đến đã được văn thư xử lý chuyển cho lãnh đạo xem xét và duyệt chuyển chỉ đạo chuyên môn phối hợp thực hiện kịp thời, không có tồn đọng, tiết kiệm chi phí hành chính, góp phần hoàn thiện chính quyền số.
Sau khi chuyển đổi số, 100% văn bản đến của UBND xã đã được tiếp nhận và xử lý đúng quy trình trên phần mềm quản lý văn bản và điều hành. Đặc biệt, năm 2022, 100% văn bản đi của UBND xã Tú Lệ gửi các cơ quan nhà nước dưới dạng điện tử đã được ký số chuyên dùng.
Bên cạnh đó, kinh tế số, xã hội số của xã cũng bắt đầu được hình thành: 100% sản phẩm nông sản, đặc sản của bà con được đưa lên sàn thương mại điện tử; 35,42% người dân trưởng thành có tài khoản thanh toán điện tử, tăng 16,74%; 32,91% hộ gia đình sử dụng dịch vụ truyền hình trả tiền, tăng 17%; 82,86% người dân được lập hồ sơ sức khỏe điện tử.
Về hệ thống truyền thanh thông minh, đã lắp đặt 12 cụm loa (24 loa) tại 9/9 thôn, bản, hệ thống đã hoạt động ổn định, phát sóng theo 2 khung giờ hàng ngày từ 5h – 7h30 và từ 17h – 19h. Chất lượng âm thanh tốt, giảm thiểu thời gian, công sức của cán bộ quản lý, vận hành Đài truyền thanh xã...
Nhân rộng mô hình điểm của xã Tú Lệ
Kết luận hội nghị sơ kết, Giám đốc Sở TT&TT Yên Bái Hoàng Minh Tiến nhận xét, bên cạnh những kết quả đạt được, quá trình thí điểm chuyển đổi số xã Tú Lệ còn bộc lộ một số tồn tại như: Việc tiếp cận thông tin, các dịch vụ y tế, giáo dục thông minh còn hạn chế; vẫn còn một số địa điểm chưa phủ sóng di động 4G hoặc phạm vi phủ sóng thấp, tín hiệu không ổn định; tỷ lệ hộ gia đình sử dụng mạng Internet băng rộng cáp quang còn thấp; chưa phát sinh hồ sơ thủ tục hành chính mức 3, 4 được xử lý trực tuyến trên môi trường mạng,...
Nguyên nhân chủ yếu do chuyển đổi số là vấn đề mới nên nhận thức của cán bộ, công chức, viên chức, người dân và cộng đồng xã hội còn chưa đầy đủ; việc huy động nguồn lực đầu tư từ xã hội cho ứng dụng CNTT, chuyển đổi số chưa đáp ứng yêu cầu phát triển; đời sống đại bộ phận nhân dân còn nhiều khó khăn, hạn chế khi tiếp cận các nền tảng, ứng dụng, tiện ích của chuyển đổi số.
Trong năm 2022, để phát huy kết quả đã đạt được, lãnh đạo Sở TT&TT Yên Bái đề nghị UBND huyện Văn Chấn chỉ đạo UBND xã Tú Lệ thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ theo Kế hoạch chuyển đổi số xã/phường/thị trấn trên địa bàn năm 2022 của UBND tỉnh. Quan tâm, đầu tư về cơ sở vật chất, hạ tầng, nguồn nhân lực, nhất là về CNTT cho UBND xã phục vụ chuyển đổi số.
Đồng thời, chỉ đạo nhân rộng mô hình chuyển đổi số ra các xã của huyện Văn Chấn, trong năm 2022 có ít nhất 30% xã triển khai theo mô hình Tú Lệ. “Cần vận dụng cách làm hay, sáng tạo, giao nhiệm vụ cho các Tổ chuyển đổi số cộng đồng cấp xã/thôn trên địa bàn huyện”, đại diện lãnh đạo Sở TT&TT Yên Bái lưu ý.
Với riêng Tú Lệ, lãnh đạo Sở TT&TT Yên Bái đề nghị UBND xã tập trung đưa nền tảng số, công nghệ số, kỹ năng số đến người dân thông qua Tổ chuyển đổi số cộng đồng thôn bản để thúc đẩy chuyển đổi số, đưa người dân lên môi trường số. Cùng với đó, duy trì bộ phận giám sát điều hành thông minh xã, trang thông tin điện tử xã đảm bảo hoạt động hiệu quả, thống nhất.
Vân Anh
Yên Bái ban hành bộ chỉ tiêu đánh giá chuyển đổi số tỉnh
Bộ chỉ tiêu đánh giá chuyển đổi số tỉnh Yên Bái gồm 23 chỉ tiêu về Chính quyền số, 6 chỉ tiêu kinh tế số và 11 chỉ tiêu về xã hội số.