- "Nhân rộng mô hình hiệp sĩ Bình Dương ở một số địa phương, nhất là TP.HCM là điều rất cần thiết. Tuy nhiên cần có quy chế hoạt động, mục đích rõ ràng cho các đội hiệp sĩ" – TS Đoàn Văn Báu, chuyên gia tâm lý tội phạm nhận định.
"Việc cần thiết"
Trước ý kiến của Thiếu tướng Đặng Hoàng Đa - Cục phó Cục xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ về việc sẽ tham mưu cho Bộ Công an tổ chức hội nghị nhân rộng mô hình hiệp sĩ ở Bình Dương để cả nước nghiên cứu, vận dụng, Tiến sĩ (TS) Đoàn Văn Báu, chuyên gia tâm lý tội phạm cho rằng đó là việc rất cần thiết.
Theo TS Báu, các đội hiệp sĩ ở Bình Dương, tiêu biểu là Câu lạc bộ phòng chống tội phạm phường Phú Hòa là mô hình quần chúng bảo vệ an ninh trật tự khá hiệu quả.
Đội hiệp sĩ do anh Nguyễn Thanh Hải phụ trách ở Bình Dương được chính quyền chấp nhận, hoạt động bài bản. Ảnh: nhân vật cung cấp |
Từ khi thành lập (năm 1997) tới nay, đội hiệp sĩ đã phát hiện, bắt giữ trên 2.000 vụ phạm pháp giao công an xử lý. Trong 5 tháng đầu năm nay, đã phát hiện 56 vụ phạm pháp, bắt giữ gần 100 đối tượng và công an đã khởi tố 40 nghi can.
Các vụ việc được phát hiện có trộm cắp, cướp giật, cưỡng đoạt, chiếm đoạt tài sản…đang là các vấn đề gây hoang mang cho người dân.
TS Báu nói đội hiệp sĩ đã được cấp phép hoạt động, có quy chế hoạt đông, được chính quyền quan tâm và công an Bình Dương tập huấn kỹ năng phòng chống tội phạm cho các thành viên ít nhất 2 lần/1 năm.
Đội hiệp sĩ này hoạt động hiệu quả, góp phần đảm bảo trật tự xã hội không chỉ trên địa bàn phường mà mở rộng trên toàn địa bàn tỉnh Bình Dương, được nhân dân tin yêu.
"Việc nhân rộng mô hình này ở một số địa phương, đặc biệt là TP.HCM là rất cần thiết. Tôi hoàn toàn ủng hộ" - TS Đoàn Văn Báu nêu ý kiến.
Trong khi các đội hiệp sĩ ở TP.HCM hoạt động theo hướng tự phát, dù đã nhiều lần xin chính quyền thành lập. Ảnh: nhân vật cung cấp |
Hiện ở TP.HCM hiện có khá nhiều đội hiệp sĩ hoạt động, như đội hiệp sĩ Tân Bình do ông Trần Văn Hoàng làm đội trưởng hay đội hiệp sĩ TP.HCM do hiệp sĩ Lâm Hiếu Long phụ trách.
Tuy vậy, các đội hiệp sĩ này vẫn hoạt động theo hướng tự phát. Hiệp sĩ Lâm Hiếu Long từng chia sẻ, 4 năm nay, đội đã nhiều đề nghị chính quyền thành phố đăng ký thành lập, nhưng không nhận được hồi âm.
Hiệp sĩ chính danh - nhiều việc phải làm
Theo TS Đoàn Văn Báu, nếu muốn nhân rộng mô hình hiệp sĩ Bình Dương cho địa phương khác, đặc biệt là ở TP.HCM, cần phải làm khá nhiều việc.
Trước hết phải thống kê hiện trên địa bàn có bao nhiêu nhóm hiệp sĩ đang hoạt động, thực trạng hoạt động như thế nào (hiệu quả và những vấn đề phát sinh).
TS Đoàn Văn Báu |
Từ kết quả trên, sẽ thông báo rộng rãi để các nhóm hiệp sĩ đăng ký hoạt động với các điều kiện cơ bản như có quy chế hoạt động, tôn chỉ, mục đích. Thành viên tham gia phải được đăng ký, được tập huấn về pháp luật, kỹ năng phòng chống tội phạm.
Các đội hiệp sĩ sẽ đăng ký hoạt động ở công an phường với hình thức tương tự như mô hình Câu lạc bộ phòng chống tội phạm phường Phú Hòa (TP Thủ Dầu Một, Bình Dương).
Các nhóm hoạt động trên địa bàn phường (không phải là hoạt động rộng như hiện nay), có sự giám sát của công an phường. Việc có nhiều nhóm hiệp sĩ được phân chia địa bàn hoạt động sẽ hiệu quả hơn hoạt động tự phát hiện nay.
"Nếu bảo đảm các điều kiện cơ bản trên sẽ nâng cao hiệu quả phòng chống tội phạm của các nhóm hiệp sĩ và tránh được những vấn đề tiêu cực phát sinh" – TS Báu nói.
TS Đoàn Văn Báu nhận định, thực tế đã có một số hiệp sĩ có hành vi lạm quyền, vi phạm pháp luật trong quá trình truy bắt tội phạm.
Nếu như trước sẽ khó xử lý nhưng khi đã là thành viên của nhóm có đăng ký hoạt động, vi phạm quy chế sẽ bị xử lý theo quy chế, nếu vi phạm pháp luật sẽ bị xử lý theo pháp luật.
Ở TP.HCM hay các địa phương khác, khi các nhóm hiệp sĩ được đăng ký hoạt động như một mô hình quần chúng bảo vệ an ninh trật tự trên địa bàn phường sẽ góp phần quan trọng vào việc bảo đảm ANTT trên địa bàn phường đó.
Tuy nhiên, chuyên gia tâm lý tội phạm cũng nói để hoạt động hiệu quả, nhóm hiệp sĩ không nên quá chú trọng đến khâu bắt quả tang tội phạm mà cần phải phối hợp chặt chẽ với công an làm tốt công tác phòng ngừa.
Có câu hỏi được đặt ra là, khi các đội hiệp sĩ được chính quyền công nhận, nhiều người lo ngại họ sẽ làm thay việc của công an và 2 lực lượng này sẽ “giẫm chân” nhau, nhưng theo TS Đoàn Văn Báu, sẽ không có vấn đề đó xảy ra.
"Công an là lực lượng chuyên trách, còn nhóm hiệp sĩ là quần chúng tham gia phong trào bảo vệ an ninh trật tự với chức năng phối hợp với lực lượng công an trong phòng ngừa, phát hiện, xử lý tội phạm nên không có chuyện “giẫm chân” nhau ở đây..." – TS Đoàn Văn Báu lý giải.
Thiếu tướng Phan Anh Minh - Phó GĐ Công an TP.HCM nói về mô hình hiệp sĩ đường phố:
Tướng Đặng Hoàng Đa: 'Cần nhân rộng mô hình hiệp sĩ Bình Dương'
Đánh giá các nhóm hiệp sĩ ở Bình Dương hoạt động tốt, thiếu tướng Đặng Hoàng Đa nói sẽ tham mưu cho Bộ Công an tổ chức hội nghị để cả nước nghiên cứu, học tập.
Nhóm “Hiệp sĩ đường phố” xin chính danh, 4 năm chính quyền không hồi âm
Đội trưởng nhóm Hiệp sĩ Tp HCM Lâm Hiếu Long cho biết, 4 năm qua đã nhiều lần đề nghị chính quyền thành phố đăng ký thành lập, nhưng không có hồi âm cụ thể.
Tướng Phan Anh Minh nói về mô hình 'hiệp sĩ' đường phố ở Sài Gòn
“Công an TP.HCM không tìm thấy quy định để công nhận, quản lý mô hình hiệp sĩ đường phố”, Thiếu tướng Phan Anh Minh khẳng định.
Trao huy hiệu Tuổi trẻ dũng cảm cho hiệp sĩ đường phố bắt cướp
Trung ương Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh đã trao tặng huy hiệu Tuổi trẻ dũng cảm và bằng khen cho các hiệp sĩ đường phố tham gia bắt cướp.
Đề xuất công nhận liệt sĩ cho 2 hiệp sĩ bị cướp đâm chết ở Sài Gòn
Sở LĐ-TB&XH TP.HCM vừa có đề xuất công nhận liệt sĩ cho hai hiệp sĩ bị đâm chết trên đường Cách Mạng Tháng 8 (Q.3) tối 13/5 vừa qua.
Thạch Quý