Năm 2020, UBND tỉnh Bình Dương ban hành Quyết định số 2949 phê duyệt Kế hoạch thực hiện thí điểm xây dựng Làng thông minh trên địa bàn xã Bạch Đằng, Thị xã Tân Uyên giai đoạn 2020 - 2025.
Theo Sở NN&PTNT tỉnh, xã Bạch Đằng là một trong những xã nông thôn mới đầu tiên trên cả nước được chọn thí điểm xây dựng Làng thông minh.
Đến năm 2025, xã Bạch Đằng phấn đấu trở thành Làng thông minh đầu tiên của Bình Dương. Đây sẽ là nơi đáng sống với môi trường thiên nhiên trong lành, phát triển nông nghiệp kết hợp du lịch sinh thái và là biểu tượng xanh của tỉnh Bình Dương.
Đến nay, Đề án Làng thông minh ở xã Bạch Đằng đã triển khai nhiều công trình, hạng mục quan trọng như: Cầu Bạch Đằng 2, ứng dụng hệ thống đèn chiếu sáng hiện đại, lắp đặt 39 mắt camera an ninh ở các nút giao thông quan trọng, 35 điểm wifi công cộng, phát triển hệ thống cây xanh ở 37 tuyến đường… tạo sự phấn khởi trong nhân dân.
Công tác vệ sinh môi trường, thu gom, xử lý rác thải được thực hiện tốt. Tỷ lệ người dân đăng ký thu gom rác tập trung đạt 94,29%. Tỷ lệ sử dụng nước sạch, hợp vệ sinh đạt 100%, trong đó tỷ lệ sử dụng nước sạch đạt 97,47%.
Toàn xã có 73% hộ đạt tiêu chí “Xanh, sạch, đẹp, sáng”. Hiện xã Bạch Đằng đang phát triển vùng trồng bưởi theo hướng VietGAP, GlobalGAP và đang triển khai trồng lúa hữu cơ. Văn hoá - xã hội có nhiều tiến bộ. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được ổn định và giữ vững. Cải cách hành chính được tăng cường. Xã Bạch Đằng đang thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 đối với 28 thủ tục, 9 lĩnh vực, mức độ 4 được 82 thủ tục, 28 lĩnh vực.
Từ mô hình thí điểm đầu tiên ở Thị xã Tân Uyên, UBND huyện Phú Giáo cũng đang xây dựng Đề án Làng thông minh trên địa bàn huyện.
Trong giai đoạn 2018 - 2020, huyện Phú Giáo đã triển khai thực hiện xây dựng nông thôn mới nâng cao ở các địa phương. Đồng thời đã lồng ghép, tận dụng các nguồn lực đầu tư kết cấu hạ tầng, nâng cao tiêu chí nông thôn mới, nhất là hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp như thủy lợi, giao thông nội đồng từ nguồn vốn đầu tư công của tỉnh, huyện và các địa phương. Trong đó phải kể đến kết cấu hạ tầng, thiết chế văn hóa trên địa bàn được xây dựng cơ bản, hoàn thiện theo hướng đa mục tiêu như giao thông, thủy lợi, nhà văn hóa...
Đến nay, 10/10 xã của huyện đều đạt chuẩn xã nông thôn mới; có 7/10 xã được công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Đời sống kinh tế của các xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao có nhiều chuyển biến tích cực hơn.
Dự kiến trong giai đoạn 2021 - 2025, huyện Phú Giáo sẽ xây dựng thành công 1 xã nông thôn mới kiểu mẫu. Riêng năm 2022, huyện phấn đấu 3 xã còn lại (An Bình, Tam Lập, Phước Hòa) đạt nông thôn mới nâng cao. Năm 2023, huyện phấn đấu hoàn thành hồ sơ trình tỉnh và Trung ương công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.
Có thể nói, nhờ vào xây dựng nông thôn mới, hạ tầng kinh tế - xã hội của huyện được đầu tư khá đồng bộ. Đời sống vật chất, tinh thần của người dân trong huyện được nâng lên... Tất cả làm cho nhịp sống nông thôn của Phú Giáo trở nên nhộn nhịp hơn.
Với sản xuất nông nghiệp, việc ứng dụng công nghệ cao và các quy trình sản xuất hữu cơ, an toàn đã trở thành hướng đi tất yếu của huyện Phú Giáo. Ngoài Khu nông nghiệp công nghệ cao An Thái và chăn nuôi bò sữa ở xã Phước Sang (hơn 882 ha), huyện Phú Giáo đã hình thành được hơn 300 cơ sở sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Trong đó có nhiều mô hình mang lại giá trị kinh tế cao, lợi nhuận tăng 30 - 40%. Hiện nay, huyện đã phát triển thêm 4 sản phẩm đạt công nhận sản phẩm OCOP và đang thẩm định hồ sơ cho 5 sản phẩm tiếp theo, tiềm năng.
Có thể nói, với những kết quả kinh tế nông nghiệp, nông thôn đạt được trong những năm qua đã tạo nền tảng đầy đủ cho huyện Phú Giáo triển khai mô hình Làng thông minh, hướng đến xây dựng tiêu chuẩn cho xã nông thôn mới thông minh, bảo đảm xây dựng nông thôn mới sáng tạo, hướng tới mục tiêu phát triển nông thôn bền vững.
Bên cạnh đó, những lợi thế về sản xuất nông nghiệp công nghệ cao và tài nguyên du lịch tự nhiên, văn hóa cho phép huyện phát triển du lịch nông nghiệp công nghệ cao. Việc phát triển du lịch nông nghiệp công nghệ cao trên nền tảng Làng thông minh sẽ tạo tiền đề hướng đến xây dựng tiêu chuẩn cho xã nông thôn mới thông minh.
Được biết, mục tiêu tổng quát phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2030 tầm nhìn đến năm 2050 của huyện Phú Giáo sẽ tập trung đẩy mạnh phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, tích cực mời gọi đầu tư phát triển công nghiệp. Trong đó có công nghiệp phục vụ sản xuất nông nghiệp, kết hợp đẩy mạnh thương mại - dịch vụ.
Huyện cũng chú trọng phát triển toàn diện các lĩnh vực văn hóa, xã hội, vừa phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh, sớm xây dựng huyện Phú Giáo thành huyện nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu, phát triển bền vững. Mục tiêu giai đoạn 2021 - 2025, cơ cấu kinh tế nông nghiệp - công nghiệp - dịch vụ của huyện tương ứng 36,20% - 34,50% - 29,30%; giai đoạn 2026 - 2030 tương ứng 34,60% - 35,50% - 29,90%.
Ông Phạm Văn Bông, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Bình Dương cho biết, đến nay, Bình Dương cán mốc 100% xã đạt nông thôn mới. Trong giai đoạn từ nay đến năm 2025, mục tiêu đặt ra là 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 24% số xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; 100% số huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; tiến tới hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.
Để thực hiện mục tiêu này, Bình Dương thúc đẩy xây dựng nông thôn kiểu mẫu gắn liền với mô hình Làng thông minh. Hiện, tỉnh khuyến khích và tạo điều kiện để các huyện thị tiếp tục phối hợp các viện trường, doanh nghiệp nghiên cứu thực hiện mô hình độc đáo này gắn với điều kiện của địa phương. Tỉnh ủy Bình Dương đã có ý kiến chỉ đạo phải tiến tới xây dựng Làng thông minh ở tất cả các xã trên địa bàn toàn tỉnh.
Hải Yến