Mục tiêu 100% đơn vị sử dụng ngân sách tham gia dịch vụ công trực tuyến
Nhằm thực hiện chiến lược phát triển Kho bạc Nhà nước đến năm 2020 hình thành Kho bạc điện tử, Kho bạc Nhà nước Bình Thuận đề ra mục tiêu đến hết năm 2019 hoàn thành 100% đơn vị sử dụng ngân sách trên địa bàn tỉnh tham gia dịch vụ công trực tuyến.
Theo đó thực hiện Công văn số 15/KBNN-KSC ngày 3/1/2018 về việc chuẩn bị triển khai diện rộng dịch vụ công trực tuyến Kho bạc Nhà nước, ngày 8/1/2019 Kho bạc Nhà nước Bình Thuận đã ban hành công văn số 31/KBBT-KSC triển khai dịch vụ công trực tuyến Kho bạc Nhà nước đến các đơn vị sử dụng ngân sách, chủ đầu tư, ban quản lý dự án có mở tài khoản giao dịch tại Kho bạc Nhà nước các huyện thị xã, thành phố và Kho bạc Nhà nước tỉnh.
Theo thông tin trên Cổng thông tin điện tử Bộ Tài chính, tính đến nay Kho bạc Nhà nước Bình Thuận đã triển khai các dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 gồm: khai báo phiếu giao nhận hồ sơ trực tuyến và giao dịch một cửa với Kho bạc Nhà nước, giao diện kê khai yêu cầu thanh toán trực tuyến và chương trình kê khai yêu cầu thanh toán, đăng ký mở và sử dụng tài khoản tại Kho bạc Nhà nước, đăng ký rút tiền mặt tại Kho bạc Nhà nước, quản lý giao nhận hồ sơ trực tiếp tại Kho bạc Nhà nước.
Các dịch vụ công trực tuyến cho phép đơn vị giao dịch có thể nhận email thông báo kết quả xử lý hồ sơ hoặc tra cứu kết quả xử lý hồ sơ qua trang thông tin dịch vụ công; thiết lập ứng dụng Kho bạc Nhà nước trên thiết bị di động; thông báo cho khách hàng về tình hình biến động số dư tài khoản của đơn vị sử dụng ngân sách tại Kho bạc Nhà nước; trạng thái xử lý giao nhận hồ sơ, chứng từ yêu cầu thanh toán, giấy rút tiền mặt của đơn vị sử dụng ngân sách trong quá trình giao dịch với Kho bạc Nhà nước.
Theo đánh giá của Kho bạc Nhà nước Bình Thuận, triển khai dịch vụ công trực tuyến đã tạo điều kiện, tiền đề vào công cuộc cải cách hành chính công của Chính phủ tiến đến Chính phủ điện tử. Dịch vụ công trực tuyến mang lại sự công khai, minh bạch hóa thủ tục hành chính, tăng tính trách nhiệm xử lý hồ sơ của cán bộ Kho bạc Nhà nước và đơn vị giao dịch.
Dịch vụ công trực tuyến đã khắc phục tình trạng giả chữ ký, con dấu đảm bảo tính pháp lý cho hồ sơ giao dịch và chống việc tẩy xóa, sữa chữa sau khi hồ sơ đã được chủ tài khoản phê duyệt. Nhờ có dịch vụ công trực tuyến mà cả Kho bạc Nhà nước và đơn vị giao dịch có thể chủ động xử lý, phân loại hồ sơ gửi đến, thuận lợi, tiện ích trong việc xử lý các hồ sơ giao dịch tương lai nhưng không ảnh hưởng đến hiệu năng, quy trình giao dịch một cửa.
Dịch vụ công trực tuyến cũng giúp làm tăng độ hài lòng, thuận lợi và giảm thời gian, chi phí đi lại, giảm chi phí hoạt động của các đơn vị giao dịch. Theo đó, các đơn vị giao dịch thực hiện gửi hồ sơ và nhận kết quả với Kho bạc Nhà nước 24/7 ngày tại đơn vị mình mà không mất phí giao dịch; đồng thời, việc ký phê duyệt và gửi chứng từ đến Kho bạc Nhà nước được sử dụng chữ ký số, đây là biện pháp bảo đảm an ninh trong giao dịch trực tuyến.
Đặc biệt, sử dụng dịch vụ công trực tuyến sẽ đảm bảo sự toàn vẹn thông tin, an toàn, bảo mật, đồng thời cũng đảm bảo tính chính xác, đầy đủ các thông tin trên chứng từ. Ngoài ra, dịch vụ công trực tuyến cũng chấp nhận, kết nối và đồng bộ dữ liệu từ chương trình kế toán đơn vị hành chính sự nghiệp của đơn vị giao dịch sang, tránh tình trạng nhập, xử lý dữ liệu 2 lần trên cùng một hồ sơ.
Và cũng theo Kho bạc Nhà nước Bình Thuận, bên cạnh mang lại lợi ích thiết thực cho đơn vị giao dịch, dịch vụ công trực tuyến còn giúp Kho bạc Nhà nước giảm thiểu khối lượng giao dịch trực tiếp bằng giấy đến trụ sở Kho bạc Nhà nước trong các tháng cuối quý, hoặc cuối năm. Dịch vụ công trực tuyến cũng rất thuận tiện và đảm bảo các yếu tố pháp lý, logic, tính chính xác trong kiểm soát chi... tránh các sai sót, nhầm lẫn khi nhập số liệu theo cách thủ công như trước đây.
Vì thế thực hiện lộ trình triển khai dịch vụ công trực tuyến trên địa bàn tỉnh theo Công văn số 4619/UBND-TH ngày 30/10/2018 của UBND tỉnh Bình Thuận thì đến tháng 6/2020 toàn bộ các đơn vị sử dụng ngân sách trên địa bàn tỉnh phải tham gia dịch vụ công trực tuyến đạt 100%; tuy nhiên trên cơ sở chiến lược phát triển Kho bạc Nhà nước đến năm 2020 hình thành Kho bạc điện tử, Kho bạc Nhà nước Bình Thuận đề ra mục tiêu đến hết năm 2019 hoàn thành 100% đơn vị sử dụng ngân sách trên địa bàn tỉnh tham gia dịch vụ công trực tuyến.
Để hiện thực hóa mục tiêu đề ra, Kho bạc Nhà nước Bình Thuận đã tổ chức các lớp tập huấn hướng dẫn về cách cài đặt, sử dụng dịch vụ công trực tuyến Kho bạc Nhà nước cho đối tượng là các cán bộ Kho bạc Nhà nước làm công tác kiểm soát chi, các đơn vị giao dịch, đơn vị cung cấp dịch vụ chứng thư số. Đồng thời, Kho bạc Nhà nước Bình Thuận cũng cử cán bộ lãnh đạo phòng đến từng Kho bạc Nhà nước huyện, thị xã trong tỉnh tập huấn dịch vụ công trực tuyến cho các đơn vị sử dụng ngân sách trên địa bàn huyện, thị xã.
Nhờ những nỗ lực nêu trên, nên mặc dù theo kế hoạch của Kho bạc Nhà nước năm 2019 mới chỉ ưu tiên tập trung khiển khai cho các đơn vị giao dịch tại Kho bạc Nhà nước tỉnh, chưa triển khai đối với Kho bạc Nhà nước huyện, nhưng đến nay trên địa bàn tỉnh Bình Thuận đã có 857/1.255 đơn vị sử dụng ngân sách tham gia dịch vụ công trực tuyến, đạt 71,55%. Trong đó tại Văn phòng Kho bạc Nhà nước Bình Thuận đã có 285/300 đơn vị tham gia dịch vụ công trực tuyến, đạt 95% và ước đến năm 2019 đạt 100% đơn vị tham gia dịch vụ công trực tuyến.
Một trong những hoạt động triển khai Chính phủ điện tử trong ngành Tài chính có thể kể đến việc Kho bạc Nhà nước Bình Thuận đề ra mục tiêu đến hết năm 2019 hoàn thành 100% đơn vị sử dụng ngân sách trên địa bàn tỉnh tham gia dịch vụ công trực tuyến. |
Nhân rộng triển khai Chính phủ điện tử trong ngành Tài chính
Việc phổ biến hoạt động tài chính Nhà nước trên môi trường mạng là một phần quan trọng trong triển khai Chính phủ điện tử ở Bình Thuận hay các tỉnh thành phố khác. Tương tự như vậy ở Hà Nội, ngày 25/10 Cục Thuế thành phố Hà Nội mới tổ chức hội nghị tập huấn về hóa đơn điện tử cho hơn 700 doanh nghiệp trên địa bàn.
Theo Phó Cục trưởng Cục Thuế thành phố Hà Nội Nguyễn Văn Hổ, sau nhiều năm đưa vào sử dụng, hóa đơn điện tử đã khẳng định được sự vượt trội so với hóa đơn giấy truyền thống. Việc mở rộng áp dụng hóa đơn điện tử tại địa bàn Hà Nội và TP.HCM cũng là một trong những nhiệm vụ trọng tâm năm 2019 của Chính phủ.
Chủ trương này sẽ giúp cơ quan thuế và các cơ quan chức năng của Nhà nước tiết giảm thời gian, chi phí trong việc quản lý, đối chiếu hóa đơn; đồng thời có thể góp phần ngăn chặn kịp thời việc lợi dụng hóa đơn của các doanh nghiệp bỏ trốn, mất tích, tạo sự đồng thuận cao trong cộng đồng doanh nghiệp, người nộp thuế.
Để tiếp tục triển khai hóa đơn điện tử trên diện rộng theo tinh thần Nghị định 119 và Thông tư 68, đồng thời phấn đấu hoàn thành việc triển khai hóa đơn điện tử ngay trong năm 2019, Cục Thuế Hà Nội đã xây dựng kế hoạch và lộ trình triển khai thực hiện. Trong đó riêng Văn phòng Cục Thuế Hà Nội sẽ tổ chức 12 lớp tập huấn cho các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế.
Ông Hổ cũng nhấn mạnh, việc triển khai áp dụng hóa đơn điện tử sớm, trước thời hạn bắt buộc giúp các doanh nghiệp, tổ chức làm quen với việc sử dụng hóa đơn điện tử và tránh những rủi ro khi triển khai áp dụng đồng loạt. “Với lộ trình triển khai hóa đơn điện tử theo quy định tại Nghị định 119/2018/NĐ-CP và Thông tư 68/2019/TT-BTC cùng những hỗ trợ thiết thực và kịp thời từ phía Cục Thuế thành phố Hà Nội nêu trên, tôi tin rằng đây là thời điểm phù hợp nhất để các doanh nghiệp, tổ chức triển khai sử dụng hóa đơn điện tử”, ông Hổ nói.
Ngay sau khai mạc, các doanh nghiệp tham dự hội nghị đã được nghe lãnh đạo Cục Thuế Hà Nội giới thiệu về hóa đơn điện tử. Nội dung gồm 6 phần đó là: lợi ích thiết thực khi sử dụng hóa đơn điện tử; những nội dung mới của Thông tư 68/2019/TT-BTC; so sánh những điểm khác nhau giữa Thông tư 68 và Thông tư 32; các chương trình hỗ trợ của Cục Thuế Hà Nội giúp người nộp thuế áp dụng hóa đơn điện tử; một số lưu ý khi áp dụng hóa đơn điện tử và các chuyên gia của Cục Thuế Hà Nội giải đáp vướng mắc cho doanh nghiệp.
Trên phạm vi toàn quốc, nhiều tỉnh, thành trên cả nước đã bắt đầu sử dụng Hệ thống dịch vụ thuế điện tử eTax từ ngày 25/11. Theo đó, người nộp thuế tại 18 tỉnh thành phố bao gồm: TP.HCM, Bình Phước, Bình Dương, Cần Thơ, Tây Ninh, Bà Rịa - Vũng Tàu, Long An, Đồng Tháp, Tiền Giang, An Giang, Bến Tre, Vĩnh Long, Trà Vinh, Hậu Giang, Kiên Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu và Cà Mau sẽ ngừng sử dụng hệ thống Khai thuế điện tử (nhantokhai.gdt.gov.vn) và Nộp thuế điện tử (nopthue.gdt.gov.vn) để chuyển sang sử dụng hệ thống Dịch vụ thuế điện tử eTax (thuedientu.gdt.gov.vn).
Hệ thống Dịch vụ thuế điện tử bổ sung nhiều chức năng hơn, giúp người nộp thuế có thể tiếp cận và quản lý tất cả các dịch vụ thuế điện tử trên một hệ thống duy nhất thay vì phải đăng nhập vào nhiều ứng dụng khác nhau như trước đây. Ngoài ra, hệ thống Dịch vụ thuế điện tử cho phép người nộp thuế quản lý tài khoản đăng nhập.