- Con số tổng kết mà Ban Tổ chức Trung ương sau đại hội đảng bộ địa phương trên khắp cả nước đưa ra mới đây đáng suy ngẫm.

Toàn bộ 68/68 đảng bộ trực thuộc Trung ương đã tổ chức thành công đại hội Đảng bộ nhiệm kỳ 2015-2020. Theo đó, có 7,9% ủy viên cấp tỉnh, thành có tuổi đời dưới 40.

Đây có thể được xem là dấu hiệu tích cực so với một vài nhiệm kỳ gần đây. Song con số trên vẫn chưa thật làm hài lòng với những người quan tâm đến vận mệnh của Đảng.

{keywords}
Đại biểu tại Đại hội Đảng bộ TP Hà Nội đầu tháng 11. Ảnh: Nguyên Trí

Ông Vũ Quốc Hùng, nguyên Phó chủ nhiệm Thường trực UB Kiểm tra TƯ từng băn khoăn, ao ước làm sao trong một giai đoạn nữa,"Đảng không đến mức phải đốt đuốc đi tìm cán bộ mà vẫn khó thấy".

Nếu nhìn con số tổng kết sau đại hội đảng bộ địa phương trên khắp cả nước, tỷ lệ 7,9% cũng chỉ hơn có 2,5% so với nhiệm kỳ trước. Đây là con số chưa thể hiện sự bứt phá, quyết liệt của các cấp uỷ địa phương cho dù Bộ Chính trị đã có chỉ đạo, có hướng dẫn khá sớm.

Ở cấp uỷ địa phương, có nơi còn chủ quan, nể nang, cũng lại chưa nắm chắc tình hình, diễn biến tư tưởng trong nội bộ để có biện pháp giải quyết vướng mắc, đả thông bằng được cho nên mới có chuyện các địa phương còn thiếu tới 38 cấp uỷ viên, 39 cấp thường vụ, thậm chí cấp phó bí thư tỉnh, thành uỷ cũng còn trống 9 vị trí.

Để có được một cuộc" bứt phá" về công tác cán bộ, cần quan tâm đặc biệt đến số cán bộ trẻ có năng lực vượt trội, bồi dưỡng tích cực để đưa lên cấp cao hơn.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng mới đây đã nghe báo cáo của Bộ Nội vụ về đề án đưa 600 trí thức trẻ về những nói khó khăn làm phó chủ tịch xã để cân nhắc việc tiếp tục thực hiện hay không. Sau một số năm đề án thực hiện bộc lộ điều hay lẫn cái chưa ổn. Song nên xem đó như việc tiếp tục cần làm, chỉnh sửa những gì chưa được. Nếu phó chủ tịch xã nào góp phần quan trọng đưa xã đó phát triển nhanh, quá xuất sắc thì cớ gì không thể bổ nhiệm họ lên thẳng bí thư xã, trưởng phòng, thậm chí vượt cấp lên phó chủ tịch của huyện?

Nếu trong quá trình công tác của người lãnh đạo đã nhiều lần tỏ ra xuất sắc, nổi bật, có cống hiến rõ ràng, có nhiều sáng kiến mang lại hiệu quả kinh tế xã hội cao thì cũng có thể coi là "cớ" để tổ chức xem xét, bổ nhiệm, thậm chí vượt cấp. Nếu làm vậy, trong 5-7 năm nữa, số cấp uỷ trẻ dưới 40 ở tỉnh, thành uỷ không chỉ tăng 2-3%/nhiệm kỳ, mà có thể sẽ là 15-20% trong hệ thống cấp uỷ của tỉnh, thành phố.

Mỗi một thời đoạn lịch sử của đất nước cũng khác nhau. Không thể căn cứ ngày xưa, các vị Trần Phú , Hà Huy Tập mới ngoài 20, 30 tuổi đã đảm đương trọng trách Tổng bí thư của Đảng để rồi bây giờ cũng phải thế... Hay Tổng bí thư Trường Chinh, mới có 34 tuổi mà đã lãnh đạo Đảng và nhân dân ta chuẩn bị cho "cuộc tập trận tổng lực" để rồi làm nên cuộc Cách mạng Tháng Tám thành công vang dội. Sau rồi lại cứ lấy đó làm" thước đo" độ tuổi cho các thế hệ sau này cũng cứ phải trẻ vậy thì sao có được?

Có giai đoạn cách mạng khó khăn, kháng chiến gian khổ chia cắt nước cho nên 15 năm chúng ta không Đại hội Đảng toàn quốc (1960-1975) thì cũng đương nhiên sẽ có một thế hệ lãnh đạo tuổi cao. Nhưng chính những lớp cha anh ấy đã làm nên một chiến thắng thần kỳ của dân tộc khiến cả thế giới phải kính nể...

{keywords}
Ảnh: VGP

Trên thế giới, xu hướng lựa chọn lớp trẻ gánh vác trọng trách, vận mệnh quốc gia khá nhiều. Năm 2011, chúng ta bất ngờ khi có thông tin, một người Đức gốc Việt được bổ nhiệm vào ghế Bộ trưởng Y tế khi mới 38 tuổi. Bất ngờ hơn, ông tiếp tục được đảng cầm quyền cử tham gia Chính phủ với cương vị Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Kinh tế Liên bang.

Hay tại Pháp, Najat Vallaud-Belkacem, Bộ trưởng Nữ quyền rồi Bộ trưởng Thanh niên và Thể thao đã được bổ nhiệm (2012) khi cô mới có 35 tuổi và hiện đang đương nhiệm Bộ trưởng Giáo dục. Tại Thuỵ Điển mới đây, cô Aida Hadzialic, người gốc Bosnia là Bộ trưởng trẻ nhất trong lịch sử nước này khi mới 27 tuổi (sinh 1987). Justin Trudeau, lãnh đạo đảng Tự do ở Canada vừa rồi đã đắc cử Thủ tướng, là người trẻ thứ nhì trong lịch sử nước này khi nhậm chức ở tuổi 43.

Với đất nước ta, cần xem những bộ trưởng, bí thư tỉnh, thành uỷ tuổi 40 là chuyện bình thường và đáng mừng. Đành rằng, trong công tác cán bộ lâu nay xem nặng về lý lịch, tuổi tác mà ít tìm tòi những nhân vật tài năng đích thực để bồi dưỡng đưa lên nhanh, thậm chí quá tuổi quy định có thể đặc cách giữ lại.

Có già, có trẻ để bổ sung cho nhau, làm điểm tựa cho nhau và cùng đưa đất nước đi lên, đó cũng là nguyện vọng của Đảng, của nhân dân. Mỗi một lớp tuổi cũng có điểm mạnh, điểm yếu riêng. Chính vì thế mới phải có chiến lược về công tác cán bộ: Kế thừa để phát triển. Và đó mới là quy luật biện chứng của lịch sử.

Quốc Phong