Theo Bloomberg, hồi cuối năm 2020, thông tin về vụ tự tử tại trụ sở chính của Ngân hàng Đầu tư Châu Âu (EIB) ở Luxembourg gây chấn động giới tài chính khu vực.
Đây là vụ tự tử thứ hai tại trụ sở này trong vòng 7 năm. Nạn nhân từng làm trợ lý văn phòng tại EIB. Cảnh sát không tiết lộ lý do cô nhảy từ ban công ngân hàng.
Tuy nhiên, vấn đề sức khỏe tâm thần của nhân viên ngân hàng đã được thảo luận trong nhiều năm qua. Hồi năm 2013, một thực tập sinh EIB tử vong sau khi rơi từ một tòa nhà cùng khuôn viên.
Một số chuyên gia nghi ngờ mối liên hệ giữa hai vụ tự tử và điều kiện nơi làm việc. Năm 2016, hai nhà tâm lý học được ngân hàng thuê để tư vấn cho nhân viên đã cảnh báo về "nguy cơ tự tử". Họ cũng mô tả về nững hành vi quấy rối, bao gồm quấy rối tình dục, và "bầu không khí sợ hãi thiếu lành mạnh".
Trụ sở chính của Ngân hàng Đầu tư Châu Âu tại Luxembourg. Ảnh: Bloomberg. |
Kiệt quệ tinh thần
Được thành lập năm 1958, Ngân hàng Đầu tư Châu Âu (EIB) là tổ chức tài chính quốc tế thuộc sở hữu công cộng, với các cổ đông là 27 quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU). Tổ chức đã giải ngân hàng trăm tỷ USD cho các dự án phát triển của khối, bao gồm thúc đẩy bình đẳng giới.
Tuy nhiên, đằng sau vẻ ngoài hào nhoáng và những mục tiêu chính sách cao cả của EIB là câu chuyện khác. Một bức tranh u tối hơn đã được phác thảo từ các cuộc phỏng vấn với hơn 20 nhân viên và cựu nhân viên, hồ sơ tòa án và tài liệu nội bộ được Bloomberg thu thập.
Đó là nơi hầu như mọi hành vi quấy rối tình dục, bắt nạt và phân biệt đối xử đều không bị trừng trị. Trên thực tế, câu chuyện đó không phải mới ở các tổ chức tài chính khác tại châu Âu và Mỹ.
Các nhân viên tiết lộ họ từng chứng kiến hoặc là nạn nhân của hành vi quấy rối, bao gồm bạo hành tinh thần. Một số cho biết đã phải hứng chịu những bình luận khiếm nhã, được yêu cầu đổi tình dục lấy thuận lợi trong công việc. Hầu hết người được phỏng vấn không muốn tiết lộ danh tính.
Ngoài ra, phụ nữ - chiếm khoảng 50% trong số 3.500 nhân viên - đôi khi mất cơ hội thăng tiến vào tay những đồng nghiệp nam có trình độ thấp hơn. Nhiều nhân viên nữ thừa nhận rằng sự nghiệp của họ chệch hướng sau khi sinh con.
10 người thừa nhận công việc tại ngân hàng từng khiến họ nghĩ đến chuyện tự sát. Một số nhân viên đã qua đời do tự sát ở bên ngoài khuôn viên ngân hàng.
Trao đổi với Bloomberg, EIB khẳng định không có bất cứ bằng chứng nào về mối liên hệ giữa các vụ tự tử và công việc. Ngân hàng cho biết đã đạt được "tiến bộ đáng kể về bình đẳng giới" trong những năm qua.
Theo ngân hàng, một kế hoạch sức khỏe tâm thần, bao gồm phòng chống tự tử, sẽ được đưa ra vào cuối năm 2021. "Chúng tôi đã đi một chặng đường dài", bà Maj Theander, Tổng giám đốc nhân sự EIB, khẳng định.
Bà Theander chỉ ra một cuộc khảo sát nhân viên hồi năm 2019. Theo đó, 78% nhân viên cho biết họ tự hào khi làm việc tại ngân hàng. Tuy nhiên, chỉ 19% đồng ý rằng ban lãnh đạo ngân hàng là tấm gương về sự đạo đức và chính trực. 16% khẳng định các quyết định nhân sự là công bằng.
Tuy nhiên, cuộc khảo sát không có bất cứ câu hỏi nào về quấy rối hoặc sức khỏe tâm thần.
Theo mô tả của các nhà tâm lý học trong một báo cáo hồi năm 2016, nhân viên tại ngân hàng chịu sự dẫn dắt của những nhà quản lý trình độ kém. Điều đó dẫn đến tình trạng kiệt quệ cả về thể chất lẫn tinh thần, căng thẳng trầm trọng và nhiều vấn đề sức khỏe tâm thần khác.
Ông Paul Van Houtte, cựu chuyên gia kinh tế ngân hàng của Ngân hàng Đầu tư Châu Âu. Ảnh: Bloomberg. |
Hồi năm 2013, khi đang ngồi tại khu vực chung của EIB, ông Paul Van Houtte - cựu chuyên gia kinh tế ngân hàng - bất ngờ nghe thấy tiếng động mạnh. Ngay sau đó, ông nhìn thấy một thi thể nằm trên sàn.
Ông Van Houtte được chẩn đoán mắc chứng rối loạn căng thẳng sau chấn thương tâm lý và không thể làm việc kể từ đó. EIB đã trả cho ông 136.500 euro (tương đương 163.000 USD). Nhưng sau đó, ngân hàng buộc tội ông nói dối về việc chứng kiến thực tập sinh 24 tuổi Ofelia Beke tự tử và bắt đầu điều tra.
Họ đưa các phát hiện cho công tố viên. Công ty bảo hiểm thậm chí tìm cách lấy lại tiền từ ông Van Houtte. Một thẩm phán Luxembourg sau đó đã xóa bỏ những cáo buộc chống lại ông. "Tất cả điều đó hủy hoại tinh thần, sự nghiệp và tài chính của tôi", ông Van Houtee chia sẻ.
"Họ cố miêu tả tôi như một kẻ lừa đảo, dù tôi đã bị tổn thương vì những gì tôi đã chứng kiến", ông chỉ trích.
Quấy rối tình dục và phân biệt đối xử
Trong số 21 đơn khiếu nại chính thức về các hành vi quấy rối tình dục tại EIB kể từ năm 2013, 5 đơn bị từ chối vì không liên quan đến hành vi quấy rối, không có bằng chứng hoặc không liên quan tới ngân hàng. Các đơn khác vẫn đang trong quá trình điều tra.
Đối với 2 trường hợp phát hiện hành vi quấy rối tại ngân hàng, một trường hợp chỉ bị khiển trách bằng văn bản, người còn lại được yêu cầu viết thư xin lỗi nạn nhân.
Trong báo cáo của các nhà tâm lý học hồi năm 2016, hơn 3/4 nhân viên tìm đến tư vấn là phụ nữ. 2/3 trong số họ đang gặp phải những vấn đề liên quan đến công việc. Công việc tại ngân hàng của một số nhân viên nữ thay đổi kể từ lúc lập gia đình. Một người cho biết cô không được gia hạn hợp đồng sau khi nói với quản lý rằng mình đang mang thai.
Một cựu nhân viên khác cáo buộc một giám đốc điều hành nam đòi hỏi đổi tình dục để được thăng tiến trong công việc. Sau khi viết thư tố cáo gửi cho Chủ tịch EIB Werner Hoyer, cô được yêu cầu chuyển đến phòng khác. Người đàn ông đó vẫn tiếp tục công việc.
Ông Werner Hoyer, Chủ tịch Ngân hàng Đầu tư Châu Âu. Ảnh: Bloomberg. |
Sau khi cô giải thích lý do rời khỏi phòng cũ cho các đồng nghiệp, ngân hàng đã điều tra cô. Đến năm 2019, cô bị sa thải vì không phối hợp và đưa ra những cáo buộc sai sự thật, theo Bloomberg.
Một nhân viên nữ khác cũng đệ đơn khiếu nại một quản lý nam vào năm 2018. Ông ta đã bạo hành tinh thần của cô trong vòng nhiều năm bằng những câu hỏi khiếm nhã. Sau khi gửi thư cho bộ phận nhân sự, cô được chuyển đến bộ phận khác.
Cô Carine Djeziri, nhân viên đã chết vì tự tử vào tháng 12/2020, đã làm việc tại EIB trong vòng 10 năm. Trước đó, cô chơi bóng rổ cho Basket Esch ở Total League tại Luxembourg. Cô Djeziri cũng viết về bóng rổ cho một tờ báo địa phương có tên Le Quoprisen.
Biên tập viên Denis Bastien, đồng nghiệp của cô Djeziri tại Le Quoprisen, cho biết cô là người hóm hỉnh, viết tốt và thoải mái.
"Tinh thần chiến đấu của Carina đã giúp cô ấy vượt qua nhiều trận đấu suốt cuộc đời và tỏa sáng trong thể thao. Chúng tôi sẽ không quên cô ấy. Cô ấy vẫn là nguồn cảm hứng cho nhiều người trong số chúng ta", các đồng nghiệp của cô Djeziri chia sẻ sau khi cô qua đời.
Theo các nhà tâm lý học, nơi tự sát của cô Djeziri cho thấy công việc có khả năng là nguyên nhân. "Cô ấy có thể muốn gửi thông điệp đến đồng nghiệp hoặc lãnh đạo của mình", họ lập luận.
"Nơi diễn ra vụ tự tử nói lên một vài điều. Nhiều vụ tự tử giống một hành động trả thù", ông François D’Onghia, nhà tâm lý học của chương trình phòng chống tự tử quốc gia của Luxembourg, bình luận.
Tại Mỹ, số vụ tự tử tại nơi làm việc đạt kỷ lục 307 vụ vào năm 2019, tăng từ 229 vụ năm 2015, theo dữ liệu của Cục Thống kê Lao động Mỹ.
Vào năm 2014, một nhân viên tại JPMorgan Chase & Co. đã nhảy lầu tự tử từ tầng thượng của văn phòng ở London. Một năm sau, một luật sư tại Ủy ban Châu Âu tự sát tại trụ sở của tổ chức ở Brussels.
(Theo Zing)