Ngày 14/3, Sở Y tế TP.HCM chia sẻ thông tin và hình ảnh liên quan đến việc bác sĩ và nhân viên y tế tại Vương quốc Anh đình công đòi tăng lương cho bác sĩ trẻ.
Theo đó, Sở Y tế TP.HCM đang có chuyến thăm và tìm hiểu hệ thống y tế của nước Anh. Tại quốc gia này, đặc điểm nổi bật và đáng tự hào của hệ thống khám chữa bệnh là tất cả các dịch vụ y tế (phòng khám bác sĩ gia đình, bệnh viện chuyên khoa, chương trình tầm soát, phòng ngừa bệnh tật,…) đều được cung cấp miễn phí cho người dân. Tất cả cơ sở y tế công lập đều nhận kinh phí hoạt động và đầu tư phát triển từ nguồn ngân sách.
Theo kế hoạch, đoàn công tác sẽ tìm hiểu hoạt động thực tế tại các bệnh viện. Tuy nhiên, chương trình bị hủy do các bác sĩ tại Anh tổ chức đình công. Ngày 13/3, tại các con đường chính của thủ đô Luân Đôn (Anh), bác sĩ và nhân viên y tế đã tập trung đông đảo để biểu tình đòi tăng lương cho các bác sĩ trẻ.
Tại nước Anh, bác sĩ và nhân viên y tế có quyền đình công nhưng phải tuân thủ quy định pháp luật để đảm bảo quyền lợi bệnh nhân không bị ảnh hưởng, không gây nguy hiểm hoặc thiệt hại đến sức khỏe của người bệnh.
Hoạt động này chỉ được cho phép nếu các bên liên quan không đạt được thỏa thuận đồng ý thông qua các cuộc đàm phán chính thức.
Trước khi đình công, nhân viên y tế phải thông báo trước với chính quyền và các tổ chức liên quan. Thông báo này được gửi đến cơ quan Quản lý y tế và chăm sóc xã hội ít nhất 14 ngày trước ngày đình công dự kiến, bao gồm chi tiết thời gian, địa điểm, quy mô, tầm ảnh hưởng của cuộc đình công đối với bệnh nhân và dịch vụ y tế.
Các lý do đình công thường gặp tại nước Anh gồm yêu cầu tăng lương, thiếu nhân lực, điều kiện làm việc. Theo đó, bác sĩ và nhân viên y tế đã lâu không được tăng lương trong khi chi phí sinh hoạt tăng lên. Do đó, họ đòi hỏi được cải thiện chất lượng cuộc sống và động viên tiếp tục làm việc trong ngành.
Việc tuyển dụng và giữ chân nhân viên y tế rất khó khăn khiến cho các cơ sở y tế thiếu nhân lực. Nhân viên y tế đòi hỏi chính phủ cung cấp thêm nguồn lực và tài chính để tăng cường đội ngũ nhân sự.
Ngoài ra, nhân viên y tế tại đây cũng đòi hỏi cải thiện điều kiện làm việc như giảm áp lực công việc, đảm bảo an toàn cho người bệnh và y bác sĩ. Nhiều nhân viên y tế cho rằng áp lực làm việc quá cao dẫn đến rối loạn tâm lý, làm giảm hiệu suất và tăng nguy cơ mắc lỗi trong quá trình chăm sóc bệnh nhân.
Hệ thống y tế tại Anh là một trong những hệ thống y tế phát triển và lâu đời trên thế giới, mức độ chuyên môn hóa cao. Người dân có vấn đề sức khỏe phải đến phòng khám bác sĩ gia đình để được bác sĩ khám, chỉ định xét nghiệm, chẩn đoán và điều trị. Trường hợp cần thiết, người bệnh được giới thiệu đến bác sĩ chuyên khoa hoặc cơ sở chăm sóc sức khỏe cộng đồng.
Người bệnh chỉ nhập viện điều trị khi bác sĩ chuyên khoa xem xét và chỉ định. Khi đã điều trị ổn định, bệnh viện sẽ chuyển bệnh nhân ngược về bác sĩ gia đình để theo dõi và điều trị tại nhà.
Sở Y tế TP.HCM dẫn thông tin trước dịch Covid-19, ngân sách chi cho y tế tại Anh là 9,9% GDP (năm 2019), đến năm 2020 đã tăng lên 12% và tiếp tục tăng hơn vào năm 2021, 2022.