“Thời gian làm việc mới được 22 tháng nên tôi phải đền bù 14 tháng. Số tiền đền bù là 44,5 triệu đồng, nộp tiền mặt. Tôi đã choáng váng vì có quá nhiều con số”, bác sĩ N.N.A (TP.HCM) chia sẻ.
LỜI TÒA SOẠN
Đầu tháng 3, Sở Y tế tỉnh Bình Dương đã ra văn bản gửi các cơ sở y tế, trường đại học y dược, đơn vị trực thuộc sở y tế cả nước đề nghị không tiếp nhận, tuyển dụng, đào tạo đối với 6 bác sĩ vi phạm cam kết đối với tỉnh. Họ thuộc diện được cấp kinh phí đi đào tạo, nhận tiền hỗ trợ thu hút nhân lực, có cam kết thời gian phục vụ.
Tuy nhiên, trước khi hoàn thành thời gian làm việc theo cam kết, 6 bác sĩ đã nghỉ việc, chưa bồi thường chi phí đã nhận cho tỉnh.
Lãnh đạo Sở Y tế Bình Dương cho rằng việc ra văn bản này là “bất đắc dĩ”. Còn về phía các bác sĩ, nhiều ý kiến băn khoăn và đặt câu hỏi tại sao họ vẫn quyết định nghỉ việc khi biết rằng phải đền bù số tiền kinh phí không nhỏ và việc bị nêu tên trong văn bản này chắc chắn làm ảnh hưởng đến danh dự, sự nghiệp.
VietNamNet xin đăng tải tuyến bài Phía sau cam kết đào tạo bác sĩ với mong muốn phần nào phản ánh được câu chuyện thực tế của những người trong cuộc, từ sự khó khăn của bác sĩ cho đến nỗi trăn trở của bệnh viện.
Kỳ 1: 5 triệu đồng không đủ cho bác sĩ sống, tôi chấp nhận đền bù để được nghỉ việc - câu chuyện của bác sĩ N.N.A, 30 tuổi, ngụ tại TP.HCM, từng ký cam kết đào tạo nhưng đã quyết tâm nghỉ việc dù phải bồi thường.
Tôi vừa hoàn thành hồ sơ xin nghỉ việc tại bệnh viện công lập hạng 1 của TP.HCM sau 4 năm công tác. Khi xin vào bệnh viện, tôi ký cam kết sau thời gian học việc để cấp chứng chỉ hành nghề, tôi phải ở lại làm việc cho bệnh viện 36 tháng liên tiếp. Nếu nghỉ việc, tôi phải trả lại “phí đào tạo” cho bệnh viện.
5 triệu đồng mỗi tháng, chi tiêu thế nào ở TP.HCM?
Tôi được trả lương và các phụ cấp trong thời gian làm việc với mức lương khoảng 5 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, công việc của tôi như một bác sĩ bình thường bao gồm thăm khám, cấp cứu, trực. Tôi chỉ không được ký vào y lệnh mà bác sĩ chính sẽ ký.
Suốt 18 tháng làm việc để có chứng chỉ, chúng tôi vô cùng vất vả. Công việc ở khoa cấp cứu lúc nào cũng áp lực nhưng lương chẳng đủ sống. Bạn nghĩ xem, 5 triệu đồng mỗi tháng bạn sẽ chi tiêu như thế nào ở một thành phố lớn nhất cả nước.
Qua 18 tháng, tôi được cấp chứng chỉ hành nghề, trở thành bác sĩ chính từ tháng 4. Nhưng tới tháng 6 tôi mới được nhận lương bác sĩ hạng 3. Lúc đó, tổng thu nhập từ lương và các khoản phụ cấp tôi nhận được khoảng 13 triệu đồng. Tôi không dám nghĩ tới việc lập gia đình. 30 tuổi tôi vẫn sống độc thân.
Thu nhập quá thấp, để trang trải cuộc sống, tôi và nhiều đồng nghiệp sẽ phải đi làm thêm tại các phòng mạch tư nhân. Tuy nhiên, thời gian làm việc kéo dài khiến tôi quá mệt mỏi và đang bán sức lao động với giá rẻ mạt.
Trên thế giới chỉ có Bill Gate làm việc 16 tiếng mỗi ngày nhưng ông ấy là tỷ phú. Tôi đang làm việc 15 tiếng nhưng tổng thu nhập chỉ vỏn vẹn hơn 20 triệu đồng/tháng.
Đứng giữa nhiều sự lựa chọn, tôi xin nghỉ việc để ra một bệnh viện tư làm việc. Tôi đã tìm hiểu rất nhiều về thủ tục và việc phải đền bù hợp đồng. Tôi lên làm việc với phòng Tổ chức cán bộ thì nhận được hồ sơ là một tờ giấy đủ các con số.
Thời gian tôi làm việc mới được 22 tháng, tôi phải đền bù 14 tháng. Số tiền đền bù là 44,5 triệu đồng, nộp tiền mặt. Tôi đã choáng váng vì có quá nhiều con số. Tôi xin chụp hoặc phô tô lại để về đối chiếu với hợp đồng ở nhà của mình nhưng bị từ chối. Tôi muốn nghỉ việc thì phải ký lại cam kết bồi thường.
Có bác sĩ đã từng đền bù cả tỷ đồng để nghỉ việc
Tôi không có tiền để nộp nên xin nợ lại nộp sau. Về nhà, tôi quyết định hỏi vay của một người bạn của mình 40 triệu đồng để trả lại bệnh viện với dự định khi đi làm ở nơi mới sẽ tiết kiệm và trả dần.
Bạn bè tôi mách “xin ba mẹ đi” nhưng tôi không đủ can đảm nói với ba mẹ rằng: "Cho con xin tiền để con bồi thường bệnh viện khi nghỉ việc". Ba mẹ đã nuôi tôi học 6 năm đại học nếu giờ xin thêm tiền họ để được… nghỉ việc thì nghe chừng vô lý quá.
Một bạn cùng khóa với tôi đã phải đền bù 117 triệu đồng khi nghỉ việc. Tôi biết, bạn ấy đã phải xin ba mẹ mình để nộp lại cho bệnh viện. Rồi, bác sĩ trẻ đó lại phải tiếp tục xin tiền của ba mẹ đóng tiền học chuyên khoa 1, chuyên khoa 2. Bác sĩ là vậy đó, học cả đời và đều phải tự mình tìm tòi kiến thức.
Thời gian đi học, họ phải làm cam kết với bệnh viện và nghỉ việc sai cam kết phải hoàn lại tiền. Có bác sĩ đã từng đền bù cả tỷ đồng để nghỉ việc vì anh được đi đào tạo ngắn hạn ở nước ngoài.
Tuy nhiên, khi môi trường làm việc quá áp lực công thêm thu nhập thấp sẽ khiến tôi và các đồng nghiệp vô cùng mệt mỏi. Bởi vậy, tôi chọn ra làm việc tại bệnh viện tư. Tôi còn trẻ phải kiếm tiền có chút vốn rồi lập gia đình. Dù bạn yêu nghề như thế nào nhưng không có tiền thì thật khó có thể an tâm làm việc.
Tôi chỉ mong muốn các bạn bác sĩ trẻ khi ra trường hãy cân nhắc thật kỹ. Khi đã ký cam kết, bạn phải chịu trách nhiệm. Tuy nhiên, quy định bác sĩ trẻ phải có chứng chỉ hành nghề 18 tháng mới được làm việc. Trong khi đó, bệnh viện là nơi phải cấp chứng chỉ thì bản thân chúng tôi đang bị “bóc lột sức lao động” để có được chứng chỉ đó.
Ngoài ra, chúng tôi còn phải trả lại phí nếu không làm việc hơn 36 tháng. Các đồng nghiệp khóa sau của tôi còn ký cam kết làm việc tại bệnh viện 90 tháng. Nếu họ nghỉ việc khi chưa đủ thời gian này, số tiền đề bù còn lớn hơn rất nhiều.
Với cơ chế thu nhập như hiện nay, tôi đoán rằng sẽ còn thêm nhiều bác sĩ trẻ nghỉ việc và trả lại tiền để có chứng chỉ hành nghề giống tôi.
Nội dung các điều khoản trong bản cam kết của bác sĩ và bệnh viện
Bệnh viện A. xét duyệt và tạo điều kiện cho tôi được đào tạo chương trình thực hành khám bệnh, chữa bệnh 18 tháng tại bệnh viện. Vì thế, tôi tự nguyện cam kết:
1. Trong thời gian đào tạo chấp hành sự phân công công tác của Bệnh viện và Ban lãnh đạo khoa thực hành.
2. Thực hiện đúng quy định của pháp luật về thực hành khám chữa bệnh, chấp hành nội quy, quy chế chuyên môn của bệnh viện.
3. Hoàn thành những cam kết đã thực hiện trong hợp đồng.
4. Không tự ý bỏ học trong thời gian đào tạo.
5. Sau khi hoàn thành khóa đào tạo, được cấp chứng chỉ hành nghề, tôi sẽ tiếp tục làm việc tại bệnh viện 36 tháng (ít nhất gấp 2 lần thời gian được đào tạo thực hành).
Nếu vi phạm các điều trên, tôi cam kết thực hiện bồi hoàn lại cho Bệnh viện số tiền hỗ trợ bao gồm 2 triệu đồng chi phí đào tạo thực hành, 4,5 triệu đồng chi phí hỗ trợ hàng tháng trong 18 tháng tương đương 117 triệu đồng.
Làm bao lâu để được lương 10 triệu ở viện công?
Câu chuyện của N.N.A cho thấy môi trường làm việc áp lưc cộng thêm thu nhập không đủ sống khiến nhiều bác sĩ trẻ vẫn quyết tâm “dứt áo ra đi” dù phải đền bù. Về phía lãnh đạo bệnh viện, điều gì đang cản trở họ giữ chân những nhân viên này?
Kỳ 2: "Để được 10 triệu đồng, bác sĩ viện công phải cống hiến chục năm": Theo giám đốc bệnh viện, sở y tế, tình trạng nhân viên xin nghỉ việc đang diễn ra thường xuyên tại nhiều bệnh viện công. Dù buộc phải đền bù hợp đồng, họ vẫn nghỉ. Lý do chính là vì thu nhập.
Nhân viên y tế nghỉ việc đa phần vì thu nhập và các chế độ đãi ngộ ở bệnh viện công lập thấp hơn tư nhân. Nếu không giải được bài toán tăng thu nhập, làn sóng dịch chuyển lao động sẽ tiếp tục diễn ra.
Quy định mới đã tháo gỡ được nhiều điểm nghẽn cho các bệnh viện. Tuy nhiên, nhiều giám đốc các cơ sở y tế chia sẻ sự băn khoăn, e ngại đối với tình huống phát sinh trong thực tiễn đấu thầu, mua sắm trang thiết bị y tế.