LỜI TÒA SOẠN

Đầu tháng 3, Sở Y tế tỉnh Bình Dương đã ra văn bản gửi các cơ sở y tế, trường đại học y dược, đơn vị trực thuộc Sở Y tế cả nước đề nghị không tiếp nhận, tuyển dụng, đào tạo đối với 6 bác sĩ vi phạm cam kết đối với tỉnh. Họ thuộc diện được cấp kinh phí đi đào tạo, tiền hỗ trợ thu hút nhân lực, cam kết thời gian phục vụ.

Tuy nhiên, trước khi hoàn thành thời gian làm việc theo cam kết, 6 bác sĩ đã nghỉ việc, chưa bồi thường chi phí đã nhận cho tỉnh.

Lãnh đạo Sở Y tế Bình Dương cho rằng quyết định ra văn bản này là “bất đắc dĩ”. Còn về phía các bác sĩ, nhiều ý kiến băn khoăn và đặt câu hỏi tại sao họ vẫn quyết định nghỉ việc khi biết rằng phải đền bù số tiền kinh phí không nhỏ và việc bị nêu tên trong văn bản này chắc chắn đã ảnh hưởng không nhỏ đến danh dự, sự nghiệp.

VietNamNet xin đăng tải tuyến bài Phía sau cam kết đào tạo bác sĩ với mong muốn phần nào phản ánh được câu chuyện thực tế của những người trong cuộc, từ sự khó khăn của bác sĩ cho đến nỗi trăn trở của bệnh viện.

Kỳ 1:5 triệu đồng không đủ cho bác sĩ sống, tôi chấp nhận đền bù để được nghỉ việc

Thi thoảng lại có bác sĩ nộp đơn xin nghỉ việc, là người đứng đầu cơ sở y tế bác sĩ Nguyễn Đại Phong, Giám đốc Bệnh viện Đa vùng Tây Nguyên, lại càng trăn trở hơn làm thế nào để tình trạng này giảm bớt.

Một bác sĩ công tác tại bệnh viện công lập (tỉnh Bến Tre) cho biết: “Tình trạng này không hiếm, xảy ra ở nhiều địa phương. Họ sẵn sàng chấp nhận đền bù chi phí đào tạo để ra các cơ sở tư nhân làm việc vì mức lương chi trả cao hơn nhiều so với các bệnh viện công”. 

Phải đền bù, bác sĩ vẫn nghỉ

Theo bác sĩ Phong, nhân viên y tế chịu rất nhiều áp lực từ công việc và người nhà bệnh nhân… Trong khi đó, thu nhập thấp chưa tương xứng với sức lao động họ bỏ ra. 

Hằng năm, Bệnh viện Đa khoa Vùng Tây nguyên có khoảng 15-20 nhân viên nghỉ việc, trong đó có 8-10 bác sĩ. Bệnh viện tiếp tục tuyển thêm các bác sĩ trẻ vào thay thế nhưng một số vị trí khoa phòng vẫn “trống”.

Trong số bác sĩ nghỉ việc, ông Phong lo ngại nhất đó là bác sĩ được bệnh viện cử đi học chuyên khoa, các lớp ngắn hạn bằng ngân sách đào tạo của nhà nước, bác sĩ có tay nghề vững. Khi học xong, họ kiên quyết nghỉ việc bất chấp các quy định ràng buộc, sẵn sàng trả lại kinh phí để nghỉ việc ra làm bệnh viện tư nhân hoặc phòng khám tư. 

Theo quy định, các bác sĩ khi đi học về phải công tác ít nhất bằng 2 lần thời gian đi học thì khi thôi việc không phải đền bù kinh phí. Ví dụ, bác sĩ khi học thạc sĩ hoặc chuyên khoa cấp 1 thời gian học 2 năm lúc về cần phục vụ thêm 4 năm. Nếu bác sĩ làm không đủ thời gian đó thì phải đền bù kinh phí. Thực tế, khi họ đã muốn nghỉ thì cũng sẽ sẵn sàng đền bù theo cam kết.

Tại Bệnh viện Đa khoa Vùng Tây Nguyên, nhiều bác sĩ đã nộp đền bù. Ông Phong cho biết gần đây nhất, một bác sĩ chuyên khoa tai mũi họng đã xin nghỉ, phải đền bù hơn 500 triệu bao gồm phí đào tạo, các khoản phụ cấp khi đi học… Dù số tiền đền bù lớn nhưng bác sĩ này vẫn nghỉ và xin nộp chậm khoản tiền này. 

Theo ông Phong, số tiền đền bù phụ thuộc vào ngân sách chi trả cho khóa đào tạo và một số quy định riêng của cơ sở y tế như thu nhập tăng thêm trong thời gian đi học hay các phụ cấp khác… 

Bác sĩ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lạng Sơn chăm sóc bệnh nhân. Ảnh: BVCC

Là một tỉnh miền núi, Sở Y tế tỉnh Lạng Sơn cũng có chương trình đào tạo bác sĩ phục vụ nhu cầu khám chữa bệnh tại các bệnh viện. Ông Phạm Đức Cơ - Trưởng phòng Nghiệp vụ Y - Dược, Sở Y tế tỉnh Lạng Sơn, cho biết việc cán bộ được cử đi đào tạo dựa vào có nhu cầu sử dụng lao động của tỉnh trong lĩnh vực đó. Ví dụ, bệnh viện đang thiếu bác sĩ chuyên khoa mổ mà không tuyển dụng được nên cử cán bộ đi học. 

Ông cũng phân tích một số nguyên nhân cơ bản dẫn đến tình trạng này:

Thứ nhất, mức lương thu hút lao động (bác sĩ) ở các cơ sở tư nhân cao hơn so với mức lương được chi trả tại các bệnh viện công lập, sự chênh lệch này còn khá cách biệt. Trưởng phòng Nghiệp vụ y - dược, Sở Y tế tỉnh Lạng Sơn lấy ví dụ, tại một số bệnh viện công, có bác sĩ được hưởng mức lương 10 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên để đạt được mức đó họ phải cống hiến hàng chục năm. Ở các bệnh viện tư lương khởi điểm có thể cao gấp 3, 4 lần con số trên. 

Thứ hai, sự khác biệt về thời gian làm việc. Theo ông Cơ, làm việc ở đơn vị tư nhân thoải mái hơn, không bị gò bó hạn chế như cơ sở công lập. 

“Còn nhiều lý do khác tác động đến quyết định chấp nhận chịu nộp phạt để rời bệnh viện công sau khi được đào tạo của các bác sĩ. Tuy nhiên lý do quan trọng nhất vẫn là thu nhập”, ông Cơ cho biết.

Ngoài ra, theo đánh giá của Giám đốc Bệnh viện đa khoa vùng Tây Nguyên, môi trường làm việc, trang thiết bị, điều kiện vật chất cũng tác động lớn đến bác sĩ. 

Tại bệnh viện tư, môi trường làm việc và điều kiện trang thiết bị tốt hơn. Trong khi đó, nhiều cơ sở y tế đã xảy ra hiện tượng bác sĩ đi học về nhưng thiếu thiết bị để thực hành, triển khai chuyên môn.

Hơn một năm nay, tình trạng thiếu vật tư trang thiết bị, vật tư y tế càng làm cho bác sĩ chán nản. Tâm lý của nhiều bác sĩ là muốn làm việc, nhưng nếu rơi vào tình trạng “tay không bắt giặc” họ cũng bị dao động. 

Bài toán khó để giữ chân bác sĩ, đặc biệt là người giỏi

Theo bác sĩ Nguyễn Đại Phong, cần phải có một chính sách đãi ngộ tương xứng từ lương cho tới môi trường làm việc để các nhân viên y tế yên tâm làm việc, đặc biệt là bác sĩ giỏi.

“Mỗi lần anh em tâm tư thu nhập, là người đứng đầu cơ quan, tôi vẫn trăn trở làm sao để nhân viên của mình có nguồn thu nhập tương đối gần bằng với bệnh viện tư nhân”, bác sĩ Phong chia sẻ. 

Ví dụ, tại Bệnh viện Đa khoa Vùng Tây Nguyên thu nhập bác sĩ trung bình theo bậc lương và tăng thêm khoảng 7-8 triệu đồng. Các vị trí trưởng khoa khoảng hơn 10 triệu đồng. Nếu họ ra bệnh viện tư, thu nhập từ 18 đến hơn 20 triệu đồng.

Tuy nhiên, ông Phong cho rằng đây là bài toàn khó. Muốn tăng thu nhập cho cán bộ viên chức ngoài quản lý tăng thu các khoản phí, viện phí, tránh thất thoát, tiết kiệm điện nước, tiết kiệm các khoản chi không hợp lý… cần có khu điều trị theo yêu cầu. 

“Dù vậy, việc tăng nguồn thu kể cả từ khu khám và điều trị theo yêu cầu phải làm đề án rất khó khăn, nhiều cơ quan chức năng thẩm định và cuối cùng thông qua HĐND tỉnh phê duyệt… 

Điều đó cho thấy bệnh viện công có những ràng buộc pháp lý không như bệnh viện tư hoạt động theo mô hình doanh nghiệp mua sắm hay mở gói dịch vụ mới dễ dàng”, bác sĩ Phong phân tích.

Vì vậy, khi nhận đơn xin nghỉ việc của nhân viên, bác sĩ Phong chỉ còn cách mời họ lên nói chuyện tìm hiểu tâm tư và thuyết phục ở lại. Nhiều thời điểm, bệnh viện thiếu bác sĩ chuyên môn cao, chưa có người thay thế nên không thể giải quyết cho bác sĩ nghỉ việc ngay. 

Tuy nhiên, theo quy định, trong thời gian tối đa 45 ngày người lao động gửi đơn xin thôi việc, cơ quan đơn vị phải giải quyết. 

Hiện nay, Bệnh viện Đa khoa Vùng Tây Nguyên có chính sách thu hút nhân lực như khuyến khích các bác sĩ đi học nâng cao trình độ chuyên môn, tạo điều kiện cho họ phấn đấu có vị trí lãnh đạo trong khoa phòng, trả đủ kinh phí học phí và trả đủ bổ sung thu nhập theo quy định của bệnh viện. Nhân viên y tế học các kỹ thuật cao ngoài các khoản thu nhập, được bệnh viện hỗ trợ thêm mỗi tháng 3 triệu tiền trọ, lưu trú…

Ngoài ra, bệnh viện cũng có các chính sách đãi ngộ các sinh viên ra trường loại giỏi, bác sĩ nội trú, bác sĩ chuyên khoa  như rút ngắn thời gian thử việc chỉ còn 1-2 tháng.

Tuy nhiên, bác sĩ Phong lo ngại dù đãi ngộ tốt nhưng việc dịch chuyển nơi làm việc từ công sang tư vẫn khó tránh khỏi khi cán cân thu nhập cách biệt rõ rệt.

Tình trạng này còn gây ảnh hưởng đến quy hoạch, vấn đề đào tạo của bệnh viện, dẫn đến thiếu hụt lao động. Các cơ sở y tế lại phải tiếp tục tuyển dụng hoặc cử cán bộ đi đào tạo tiếp. Điều đó gây mất thời gian và đồng nghĩa với việc người bệnh sẽ không được hưởng quyền lợi khám, điều trị tốt nhất. 

Cũng theo ông Phạm Đức Cơ, để giải quyết tình trạng trên phải giải quyết từng căn nguyên của vấn đề. Đó là cải cách tiền lương, nâng cao chế độ đãi ngộ cho bác sĩ tại viện công. Sau khi đi đào tạo về, bác sĩ có thể yên tâm công tác, cống hiến cho bệnh viện. Bên cạnh đó môi trường làm việc, các điều kiện khác phải thực hiện theo quy định luật lao động để tạo điều kiện tốt nhất cho người thầy thuốc cống hiến. 

“Không ai muốn nhảy việc. Ai cũng muốn được cống hiến tại nơi người ta được cử đi học, làm việc tại môi trường quen thuộc, vì hoàn cảnh bất đắc dĩ người ta mới phải chấp nhận đền bù để ra đi”, ông Cơ nhận định.

Không bệnh viện nào muốn nhận tiền bồi thường đào tạo của bác sĩ

Theo Tiến sĩ Nguyễn Huy Quang, nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế, nếu bác sĩ nào đi học về nhưng “chê” lương thấp mà bỏ bệnh viện đi nơi khác thì bệnh viện sẽ thiệt thòi, bởi cơ sở đó chỉ là nơi “thử việc” cho họ. Những cam kết dân sự giữa các bệnh viện đang thực hiện với người lao động là phù hợp và chúng ta nên hài hòa lợi ích của tập thể và cá nhân.

Kỳ 3: “Không bệnh viện nào muốn nhận tiền bồi thường đào tạo của bác sĩ”