Nền công nghiệp điện hạt nhân của dảo quốc Nhật đang bước vào thời kỳ phục hồi, sau thảm họa thiên nhiên động đất sóng thần bất ngờ Fukushima đưa ngành điện năng hiện đại này xuống gần như con số “không”.

Cảm nhận trên xuất hiện và lan truyền ra thế giới khi xuất hiện thông tin: Một loạt nhà máy điện hạt nhân Nhật Bản gồm những 19 lò phản ứng năng lượng sắp tái khởi động trở lại. Nguồn thông tin này vừa được đưa ra bởi Viện Kinh tế Năng lượng Nhật Bản (IEEJ) trong một báo cáo về Triển vọng kinh tế và năng lượng Nhật Bản năm 2017.

{keywords}

Bản đồ phân bổ các nhà máy điện hạt nhân của Nhật Bản (trước 2011). Ảnh từ apjjf.org

Về lịch trình tái khởi động, các tác giả của bản báo cáo ước tính rằng, 7 lò phản ứng có thể được vận hành trước vào tháng 3 năm 2017 và đến đầu năm 2018 thêm 12 lò nữa được tái khởi động. Như vậy, nền công nghệ điện hạt nhân nước Nhật đang sống lại với tổng cộng 19 lò hạt nhân được lần lượt khởi động và đưa dòng điện lên lưới chung; đóng góp vào nền công nghiệp điện quốc gia một lượng điện “khủng” với 119,8 TWh (tỷ oát giờ) mỗi năm. Sự đóng góp như vậy thật là đáng kể, đạt gần một nửa; chính xác khoảng 42% tổng sản lượng 288,2 TWh của toàn ngành điện hạt nhân trong năm 2010; tức thời kỳ hưng thịnh nhất trước khi thiên tai động đất sóng thần xảy ra ở nhà máy Fukushima Daiichi tháng 3/2011.

Về mặt tác động đối với môi trường, sự tham gia hoạt động của 19 lò phản ứng nói trên sẽ làm giảm bớt một lượng đáng kể khí nhà kính độc hại CO2 trong trường hợp phải sử dụng nhà máy nhiệt điện than. Cụ thể hơn, lượng phát thải đã đạt mức cao lịch sử với 1 tỷ 235 triệu tấn CO2 vào năm 2013 khi hầu hết các nhà máy điện hạt nhân đóng cửa. Đó là chưa tính đến, rằng sự có mặt của 19 lò phản ứng sẽ làm giảm một số tiền “khủng” chi cho nhập khẩu nhiên liệu hóa thạch đến 4.7 nghìn tỷ JPY (Yên Nhật); tương đương 45 tỷ $ (đôla Mỹ) hàng năm.

Cũng nên biết thêm rằng, trong tình hình hiện nay ở nước Nhật sau “dư chấn” Fukushima, các con số như tổng số lò phản ứng cũng như thời gian hay tốc độ khởi động lại các lò phản ứng còn mang tính tương đối và khó xác định chuẩn xác vì còn phụ thuộc vào sự quyết định của cơ quan (cơ quan an toàn và an ninh hạt nhân) và cả sự đồng ý của địa phương (tỉnh hay huyện, thành phố hay thị trấn) nơi có lò phản ứng.

Một dẫn chứng cụ thể là đến nay bốn lò phản ứng của Nhật Bản - Sendai tổ máy 1 và 2 và Takahama 3 và 4 - đã được phép khởi động lại theo các quy định an toàn mới. Vậy mà chỉ mới có Sendai 1 và Sendai 2 thực sự được khởi động lại và đã hòa điện lên lưới còn hai tổ máy Takahama 3 và Takahama 4 chưa được phát điện thường xuyên và đang chờ “chuẩn y” của một tòa án huyện, mặc dù đã được sự chuẩn y chính thức của cơ quan an toàn và an ninh.

Tình hình nói trên phản ảnh một thực tế hiện nay của nước Nhật: nền công nghiệp điện hạt nhân đang sống lại với một tiến độ vừa phải. Nhưng chắc hẳn sau một thời gian không dài nữa tiến độ đó sẽ ngày càng nhanh hơn. Và sẽ đến thời điểm thành phần điện hạt nhân sẽ trở lại vai trò chủ lực trong nền điện năng quốc gia.

Cũng cần lưu ý thêm rằng, sự lựa chọn con đường phát triển điện hạt nhân của Nhật Bản cũng là khá đặc biệt so với nhiều nước khác. Trước hết, đây là quốc gia duy nhất trên thế giới trở thành nạn nhân của bom nguyên tử. Hai quả bom A đã hủy hoại hai thành phố Hiroshima và Nagasaki gây ra cái chết của hàng trăm ngàn người trong thế chiến thứ II. Một điều đặc biệt nữa khác với nhiều quốc gia là đất nước Phù Tang này nằm trên nền địa chấn không bền vững với nhiều vệt đứt gãy địa chất.

Dù vậy, Nhật Bản không quay lưng lại với nền công nghiệp điện hạt nhân. Vì đây là sự lựa chọn tối ưu của đất nước này và đồng thời họ biết cách khắc phục ở mức tích cực nhất các mối đe dọa của con người và thiên nhiên khách quan.

Đây quả là bài học quý có sức cổ vũ lớn đối với nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam.

  • Trần Minh