Lời cảnh báo của Tokyo được đưa ra giữa lúc Trung Quốc phản ứng với Mỹ về lập trường với quần đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư.


Máy bay Nhật nhiều lần được điều động để chặn máy bay TQ gần quần đảo tranh chấp. Ảnh: Getty Images

Tờ Aljazeera (Qatar) ngày 20/1 đưa tin, trong cuộc đấu khẩu mới nhất giữa Tokyo và Bắc Kinh, Nhật tuyên bố, họ có thể bắn cảnh báo để ngăn chặn máy bay nước ngoài vi phạm không phận xung quanh quần đảo tranh chấp.

Quan chức Nhật đưa ra lời nói trên sau khi các máy bay chiến đấu Trung Quốc gần đây xuất hiện ở khu vực gần Senkaku/Điếu Ngư. Giới phân tích tin rằng, đây là lần đầu tiên máy bay của lực lượng không quân Trung Quốc dính líu ở vùng tranh chấp kể từ khi căng thẳng hai bên gia tăng hồi tháng 9 vừa qua.

Theo truyền thông Trung Quốc, hai máy bay J10 đã được điều động sau khi các máy bay F15 của Nhật xuất kích ngăn chặn một máy bay giám sát Trung Quốc bay gần vùng tranh chấp ở Hoa Đông. Bắc Kinh phàn nàn rằng, máy bay giám sát không vi phạm không phận Nhật và bị F15 quấy nhiễu.

Lo ngại xung đột ngày một tăng cao về những bình luận chính thức cho rằng, Thủ tướng Nhật Shinzo Abe và nội các của ông đang cân nhắc sử dụng "đạn vạch đường" như một biện pháp phản ứng với các hành động vi phạm không phận. Theo đó, khi phát hiện có máy bay nước ngoài xâm nhập trái phép không phận, quân đội Nhật sẽ lập tức điều động chiến đấu cơ xuất kích, đầu tiên phát tín hiệu vô tuyến điện buộc máy bay nước khác phải rời khỏi khu vực. Nếu máy bay nước ngoài vẫn không rút lui, phi công Nhật sẽ dùng máy bay của mình "vẫy" tín hiệu, và cuối cùng sẽ nổ súng cảnh cáo.

"Mọi quốc gia đều có quy trình đối phó thế nào với sự vi phạm lãnh thổ sau khi nhiều biện pháp cảnh báo trước đã được thực hiện", Itsunori Onodera, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật cho biết. "Chúng tôi đã sẵn sàng các biện pháp ứng phó phù hợp với những quy chuẩn toàn cầu".

Căng thẳng leo thang khiến Mỹ lo ngại. Ngoại trưởng Hillary Clinton trong cuộc gặp với người đồng cấp Nhật Bản cuối tuần trước đã tuyên bố, Mỹ phản đối bất kỳ hành động nào làm "xói mòn" quyền quản lý của Nhật với Senkaku/Điếu Ngư.

Báo chí Trung Quốc cho rằng, động thái này đã "phản bội" lại cam kết giữ lập trường trung lập của Washington về chuyện tranh chấp. Còn bộ Ngoại giao nước này thì cho rằng, tuyên bố của bà Clinton đã "phớt lờ thực tế" rằng, quần đảo thuộc lãnh thổ của Trung Quốc. Người phát ngôn Tần Cương của bộ này thúc giục Mỹ áp dụng "thái độ có trách nhiệm".

Quần đảo Senkaku/Điếu Ngư hiện nằm dưới sự quản lý của Nhật nhưng Trung Quốc cũng đưa ra khẳng định chủ quyền.

Thái An (theo aljazeera)