Theo Nikkei, 14 lĩnh vực bao gồm viễn thông, điện, tài chính, đường ray, dịch vụ công, y tế. Chính phủ Nhật Bản sẽ yêu cầu những đơn vị vận hành giải quyết các mối lo ngại an ninh quốc gia khi mua thiết bị do nước ngoài sản xuất.
Nguy cơ tấn công mạng và lộ lọt dữ liệu ngày một tăng trong những năm qua khi các nhà mạng và dịch vụ công phụ thuộc vào công nghệ số để vận hành và giám sát các cơ sở. Nhật Bản hi vọng có thể giảm thiểu rủi ro từ những kết nối, thiết bị dễ bị xâm phạm.
Chính phủ lên kế hoạch sửa đổi các luật trên từng lĩnh vực một cách đồng bộ, bổ sung điều khoản phải có ý thức về rủi ro an ninh quốc gia. Cụ thể, mỗi lĩnh vực phải xem xét một số vấn đề có thể xuất phát từ việc sử dụng thiết bị, dịch vụ ngoại, trong đó có lưu trữ dữ liệu đám mây, kết nối tới máy chủ đặt tại nước ngoài.
Các mạng lưới hạ tầng quan trọng dễ trở thành nạn nhân của tấn công mạng. Do đó, chính phủ sẽ theo dõi việc tuân thủ của doanh nghiệp và đình chỉ/hủy bỏ giấy phép nếu có bất kỳ sự cố lớn nào. Hiện tại, chính phủ chưa có cơ sở pháp lý để đánh giá nguy cơ an ninh quốc gia khi các đơn vị khai thác hạ tầng nâng cấp hệ thống.
Năng lực giám sát và điều khiển các cơ sở liên quan tới hạ tầng khiến lĩnh vực này đối mặt với rủi ro an ninh mạng lớn hơn, chẳng hạn chương trình độc hại cài vào máy chủ, bộ định tuyến hay thiết bị viễn thông khác. Lo ngại lộ lọt dữ liệu qua thiết bị, dịch vụ Trung Quốc cũng gia tăng, đặc biệt sau khi Trung Quốc yêu cầu các công ty hoạt động trong nước tuân thủ yêu cầu dữ liệu.
Năm 2018, các cơ quan chính phủ Nhật Bản đồng ý dừng mua thiết bị tiềm ẩn rủi ro an ninh. Ngày nay, Nhật Bản cũng muốn khu vực tư nhân tuân theo tiêu chuẩn tương tự, nhất là sau khi Colonial Pipeline – một trong các hệ thống dẫn nhiên liệu lớn nhất nước Mỹ - bị tin tặc tấn công và đóng cửa tạm thời.
Tấn công nhằm vào hạ tầng sẽ gây gián đoạn lớn đến cuộc sống thường ngày. Người ta lo ngại hacker có thể gây thảm họa như tai nạn máy bay, ngập lụt khi nhắm vào hệ thống kiểm soát không lưu, hoặc đóng cửa các nhà máy nguyên tử từ xa.
Các nước khác cũng đang áp dụng hạn chế liên quan đến mua sắm công nghệ. Chẳng hạn, Mỹ yêu cầu doanh nghiệp phải xin phép trước khi sử dụng thiết bị, dịch vụ công nghệ Trung Quốc. Anh đề xuất phạt các hãng viễn thông tối đa 1/10 doanh thu nếu không loại thiết bị Huawei ra khỏi mạng 5G. Thụy Điển ra lệnh cho các nhà mạng tháo dỡ sản phẩm Huawei, ZTE trước tháng 1/2025.
Du Lam (Theo Nikkei)
Hãng nhiên liệu Mỹ trả 5 triệu USD tiền chuộc cho hacker
Colonial Pipeline phải trả tiền chuộc cho hacker sau khi trở thành nạn nhân của vụ tấn công mạng rúng động.