Cùng với Thái Lan, các tập đoàn bán lẻ Nhật Bản, Hàn Quốc cũng đang có cuộc đổ bộ vào Việt Nam.
Hàn Quốc: Chiến lược thâu tóm
Tòa nhà Hà Nội Lotte Center chuẩn bị khai trương vào đầu tháng 9, đánh dấu sự tấn công mạnh mẽ của đại gia bán lẻ Hàn Quốc vào thị phần Hà Nội. Theo thiết kế, từ tầng 1 đến tầng 6 của tòa tháp sẽ là siêu thị và trung tâm thương mại, với tổng diện tích lên tới hàng chục nghìn mét vuông sàn.
Từ khi bước vào thị trường Việt Nam năm 2008, Lotte Mart đang có 2 siêu thị tại TP HCM, còn ở Đồng Nai, Đà Nẵng, Bình Dương, Phan Thiết và Hà Nội mỗi nơi có 1 siêu thị nâng sự hiện diện của Lotte lên 7 điểm.
Nhà bán lẻ này đang chạy nước rút cho tham vọng mở được 60 điểm bán vào năm 2020. Một trong những thương vụ đình đám nhất là việc Lotte Mart đã mua lại Pico Plaza (Đống Đa, Hà Nội) bất chấp trung tâm thương mại rộng 20.000 mét vuông này đang gặp nhiều khó khăn.
Lotte mart ngắm tới thị trường Hà Nội |
Trao đổi trên báo chí, ông Hong Won Sik - Tổng Giám đốc Lotte Mart Việt Nam khẳng định, với số dân trên 90 triệu người và thu nhập bình quân đầu người ngày càng tăng, Việt Nam được coi là thị trường bán lẻ đầy tiềm năng với mức tăng trưởng hấp dẫn.
Ngoài siêu thị, Lotte còn đang sở hữu kênh truyền hình bán hàng Hàn Quốc, hệ thống ăn nhanh Lotteria, rạp chiếu phim và cả một công ty Logistics.
Nhật âm thầm đổ bộ
Tập đoàn bán lẻ lớn nhất Nhật Bản Aeon đang triển khai xây dựng khu phức hợp thương mại tại Sài Đồng (quận Long Biên, Hà Nội). Dự án có tổng diện tích sàn xây dựng khoảng 1,1 triệu m2 bao gồm nhiều hạng mục như: Trung tâm thương mại, khách sạn, nhà hàng, khu vui chơi, văn phòng làm việc, khu thể thao…
Với việc chính thức đặt chân ra Hà Nội, Aeon Nhật Bản đã thêm một bước tiến trong kế hoạch chiếm lĩnh thị trường bán lẻ Việt Nam đầy tiềm năng.
Nhà bán lẻ Nhật bản cũng đang ráo riết xây dựng các trung tâm kinh doanh |
Trước đó, hồi tháng 1/2014, Aeon Nhật Bản cũng đã khai trương trung tâm mua sắm đầu tiên tại Việt Nam (Aeon Tân Phú Celadon) tại quận Tân Phú, TP. HCM. Trung tâm mua sắm này là quốc gia thứ 3 sau Malaysia và Trung Quốc đánh dấu sự xuất hiên của Aeon với hình thức trung tâm mua sắm quy mô lớn - Shopping Mall.
Tại Việt Nam, năm 2008 công ty Aeon Credit Service là công ty Nhật Bản đầu tiên cung cấp dịch vụ bán hàng trả góp; và từ cuối năm 2011 công ty Ministop bắt đầu triển khai cửa hàng tiện ích Ministop qua hình thức nhượng quyền thương hiệu, đến nay đã được 17 cửa hàng.
Được biết, với kế hoạch đầu tư đầy tham vọng, AEON Nhật Bản dự kiến, đến năm 2020 sẽ xây dựng khoảng 20 trung tâm mua sắm quy mô lớn ở Việt Nam.
Sự đổ bộ ào ạt của các tên tuổi hàng đầu trên thế giới đang khiến cho thị trường này trở nên sống động nhưng cũng khốc liệt hơn bao giờ hết, đặc biệt trong bối cảnh nền kinh tế vấn chưa hồi phục. Những cảnh báo về việc mất thị phần hay bị thôn tính đã nhiều lần được đề cập đến và đang trở thành một mối nguy thực sự đối với những nhà bán lẻ non trẻ trong nước.
Bà Đinh Thị Mỹ Loan, Chủ tịch Hiệp hội bán lẻ Việt Nam nhận định, công nghệ bán hàng là điểm yếu cố hữu của các DN Việt Nam hiện nay so với các nhà bán lẻ ngoại. Năng lực quản trị còn yếu, thiếu mặt bằng logictis (kho vận), kho bãi, điểm bán hàng, thậm chí nhân viên tại một số siêu thị vẫn chưa coi người tiêu dùng làm trung tâm để được chăm sóc.
Theo ông Nguyễn Tiến Dũng, Giám đốc Coop-Mart khu vực miền Trung và miền Bắc, sự liên kết của các doanh nghiệp Việt Nam thực sự rất yếu, các DN chủ yếu tự mày mò, tự phát triển chứ không có 1 mô hình cụ thể để phát triển bền vững. Chính vì vậy, doanh nghiệp nước ngoài có thể dễ dàng phá vỡ mối liên kết lỏng lẻo này.
Đại diện hệ thống Fivimart, bà Vũ Thị Hậu, Phó TGĐ Công ty cổ phần Nhất Nam thừa nhận, điểm yếu của các đơn vị trong nước vẫn là yếu tố nhân sự. Hệ thống siêu thị của đơn vị này tại TP HCM đã phải tạm thời đóng cửa do gặp khó khăn trong quản lý. Bên cạnh đó, các siêu thị chỉ có cạnh tranh với nhau không thể có sự liên kết. Trong năm 2014, hệ thống siêu thị này vẫn chỉ tập trung ở thị trường Hà Nội, tiếp cận tới các khu dân cư và chưa thể mở rộng ra các khu vực nông thôn, ngoại ô thủ đô vì chi phí đầu tư quá lớn.
3 tỷ phú Thái tấn công bán lẻ Việt Nam - Ông Charoen Sirivadhanabhakdi là người giàu thứ ba Thái Lan với tổng tài sản 11,3 tỷ USD. Tại Việt Nam, vị tỷ phú này được biết đến nhiều hơn sau thương vụ mua lại chuỗi bán sỉ Metro Cash & Carry Việt Nam đầu tháng với giá gần 880 triệu USD, thông qua Công ty Berli Jucker (BJC) - đơn vị mà ông là Chủ tịch Hội đồng quản trị từ năm 2001. Berli Jucker đã chuẩn bị cho kế hoạch chiếm lĩnh thị trường Việt Nam từ năm 2012, với việc mở một nhà máy sản xuất chai thủy tinh, lon đựng đồ uống. Hãng cũng nắm cổ phần chi phối tại Công ty Thái An - nhà phân phối, xuất nhập khẩu các sản phẩm tiêu dùng tại miền Nam; hãng giấy Cellox; công ty sản xuất đậu phụ Ichiban và hợp tác với hệ thống bán lẻ Family Mart, hiện đã đổi tên thành B’mart - thương hiệu lâu đời của BJC. - Tỷ phú Dhani Chearavanont đang sở hữu khối tài sản 11,5 tỷ USD tính đến tháng 6/2014, đứng thứ hai trong danh sách những người giàu nhất Thái Lan. Vị tỷ phú này hiện là Chủ tịch của Charoen Pokhphand Group (CP Group. Tại Việt Nam, CP Group bắt đầu có mặt từ năm 1990 nay đã có công ty mang tên Chăn nuôi C.P Việt Nam tại Biên Hòa, Đồng Nai. C.P Việt Nam nắm giữ 7% thị phần thịt heo, 16% thị phần trứng gà công nghiệp và khoảng 22% thịt gà công nghiệp tại Việt Nam. Trong lĩnh vực thức ăn chăn nuôi, năm 2012, C.P Việt Nam chiếm khoảng 18% thị phần. Với lĩnh vực bán lẻ, tập đoàn này đang sở hữu thương hiệu 7-Eleven tại Thái Lan. Hiện hệ thống 7-Eleven Thái Lan đã có trên 3.000 cửa hàng, đứng hàng thứ 4 trên thế giới. Cuối năm 2013, lãnh đạo của CP All - đơn vị điều hành 7-Eleven đánh tiếng sẽ mở cửa hàng đầu tiên tại TP HCM. - Gia đình Chirathivat: Theo xếp hạng của Forbes hồi tháng 6/2014, tổng tài sản của gia đình Chirathivat lên tới 12,7 tỷ USD, trở thành những người giàu nhất Thái Lan, Tại Việt Nam, gia đình Chirathivat đã có sự hiện diện đầu tiên thông qua trung tâm mua sắm Robins mới khai trương tại Hà Nội tháng 4/2014. Tháng 11 tới đây, tập đoàn này sẽ mở thêm một trung tâm mới tại TP HCM. |
Duy Anh