Nhận thức về tính toàn diện về nhiệm vụ biên phòng
Hiện nay, nhiệm vụ biên phòng rất toàn diện và có sự phát triển. Tình hình vi phạm chủ quyền, lãnh thổ và an ninh trật tự trên các tuyến biên giới, vùng biển nước ta xuất hiện những phương thức, thủ đoạn mới; vấn đề biên giới, lãnh thổ gắn với vấn đề dân tộc, tôn giáo trở thành trọng điểm chống phá của các thế lực thù địch; các loại tội phạm, nhất là tội phạm có tổ chức, có vũ trang, tội phạm công nghệ cao, xuyên quốc gia, xuyên biên giới có chiều hướng gia tăng; cùng với những thách thức an ninh phi truyền thống, như: biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường, thiên tai, dịch bệnh... đặt ra yêu cầu, nhiệm vụ công tác biên phòng ngày càng toàn diện, nặng nề, phức tạp.
Bởi vậy, ngay từ Nghị quyết số 11/NQ-TW ngày 8 tháng 8 năm 1995 của Bộ Chính trị khóa VII đã xác định: “Nhiệm vụ biên phòng trong tình hình mới rất toàn diện và phức tạp, bao gồm bảo vệ biên giới trên bộ, trên biển, bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của đất nước, bảo vệ an ninh chính trị, trật tự xã hội, chống xâm nhập trái phép, chống buôn lậu qua biên giới, bảo vệ tài nguyên của đất nước, xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác, phát triển với các nước láng giềng”.
Cùng với đó, Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 28-9-2018 cũng chỉ rõ mục tiêu: “Bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ biên giới quốc gia; bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân, chế độ XHCN; bảo vệ sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế; bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc; bảo vệ hòa bình, an ninh, văn hóa, pháp luật, tính uy nghiêm và biểu tượng quốc gia tại biên giới, cửa khẩu. Xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, ổn định, hợp tác; bảo vệ, phòng thủ vững chắc biên giới quốc gia; góp phần phát triển kinh tế - xã hội gắn với củng cố, tăng cường quốc phòng, an ninh, đối ngoại ở khu vực biên giới và cả nước”.
Như vậy, trong tình hình mới, nhiệm vụ biên phòng có sự phát triển, không chỉ bảo vệ tính bất khả xâm phạm của đường biên giới quốc gia và hệ thống mốc quốc giới, mà còn bao gồm bảo vệ mọi mặt về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, môi trường, đối ngoại... ở khu vực biên giới. Nhận thức về tính toàn diện về nhiệm vụ biên phòng là cơ sở để triển khai toàn diện, đồng bộ các nội dung, biện pháp quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia, phải dựa vào nhân dân, phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn xã hội, kết hợp chặt chẽ giữa biện pháp vũ trang và biện pháp phi vũ trang, giữa bảo vệ trực tiếp, tại chỗ và bảo vệ từ sớm, từ xa, cơ bản, lâu dài. Kết hợp quốc phòng - an ninh với kinh tế - xã hội và kinh tế - xã hội với quốc phòng - an ninh; kết hợp thực thi nhiệm vụ biên phòng với xây dựng, củng cố hệ thống chính trị, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, khoa học, công nghệ, đối ngoại ở khu vực biên giới.
Chủ động nắm chắc tình hình từ sớm, từ xa
Trước những diễn biến phức tạp, kéo dài của dịch Covid-19, bộ Tư lệnh bộ đội biên phòng đã phối hợp chặt chẽ với các quân khu, quân chủng và cấp ủy, chính quyền các địa phương duy trì gần 2.000 tổ, chốt quản lý, bảo vệ biên giới và phòng, chống dịch Covid-19, 47 tàu, xuồng và gần 14.000 cán bộ, chiến sĩ bộ đội biên phòng cùng các lực lượng khác; điều động hàng nghìn cán bộ, chiến sĩ tăng cường lên các tuyến biên giới và hàng trăm cán bộ quân y cho các tỉnh, thành phố, đơn vị phía Nam. Tại các cửa khẩu đã có nhiều sáng kiến trong phân luồng kiểm soát xuất, nhập cảnh, đảm bảo vừa phòng, chống dịch, vừa thông thương hàng hóa an toàn, hiệu quả.
Bên cạnh đó, Bộ Tư lệnh bộ đội biên phòng cũng đã chỉ đạo các đơn vị nắm chắc tình hình từ sớm, từ xa, từ ngoài biên giới và trong nội địa để kịp thời tổ chức đấu tranh, ngăn chặn tội phạm, nhất là tội phạm về ma túy, mua bán người và các đường dây tổ chức đưa, đón người xuất nhập cảnh trái phép qua biên giới; phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương phát động phong trào “Toàn dân tham gia phòng, chống dịch Covid-19 và xuất nhập cảnh trái phép” ở khu vực biên giới.
Bạch Hân, Duy Khánh, Hoàng Hà