Với sự quyết tâm, đoàn kết, đồng lòng của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố, sự ủng hộ của các cơ quan Trung ương, các nhà đầu tư và doanh nghiệp, thành phố Đà Nẵng đã đạt được nhiều kết quả quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, khẳng định vai trò là đô thị lớn, trung tâm kinh tế - xã hội của miền Trung - Tây Nguyên. Trong thời gian tới, phát huy những kết quả đạt được, khắc phục khó khăn, với khát vọng vươn lên, thành phố Đà Nẵng nỗ lực thực hiện tốt các nhiệm vụ, phát triển thành phố Đà Nẵng trở thành trung tâm tài chính cấp vùng.
1- Nghị quyết số 26-NQ/TW, ngày 3-11-2022, của Bộ Chính trị, “Về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” (Nghị quyết số 26-NQ/TW) là một văn kiện có ý nghĩa rất quan trọng, thể hiện tư duy và tầm nhìn, định hướng chiến lược của Bộ Chính trị nhằm tạo chuyển biến đột phá trong chiến lược phát triển vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ, cũng như các địa phương trong vùng. Đặc biệt, Nghị quyết số 26-NQ/TW đã đề ra một nhiệm vụ đặc biệt quan trọng là xây dựng thành phố Đà Nẵng trở thành trung tâm tài chính của vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ.
Thành phố Đà Nẵng với không gian địa lý khá đặc biệt, là thành phố duy nhất trong 5 thành phố trực thuộc Trung ương nằm ở vị trí trung độ của đất nước, với mặt tiền là Biển Đông rộng lớn và phía sau là Tây Nguyên hùng vĩ. Với vị trí địa lý, nguồn lực và trình độ phát triển, Đà Nẵng được xác định là thành phố đóng vai trò hạt nhân tăng trưởng cho vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, tạo động lực thúc đẩy phát triển khu vực miền Trung - Tây Nguyên. Hiện nay, Đà Nẵng là thành phố có hệ thống hạ tầng kỹ thuật - xã hội khá đồng bộ, phát triển, như sân bay quốc tế, cảng biển, hạ tầng đô thị, logistics, là trung tâm cung ứng dịch vụ y tế, giáo dục và đào tạo của khu vực miền Trung - Tây Nguyên. Đây là nền tảng, điều kiện thuận lợi tạo đà cho thành phố Đà Nẵng phát triển trong hiện tại và tương lai.
Vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung(1) là vùng phát triển năng động, nhanh và bền vững về kinh tế biển; có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội ngày càng được cải thiện; có một số trung tâm công nghiệp, dịch vụ, hợp tác quốc tế lớn của cả nước với các khu kinh tế ven biển và hệ thống đô thị ven biển đạt chuẩn quốc gia và khu vực; là cửa ngõ ra biển của vùng Tây Nguyên và nước bạn Lào,... Trong thời gian qua, một số địa phương trong vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ được Bộ Chính trị quan tâm ban hành các nghị quyết riêng để thúc đẩy sự phát triển. Đối với thành phố Đà Nẵng, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 43-NQ/TW, ngày 24-1-2019, “Về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, khẳng định thành phố Đà Nẵng giữ vị trí chiến lược quan trọng về kinh tế, chính trị, quốc phòng, an ninh của khu vực và cả nước; trong đó, xác định mục tiêu xây dựng thành phố Đà Nẵng trở thành một trong những trung tâm kinh tế - xã hội lớn của cả nước và khu vực Đông Nam Á, với vai trò là trung tâm khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, du lịch, thương mại, tài chính, logistics, công nghiệp công nghệ cao, công nghệ thông tin... Trên cơ sở đó, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách để cụ thể hóa các định hướng đã được xác định trong Nghị quyết số 43-NQ/TW. Theo đó, Thủ tướng Chính phủ đã chấp thuận chủ trương cho phép nghiên cứu, lập Đề án xây dựng Đà Nẵng trở thành trung tâm tài chính quy mô khu vực.
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, thành phố Đà Nẵng đã chủ động, tích cực phối hợp với các bộ, ngành, các chuyên gia trong và ngoài nước để xây dựng Đề án và hiện đang trình Chính phủ xem xét. Theo đó, Đề án phát triển thành phố Đà Nẵng trở thành trung tâm tài chính được xây dựng dựa trên cơ sở những lợi thế cạnh tranh: 1- Có vị trí địa lý và khả năng kết nối thuận lợi; 2- Sở hữu nhiều điều kiện tốt về hạ tầng đô thị, chất lượng môi trường sống và các nhu cầu phát triển cơ bản; 3- Được định hướng trở thành một trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia, có nền tảng và lợi thế về hạ tầng đủ để hình thành một trung tâm công nghệ tài chính (fintech); 4- Có quỹ đất khá lớn (6,17ha) và có thể mở rộng lên (62ha), được quy hoạch phục vụ cho việc thiết lập khu vực tài chính với các điều kiện về vị trí kết nối, hạ tầng thuộc loại tốt nhất.
Tuy nhiên, Đề án cũng chỉ ra một số khó khăn, thách thức, như quy mô kinh tế của thành phố còn nhỏ; thị trường tài chính hạn chế; hạ tầng chưa thực sự hiện đại. Bên cạnh đó, vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ hiện nay vẫn là vùng có nhiều chỉ số phát triển thấp hơn mức trung bình của cả nước. Tiềm năng, lợi thế của vùng, nhất là lợi thế về kinh tế biển, chưa được khai thác hợp lý, phát huy có hiệu quả để trở thành nguồn nội lực quan trọng cho phát triển. Kinh tế - xã hội vùng mới chỉ là phép cộng cơ học của các địa phương, chưa mang tính tổng thể dấu ấn của toàn vùng. Các cực tăng trưởng, trung tâm phát triển và vùng kinh tế trọng điểm miền Trung chưa thể hiện rõ vai trò là động lực tăng trưởng, đầu tầu dẫn dắt kinh tế vùng. Vùng miền núi phía tây vẫn là khu vực khó khăn. Phát triển văn hoá, xã hội chưa đáp ứng kịp yêu cầu trong tình hình mới...
Để lựa chọn mô hình phát triển, Đề án phát triển thành phố Đà Nẵng trở thành trung tâm tài chính được xây dựng dựa trên 3 chức năng chính: 1- Cung cấp dịch vụ tài chính (hay còn gọi là trung tâm tài chính hải ngoại); 2- Trung tâm công nghệ tài chính; 3- Hoạt động phụ trợ cho hoạt động tài chính và dịch vụ tiện ích. Để đạt được mục tiêu nêu trên, Đề án đề xuất cần có sự đột phá mạnh mẽ về cơ chế, chính sách; hình thành khung pháp lý đồng bộ, có tính hấp dẫn cao, phù hợp với thông lệ quốc tế; có lộ trình triển khai phù hợp; phát triển trung tâm tài chính vị thế khu vực và thế giới dưới hình thức không gian mềm và có sự quản lý tập trung. Theo đó, Đề án đã đề xuất các nhóm ngành, nghề trực tiếp liên quan đến tài chính - ngân hàng hoạt động trong Trung tâm tài chính quốc tế thành phố Đà Nẵng, như dịch vụ tài chính truyền thông và công nghệ tài chính; nhóm các ngành, nghề phụ trợ và các hoạt động dịch vụ tiện ích, như kiểm toán, kế toán, dịch vụ pháp lý, giải quyết tranh chấp...
Dựa trên cơ sở xây dựng mô hình phát triển, Đề án phát triển thành phố Đà Nẵng trở thành trung tâm tài chính đề xuất các chính sách ưu đãi và đặc thù, như cơ chế ưu đãi đối với nhà đầu tư chiến lược đầu tư xây dựng và phát triển trung tâm tài chính tại thành phố Đà Nẵng; ưu đãi dành cho tổ chức kinh tế thành lập trong trung tâm tài chính; ưu đãi về thuế. Đồng thời, đề xuất cơ chế huy động vốn của các tổ chức trong nước thông qua Trung tâm tài chính quốc tế thành phố Đà Nẵng; khuyến khích các tổ chức tín dụng thành lập chi nhánh tại Trung tâm tài chính; cung cấp dịch vụ ngoại hối cho người không cư trú và các tổ chức kinh tế tại các trung tâm tài chính khác; chính sách về ngoại hối; phát triển công nghệ tài chính. Bên cạnh đó, có các chính sách về xuất, nhập cảnh và chính sách về giải quyết tranh chấp,...
Đề án phát triển thành phố Đà Nẵng trở thành trung tâm tài chính được thành phố Đà Nẵng từng bước triển khai theo lộ trình:
- Giai đoạn 2022 - 2023, hoàn thiện Đề án trình Chính phủ phê duyệt; báo cáo Bộ Chính trị cho chủ trương, định hướng, trên cơ sở đó trình Quốc hội xem xét, ban hành nghị quyết về phát triển trung tâm tài chính quốc tế tại Việt Nam.
- Giai đoạn 2023 - 2024, lựa chọn nhà đầu tư chiến lược phát triển Trung tâm tài chính tại thành phố Đà Nẵng (bao gồm lựa chọn nhà đầu tư, quy hoạch phân khu trung tâm tài chính, quy hoạch chi tiết,...); đề xuất cơ chế thành lập Hội đồng phát triển Trung tâm tài chính quốc tế tại Việt Nam để thực hiện chức năng quản lý, giám sát.
- Giai đoạn 2024 - 2030, phát triển kết cấu hạ tầng Trung tâm tài chính Đà Nẵng, bao gồm hạ tầng cứng, như văn phòng, khu phức hợp; và hạ tầng mềm, như hạ tầng tài chính, công nghệ thông tin; thu hút các định chế tài chính quốc tế và doanh nghiệp công nghệ có ảnh hưởng trên thế giới, triển khai dần các hoạt động của một trung tâm tài chính; phát triển các kết cấu hạ tầng kỹ thuật và không gian hoạt động cho fintech; nghiên cứu, đề xuất hoàn thiện và sửa đổi, bổ sung các quy định pháp lý có liên quan.
- Giai đoạn sau năm 2030, chuyển đổi mô hình trung tâm tài chính để cung cấp các dịch vụ tài chính trong nước và một số quốc gia trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương, hướng đến trở thành trung tâm tài chính quy mô khu vực và trung tâm tài chính của quốc gia vào năm 2045.
2- Việc phát triển mô hình trung tâm tài chính ở Việt Nam là một vấn đề rất mới, đặt ra những thách thức lớn về việc hoàn thiện thể chế, khung pháp lý và quản lý nhà nước để bảo đảm sự quản lý, giám sát hoạt động an toàn và quản lý rủi ro trong lĩnh vực tài chính, tiền tệ. Vì vậy, cần xác định đây là vấn đề mang tầm quốc gia, không phải của riêng thành phố Đà Nẵng hay bất kỳ địa phương nào. Trong bối cảnh đó, thành phố Đà Nẵng tập trung thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm sau:
Thứ nhất, tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành hoàn thiện Đề án theo chỉ đạo của Chính phủ, làm việc với các nhà đầu tư trong nước và quốc tế để nghiên cứu và tiếp thu kinh nghiệm thực tiễn của các trung tâm tài chính trên thế giới; đánh giá khả năng thu hút đầu tư khi xây dựng Trung tâm tài chính quốc tế tại thành phố Đà Nẵng.
Thứ hai, tập trung hoàn thiện kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội hiện đại theo mô hình đô thị thông minh, đột phá là hạ tầng giao thông kết nối trong nước, quốc tế và hạ tầng chuyển đổi số, phát triển mạnh mẽ công nghệ thông tin, công nghiệp công nghệ cao. Khai thác hiệu quả Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng, Cảng biển Tiên Sa, xây dựng Cảng biển Liên Chiểu và các hạ tầng giao thông đường bộ, đường sắt, tạo sự năng động về kinh tế gắn với mục tiêu xây dựng thành phố Đà Nẵng trở thành một trong những trung tâm kinh tế biển mạnh có tầm quốc gia, quốc tế.
Thứ ba, nghiên cứu, đề xuất cơ chế, chính sách, khuyến khích hoạt động đầu tư, nhất là đào tạo nguồn nhân lực để phục vụ cho thành phố Đà Nẵng trở thành trung tâm tài chính, trung tâm đổi mới khởi nghiệp sáng tạo, trung tâm tổ chức sự kiện quốc tế; đồng thời, hình thành các hoạt động dịch vụ chất lượng cao về y tế, văn hóa, giáo dục, các trung tâm hội nghị, khu phi thuế quan, khu nghỉ dưỡng giải trí đẳng cấp, gia tăng chất lượng sống của đô thị để hình thành hệ sinh thái, các không gian sống và làm việc thỏa mãn các nhà đầu tư tài chính quốc tế và khu vực.
Thứ tư, nhằm phát triển thành phố Đà Nẵng trở thành trung tâm tài chính vùng cần sự quan tâm, ủng hộ về chủ trương và sự chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chính phủ, các cơ quan liên quan xem xét các kiến nghị của thành phố về các cơ chế, chính sách đặc thù,... để tạo cơ sở chính trị, pháp lý cho việc xây dựng và sớm hình thành các dịch vụ tài chính chất lượng cao tại Việt Nam nói chung và thành phố Đà Nẵng nói riêng; các ban, bộ, ngành Trung ương tích cực hướng dẫn các địa phương trong việc triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 26-NQ/TW; trong đó, quan tâm, xem xét, ủng hộ những đề xuất về cơ chế, chính sách đặc thù tạo nguồn lực đột phá cho các địa phương trong vùng nói chung và thành phố Đà Nẵng nói riêng./.
---------------------------
(1) Gồm 14 tỉnh, thành phố ven biển trực thuộc Trung ương từ Thanh Hóa đến Bình Thuận, trong đó có 3 tiểu vùng là: Vùng Bắc Trung Bộ (gồm Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị); Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung (gồm Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định); và Vùng Nam Trung Bộ (gồm Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận). Diện tích tự nhiên toàn vùng chiếm 28,9% diện tích của cả nước, với bờ biển dài gần 1.800km, chiếm hơn 55% bờ biển cả nước (3.260km) và nhiều cảng nước sâu, các đảo, cụm đảo và quần đảo quan trọng, như Hoàng Sa, Trường Sa, Lý Sơn, Cù Lao Chàm... Dân số của vùng năm 2020 đạt khoảng 20,343 triệu người (chiếm 20,8% dân số cả nước) với hơn 50 dân tộc anh em cùng chung sống. Trong vùng có nhiều tài nguyên thiên nhiên đa dạng, phong phú: chiếm 100% trữ lượng cromit, 60% trữ lượng thiếc, 20% trữ lượng sắt, 44% trữ lượng đá vôi, xi măng của cả nước, được phân bố khá tập trung tại một số địa phương, tạo thuận lợi cho việc khai thác, chế biến. Ngoài ra, còn có titan ở Phú Bài (Thừa Thiên Huế), man-gan, than ở Khe Bố (Nghệ An); đá quý ở Quỳ Hợp, Quế Phong (Nghệ An); đất sét trắng (Quảng Bình), cát thủy tinh ở ven biển; dầu khí ở ngoài khơi và nhiều tiềm năng để phát triển thuỷ, hải sản, năng lượng gió, năng lượng mặt trời... Hiện nay, Vùng có 9 sân bay, trong đó có 3 sân bay quốc tế; nhiều cảng biển lớn, như Nghi Sơn, Vũng Áng, Chân Mây, Tiên Sa, Dung Quất, Quy Nhơn, Vũng Rô, Nha Trang, Cam Ranh...
TS NGUYỄN VĂN QUẢNG - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Đà Nẵng
Theo Tạp chí Cộng sản