Ngày 4/11, ông Hồ Lâm, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bình Thuận cho biết, Sở đã có văn bản góp ý gửi Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam liên quan đến việc Nhiệt điện Vĩnh Tân 1 muốn đổ 1,5 triệu m3 chất thải nạo vét luồng hàng hải xuống biển.

Ông Hồ Lâm cho biết khối lượng chất thải này gồm bùn, đất, cát… trong quá trình nạo vét luồng hàng hải, vũng quay tàu, khu nước trước bến chuyên dụng phục vụ cho Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 1.

{keywords}
Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 1 trong quá trình xây dựng.

Trong văn bản gửi Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam, Sở Tài nguyên và Môi trường Bình Thuận cho biết: Ngày 3/10/2016 Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có văn bản xin ý kiến thẩm định hồ sơ cấp phép nhận chìm ở biển, trong đó đề nghị UBND tỉnh Bình Thuận cho ý kiến về ảnh hưởng của vị trí nhận chìm bùn, đất… trong quá trình nạo vét luồng hàng hải, vũng quay tàu, khu nước trước bến chuyên dùng phục vụ nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 1.

Sở Tài nguyên và Môi trường Bình Thuận cho rằng vị trí khu vực biển được sử dụng để nhận chìm vật liệu từ nạo vét luồng hàng hải phù hợp với nội dung báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt.

Tuy nhiên, Sở Tài nguyên và Môi trường Bình Thuận lo ngại khối lượng đổ thải lớn lên tới hơn 1,5 triệu m3 có thể tác động đến Khu bảo tồn biển Hòn Cau - một trong 16 khu bảo tồn biển của Việt Nam và tác động mạnh nếu để xảy ra sự cố.

Do đó, Sở Tài nguyên và Môi trường đề nghị chủ dự án cần nghiên cứu tận dụng tối đa vật liệu nạo vét để san lấp các khu vực lấn biển của Cảng tổng hợp Vĩnh Tân, Trung tâm nhiệt điện Vĩnh Tân.

Đồng thời Sở này nhận định trong quá trình thực hiện nạo vét và đổ thải có thể xảy ra các sự cố như bùn thải xả trực tiếp xuống biển; xà lan va đập gây chìm; sự cố cháy nổ, tràn dầu.. Thế nhưng chủ đầu tư mới chỉ nêu một số biện pháp phòng ngừa là chưa đủ và cần bổ sung các giải pháp xử lý khi có sự cố, rủi ro xảy ra trong quá trình nạo vét, đổ thải.

Sở Tài nguyên và Môi trường cũng đề nghị kiểm tra lại khối lượng vật liệu nạo vét cho khớp với báo cáo đánh giá tác động môi trường.

Dự án nhiệt điện Vĩnh Tân 1 được khởi công vào ngày 18/6/2016, đầu tư theo hình thức xây dựng - kinh doanh - chuyển giao (BOT). Trong đó, liên danh hai nhà đầu tư Trung Quốc là Công ty TNHH Lưới điện Phương Nam và Công ty TNHH Điện lực quốc tế Trung Quốc góp 95% vốn. 5% vốn còn lại do Tổng công ty Điện lực Vinacomin thuộc Tập đoàn Than khoán sản Việt Nam đối ứng.

Lương Bằng