Được biết, cuối tháng 9, tại Hà Nội, Bộ Y tế  đã tổ chức lễ khánh thành 1.000 cơ sở y tế khám chữa bệnh từ xa. 

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, đây là sự kiện quan trọng và có nghĩa lớn đối với triển khai Đề án Khám, chữa bệnh từ xa. Ghi nhận sự tham gia tích cực của ngành y tế trong tiến trình thực hiện Chương trình Chuyển đổi số Quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, hướng tới đưa Việt Nam trở thành quốc gia số, ổn định và thịnh vượng, tiên phong thử nghiệm các công nghệ và mô hình mới.

Theo PGS.TS Lương Ngọc Khuê - Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh, Bộ Y tế, sau khi triển khai đồng loạt Đề án khám, chữa bệnh từ xa, hiện tại đã có hơn 1.000 điểm cầu khám, chữa bệnh được kết nối với hơn 20  bệnh viện tuyến TƯ và các bệnh viện tuyến cuối của Hà Nội và TP HCM.

Qua đó, nhiều ca bệnh phức tạp đã được các bác sĩ hội chẩn và cứu sống kịp thời không phải chuyển lên tuyến trên. Những điểm cầu vùng sâu, vùng xa đã được kết nối như: Trường Sa, Cô Tô, Mường Nhé…

{keywords}
Các chuyên gia tại Bệnh viện Nhi Trung ương hội chẩn ca bệnh từ các điểm cầu

Sản phụ Trần Thị T (30 tuổi) giáo viên ở huyện Ba Đồn, Quảng Bình là một trường hợp điển hình.

Trước đó chị T nhập viện khi thai 35 tuần, dọa sinh non, có hội chứng tăng đông máu, nguy cơ tắc mạch máu rất hiếm gặp ở Việt Nam và trên thế giới. Sản phụ đã được Bệnh viện Hữu Nghị Việt Nam-Cu Ba Đồng Hới báo cáo hội chẩn qua Telehealth với Bệnh viện V Trung ương Huế. Hai mẹ con sản phụ đã được cứu sống kịp thời.

PGS.TS Lương Ngọc Khuê cho biết thêm, mục tiêu của Đề án khám, chữa bệnh từ xa là tất cả mọi người dân đều được quản lý, tư vấn, khám chữa bệnh, hỗ trợ chuyên môn của các bác sĩ từ tuyến xã đến tuyến T.Ư.

Bên cạnh đó, người dân được sử dụng dịch vụ y tế có chất lượng của tuyến trên ngay tại cơ sở y tế tuyến dưới góp phần phòng, chống dịch bệnh, giảm quá tải BV tuyến trên, nâng cao chất lượng, hiệu quả khám, chữa bệnh và sự hài lòng của người dân.

Trong giai đoạn hiện nay với mục tiêu vừa phòng, chống dịch bệnh, vừa phát triển kinh tế-xã hội theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, để các bệnh viện có căn cứ hoạt động và có các hướng dẫn cụ thể, thực hiện ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Y tế, Cục Quản lý khám, chữa bệnh phối hợp với các bên liên quan bước đầu xây dựng các văn bản hướng dẫn trong giai đoạn đầu của đề án.

Đó là hướng dẫn quy trình tổ chức hội chẩn khám, chữa bệnh từ xa; quy chế hướng dẫn bảo mật thông tin trong tư vấn, hội chẩn khám, chữa bệnh từ xa; danh mục các kỹ thuật khám, chữa bệnh từ xa; sách vàng 1.000 điểm cầu khám, chữa bệnh từ xa.

Nhiều bài học kinh nghiệm được đúc rút

Đến nay khám chữa bệnh từ xa đã trở thành hoạt động thường quy của Bệnh viện Đại học Y Hà Nội khi mỗi tuần, bệnh viện đều tổ chức một đến hai buổi kết nối khám chữa bệnh từ xa với gần 60 bệnh viện vệ tinh. Tổng cộng đã có gần 300 ca bệnh khó được cứu sống, xử lý kịp thời. Các thầy thuốc tuyến dưới cũng thấy rõ giá trị của  hệ thống hỗ trợ tư vấn khám chữa bệnh từ xa, đó là được tiếp cận thông tin ca bệnh hay, khó; qua đó rút ra được kinh nghiệm để cứu sống người bệnh.

Qua một thời gian triển khai, Bệnh viện Bạch Mai cũng đã tổ chức được hàng chục buổi khám chữa bệnh từ xa và tư vấn phòng, chống bệnh cho cộng đồng với sự kết nối của 343 bệnh viện tuyến dưới. Có 34 ca bệnh được khám, hội chẩn; 10 khóa đào tạo các chuyên đề về phòng, chống dịch, hồi sức cấp cứu và nội khoa…

Bác sỹ Hoàng Quang Trung –  Giám đốc Bệnh viện đa khoa tỉnh Hà Tĩnh cho biết, qua 26 lần triển khai hội chẩn trực tuyến với Bệnh viện đại học Y Hà Nội, 29 bệnh nhân nặng của Bệnh viện đa khoa tỉnh Hà Tĩnh đã được các chuyên gia đầu ngành phân tích kỹ lưỡng, đưa ra các phác đồ điều trị phù hợp nhất cho mỗi bệnh nhân. Nhờ đó, các bệnh nhân được điều trị tốt nhất ngay tại chỗ, hạn chế việc chuyển tuyến, tiết kiệm chi phí và giảm tải cho các Bệnh viện tuyến trên.

Tại BV Hữu nghị Việt Đức - đơn vị đầu tiên thực hiện khám chữa bệnh từ xa cách đây 15 năm trong dự án tăng cường năng lực các Bệnh viện vệ tinh do Bộ Y tế phê duyệt năm 2004. Năm 2006, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức đã bắt đầu thực hiện tư vấn phẫu thuật trực tuyến cho ca bệnh đầu tiên tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Tiệp (Hải Phòng) và từ đó đã trở thành hoạt động thường xuyên.

Đến nay, Bệnh viện này đã kết nối với trên 100 điểm cầu, trong đó có các Bệnh viện tuyến huyện, các BVệnh viện công và tư đăng ký trở thành điểm cầu vệ tinh của Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức.

Từ trung tâm y tế cấp huyện, xã cũng có thể lên hệ thống này hỏi ý kiến của chuyên gia ở tuyến T.Ư. Mọi khoảng cách địa lý, sự phân cấp tuyến này tuyến kia sẽ được xóa nhòa.

Theo GS.TS Nguyễn Thanh Long - Quyền Bộ Trưởng Bộ Y tế nhân xét, các hoạt động khám chữa bệnh từ xa được triển khai, năng lực chuyên môn của các bệnh viện tuyến cơ sở sẽ được nâng lên, người dân trên cả nước sẽ được hưởng dịch vụ y tế có chất lượng cao hơn ngay tại tuyến cơ sở, hạn chế việc chuyển tuyến, quá tải, tập trung đông bệnh nhân tại tuyến trên.

Trong thời gian ngắn tới đây, Bộ Y tế sẽ tiếp tục cho ra mắt mạng y tế Việt Nam là nơi tập hợp tất cả các thầy thuốc trên toàn quốc, là diễn đàn để chia sẻ, trao đổi học hỏi lẫn nhau với mục tiêu nâng cao hơn nữa tay nghề để phục vụ nhân dân.

Bảo Ngọc