Đến sáng 11/11, tình hình dịch tại các tỉnh, thành miền Tây vẫn đang diễn biến rất phức tạp.
Tại Bạc Liêu, trong 24h qua, tỉnh ghi nhận 291 ca F0, trong đó có 97 trường hợp ghi nhận qua cộng đồng. Đến nay, tỉnh Bạc Liêu đã có hơn 6.200 ca dương tính.
Thời gian qua, hai địa bàn thị xã Giá Rai và TP Bạc Liêu là “điểm nóng” dịch tại Bạc Liêu.
Trong đó có ổ dịch, chuỗi lây nhiễm tại Công ty TNHH xuất nhập khẩu thủy sản Tấn Khởi (công ty Tấn Khởi, ở phường 1, thị xã Giá Rai) và công ty TNHH MTV thủy sản Châu Bá Thảo (công ty Châu Bá Thảo, ở phường Láng Tròn, thị xã Giá Rai).
Công ty Tấn Khởi ở thị xã Giá Rai |
Theo đó, hôm 9/10, một công nhân của Công ty Tấn Khởi đến Trung tâm y tế thị xã Giá Rai khám bệnh thì phát hiện dương tính SARS-CoV-2. Đến nay, ổ dịch xuất hiện tại công ty này ghi nhận gần 700 trường hợp mắc Covid-19.
Theo đánh giá của ngành chức năng tỉnh Bạc Liêu, ổ dịch tại công ty Tấn Khởi phức tạp vì có nhiều công nhân hộ khẩu tại các xã, phường ở thị xã Giá Rai, huyện Đông Hải, Phước Long.
Mới đây, UBND thị xã Giá Rai đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với 2 công ty Tấn Khởi và Châu Bá Thảo về hành vi “Không chấp hành các biện pháp phòng chống dịch bệnh truyền nhiễm theo yêu cầu của cơ quan tổ chức có thẩm quyền”.
Công ty Châu Bá Thảo |
Cụ thể, không lấy mẫu xét nghiệm định kỳ hàng tuần cho công nhân, người lao động trong công ty nên không phát hiện kịp thời ca bệnh dương tính.
UBND thị xã Giá Rai xử phạt Công ty Tấn Khởi và Công ty Châu Bá Thảo, mỗi doanh nghiệp 20 triệu đồng. Cả hai công ty đều phải chịu tình tiết tăng nặng do hành vi vi phạm dẫn đến lây lan dịch bệnh cho nhiều người, trên diện rộng.
Khởi tố vụ án tại công ty tài chính và công ty mỹ phẩm
Trước đó, cũng tại Bạc Liêu, cơ quan công an đã khởi tố vụ án “vi phạm quy định về an toàn ở nơi đông người”, liên quan đến hai Công ty cổ phần kinh doanh F88 và Công ty mỹ phẩm Đông Anh (cả hai cùng nằm trên địa bàn TP Bạc Liêu).
Theo ngành chức năng, hồi 0h30 ngày 23/8, ngành y tế Bạc Liêu có kết quả dương tính SARS-CoV-2 đối với anh P.N.A. (30 tuổi, ở trọ tại phường 7, TP Bạc Liêu), nhân viên công ty tài chính F88.
Điều tra dịch tễ cho thấy, ngày 20/8, sau khi đồng nghiệp cùng công ty này xuất hiện triệu chứng ho, sốt, A. tự test nhanh Covid-19 và cho kết quả âm tính.
Sau đó, nhân viên A. xuất hiện triệu chứng sốt, mệt mỏi nên tự test nhanh lần 2 thì cho kết quả dương tính SARS-CoV-2.
Công ty F88, nơi phát sinh ổ dịch ở TP Bạc Liêu. Ảnh: Công an Bạc Liêu |
Trung tâm Y tế TP Bạc Liêu sau đó test nhanh tại chỗ cũng ghi nhận kết quả dương tính, bệnh nhân được đưa đi cách ly rạng sáng 23/8.
Đến 3h ngày 23/8, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Phạm Văn Thiều ký quyết định phong tỏa TP Bạc Liêu, các huyện, thị còn lại áp dụng Chỉ thị 16.
Ngày 25/8, Công an TP Bạc Liêu đã khởi tố vụ án hình sự "Vi phạm quy định về an toàn nơi đông người" xảy ra tại chi nhánh công ty F88.
Đến ngày 27/8, Công an TP Bạc Liêu khám xét tại trụ sở chi nhánh và chỗ ở của những người có liên quan để thu giữ vật chứng, tài liệu. Chuỗi lây nhiễm này đã xác định 145 F0, 501 F1…
Hôm 21/10, Công an TP Bạc Liêu khởi tố bị can, bắt giam ông Phan Ngọc An (30 tuổi), Trưởng phòng giao dịch Công ty cổ phần kinh doanh F88.
Theo cơ quan công an, ông An đã có hành vi thực hiện hoạt động kinh doanh khi đã có quyết định tạm đình chỉ để phòng chống dịch bệnh Covid-19 của cơ quan có thẩm quyền; gây thiệt hại trên 1,5 tỷ đồng do phát sinh chi phí phòng, chống dịch.
Tại Công ty mỹ phẩm Đông Anh, cơ quan CSĐT Công an TP Bạc Liêu đã khởi tố vụ án hình sự "Vi phạm quy định về an toàn nơi ở đông người”, do bà N.H.N. (24 tuổi) làm giám đốc.
Hồi đầu tháng 9, bà N. thuộc diện F2 phải cách ly 14 ngày tại nhà. Tuy nhiên, trong thời gian này, bà N. đi đến một số địa điểm trên địa bàn TP Bạc Liêu và tiếp xúc với nhiều người.
Đến ngày 9/9, bà N. có triệu chứng sốt, ho, đau họng, lực lượng y tế đã lấy mẫu xét, kết quả PCR dương tính. Chuỗi lây nhiễm này có 7 F0, 31 F1…
Công an TP Bạc Liêu tống đạt cuyết định khởi tố vụ án và lệnh khám xét trụ sở công ty mỹ phẩm Đông Anh vào tháng 9/2021. Ảnh: Công an tỉnh Bạc Liêu |
Mới đây, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu yêu cầu các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ phải đảm bảo cao nhất công tác phòng, chống dịch. Đặc biệt lưu ý phải có kế hoạch an toàn Covid-19 được duyệt và thực hiện theo đúng kế hoạch. Thực hiện nghiêm việc tự tổ chức xét nghiệm tầm soát cho người lao động.
Tại Cà Mau, cơ quan công an đã khởi tố, bắt ông Nguyễn Chí Tâm (39 tuổi), Giám đốc công ty TNHH MTV dịch vụ thủy sản Thành Tâm (công ty thủy sản Thành Tâm, ở TP Cà Mau) về hành vi “vi phạm quy định về an toàn ở nơi đông người”.
Ngày 21/8, ngành chức năng Cà Mau phát hiện một nữ công nhân của Công ty thủy sản Thành Tâm dương tính với nCoV.
Ngày 22/8, Công an TP Cà Mau khởi tố vụ án làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm gây nguy hiểm cho người khác tại Công ty thủy sản Thành Tâm. Theo điều tra ban đầu, trong thời gian thực hiện phòng, chống dịch Covid-19, ông Tâm đã hoạt động sản xuất kinh doanh khi chưa được phép của cơ quan có thẩm quyền.
Việc này vi phạm quy định về hoạt động kinh doanh trong phòng, chống dịch Covid-19, gây hậu quả làm lây nhiễm bệnh cho người khác và phát sinh lớn chi phí phòng, chống dịch bệnh.
Quá trình điều tra, Công an đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can liên quan ổ dịch tại Công ty thủy sản Thành Tâm. Liên quan đến ổ dịch này có khoảng 30 F0.
Công ty thủy sản hoạt động 'chui' làm lây lan dịch
Tại Tiền Giang, ngày 26/10, Công an huyện Châu Thành đã khởi tố vụ án hình sự “Vi phạm quy định về an toàn ở nơi đông người”; đồng thời lệnh khám xét khẩn cấp đối với công ty TNHH MTV Hải sản Mê Kông (ở ấp Tân Thuận A, xã Bình Đức).
Theo điều tra, hôm 21/10, một công nhân làm việc tại công ty Hải sản Mê Kông có biểu hiện ho, sốt nên vào Bệnh viện Quân Y 120 khám. Qua test nhanh, người này dương tính nCoV. Sau đó, Công an huyện Châu Thành đã cử lực lượng phối hợp cùng ngành tế truy vết các trường hợp nghi nhiễm.
Đến ngày 25/10, qua xét nghiệm, điều tra ban đầu, ổ dịch này đã có 85 ca F0.
Liên quan ổ dịch này, Sở Y tế tỉnh Tiền Giang đã quyết định nâng cấp độ dịch bệnh tại xã Bình Đức lên cấp độ 4…
Khu vực phong toả Công ty Hải sản Mê Kông. Ảnh: Công an Tiền Giang |
Theo cơ quan công an, công ty Hải sản Mê Kông do ông Lê Văn Đèo (sinh năm 1972, ngụ TP Mỹ Tho, Tiền Giang) làm giám đốc, ngành nghề kinh doanh chế biến thủy sản.
Ngày 9/2, Công ty Hải sản Mê Kông do ông Đèo làm giám đốc bị xử phạt về hành vi vi phạm hành chính do không có bản kế hoạch bảo vệ môi trường được xác nhận theo quy định, số tiền phạt là 60 triệu đồng; hình thức phạt bổ sung đình chỉ hoạt động 9 tháng.
Dù đang trong thời gian bị đình chỉ hoạt động nhưng công ty Hải sản Mê Kông vẫn lén lút hoạt động làm phát sinh dịch bệnh.
Ngoài ra, tại các tỉnh, thành miền Tây như: Đồng Tháp, Cần Thơ, Vĩnh Long, Trà Vinh… có rất nhiều ổ dịch xuất hiện tại các công ty, doanh nghiệp.
Thiện Chí
Thêm tỉnh ở miền Tây yêu cầu người dân hạn chế ra đường khi không cần thiết
Chính quyền tỉnh Bạc Liêu yêu cầu người dân hạn chế tối đa việc ra đường khi không cần thiết, nhất là ra đường từ 21h hôm trước đến 4h hôm sau.