- Không chỉ tại Học viện Ngoại giao, văn minh đi thang máy trở thành chiến dịch lớn của SV Học viện Báo chí&Tuyên truyền. Nếp ứng xử có văn hóa này đã thành truyền thống nhiều năm tại Trường ĐH Ngoại thương.

Từ sáng kiến cá nhân

Nhằm giải quyết tình trạng ùn tắc, chen lấn ở thang máy những giờ cao điểm, Lê Hiếu (năm thứ nhất, khoa Truyền thông Quốc tế, Học viện Ngoại giao Việt Nam) đã xây dựng đề án “Văn hóa thang máy”. Đề án vừa mới hiện thực hóa không lâu song đã có ngay những tác dụng tích cực.

{keywords}
SV Học viện Ngoại giao xếp hàng đi thang máy (Ảnh: SVVN)

Hai tuần đầu làm huy hiệu phát cho sinh viên, hai tuần sau làm các standee hướng dẫn với khẩu hiệu, hình ảnh bắt mắt rồi đặt nó ở các điểm chờ thang máy đông người qua lại ở tầng 2, 5, 6, 7.

Ngoài ra, để sinh viên xếp thành hai hàng ngay ngắn, Hiếu còn phân luồng bằng cách vạch đường sơn, đánh dấu thành hai hàng, đánh mũi tên chỉ đường cho người ra vào thang máy tránh cảnh va chạm, đùn đẩy gây ùn tắc.

Đến chiến dịch lớn

Văn minh thang máy là chiến dịch truyền thông do Đoàn thanh niên Học viện Báo chí&Tuyên truyền và Bee Team phát động với mục đích nhằm xây dựng văn hóa và nâng cao nhận thức cho sinh viên trong việc ứng xử văn minh khi sử dụng thang máy.

Phạm Thị Thủy, SV lớp Báo in K30 chia sẻ: “Tôi đã từng rất bức xúc với việc các bạn sinh viên chen chúc nhau khi bước vào thang máy. Một số bạn còn không nhường nhịn và đùn đẩy nhau khi thang máy đã quá tải… Những lúc như thế tôi phải tự giác bước ra mặc dù công việc của tôi đang rất gấp”.

{keywords}
Poster cho chiến dịch "Văn minh thang máy 2014" tại HV Báo chí&Tuyên truyền.

Trước thực tế nhiều sinh viên vẫn chưa sử dụng thang máy đúng cách, tình trạng chen lấn xô đẩy vẫn còn,. với thông điệp “Người văn minh ứng xử văn hóa khi đi thang máy”, chiến dịch được phát động đến toàn thể giảng viên, sinh viên và các đối tượng khác trong Học viện nhẳm xây dựng văn hóa thang máy.

“Mong muốn của chúng mình là sẽ nâng cao phần nào được nhận thức của các bạn sinh viên Học viện về việc sử dụng thang máy, không chỉ trong trường mà còn cả đi ra ngoài nữa. Qua đó hình thành nếp sống văn minh giữa người với người” – Vũ Thế Anh, trưởng điều phối dự án cho biết.

Thầy Nguyễn Ngọc Oanh và một số cán bộ, giảng viên Khoa Quan hệ quốc tế đã có cuộc thảo luận về những hành vi cần lưu ý khi sử dụng thang máy. Đó là:

Xếp hàng thứ tự, ai đến trước vào trước, ai đến sau vào sau. Có thể ưu tiên, nhường chỗ cho người già, người khuyết tật, phụ nữ có thai, trẻ em...Không đứng chắn lối ra và phải nhường cho người bên trong thang máy ra trước, sau đó bên ngoài mới vào.

Không dùng thang máy khi di chuyển lên xuống 2 tầng nhà, chỉ dùng thang bộ; Chào hỏi mọi người gặp trong thang máy nhưng không quá ồn ào, to tiếng.

Không làm việc riêng trong thang máy gây ảnh hưởng đến người cùng đi; Không mang theo những thứ có mùi khó chịu hoặc gây khó chịu cho mọi người; Không viết vẽ, dính kẹo cao su, hút thuốc lá...

Để chiến dịch thêm hấp dẫn, chiến dịch có hẳn fanpage “biệt đội văn thang máy AJC (tên viết tắt của trường – PV) cùng những clip, poster sinh động để thu hút sự chú ý tham gia của các bạn sinh viên.

Và truyền thống đã có từ lâu

Tại Trường ĐH Ngoại thương HN, văn hóa xếp hàng đợi thang máy đã có từ tháng 9/2009.

Bí thư đoàn trường, anh Nguyễn Văn Triệu cho biết: “Từ khi tòa nhà A với 12 tầng cùng các phòng chức năng, phòng học dành cho sinh viên vấn đề văn hóa đi thang máy đã được đề cập đến”.

{keywords}
Văn hóa xếp hàng đi thang máy đã thành nét đẹp của SV Trường ĐH Ngoại thương HN. 

Anh Triệu cho hay: “Mỗi ngày khu nhà A có gần 20.000 lượt đi thang máy. Tình trạng chen lấn đã xảy ra khi tòa nhà chỉ có thang máy, mỗi lần đi 1 tháng máy chỉ đáp ứng 6-8 người”.

Một đề án xây dựng nếp sống văn minh của sinh viên đã được Ban chấp hàng đoàn trường gửi lên Ban giám hiệu với những nội dung như: SV đến trường phải đeo thẻ sinh viên, cuối tuần các lớp tiến hành dọn dẹp vệ sinh lớp học, ứng xử có văn hóa khi đi thang máy,…nhanh chóng được chấp thuận, đi vào thực tế.

“Tháng đầu tiên thực hiện, đoàn trường phải bố trí người đứng để nhắc nhở cả thầy cô và sinh viên xếp hàng trật tự khi đi thang máy. Nhưng ngay sau đó, phong trào được hưởng ứng và đi vào nề nếp” – anh Triệu cho hay.

Đến nay, trường không cần kẻ vạch như Học viện Ngoại giao hay chiến dịch tuyên truyền như Học viện Báo chí&Tuyên truyền. Nét đẹp văn hóa đã được các sinh viên, giảng viên nhà trường duy trì, phát huy.

Chỉ có thay đổi nhỏ là 1 trong 4 thang máy có biển ưu tiên dành cho giảng viên. Những khi thang máy đông, sinh viên sẽ tự động nhường thang máy cho giảng viên để thầy cô kịp lên lớp chuẩn bị cho buổi dạy trước sinh viên. Nếu thang máy còn trống, sinh viên và giảng viên vẫn dùng chung bình thường.

  • Văn Chung