Việt Nam là một trong những quốc gia tiên phong trong khu vực về áp dụng chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều từ năm 2015. Qua báo cáo đánh giá chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016-2020 cho thấy, chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều đã bước đầu phân loại được mức độ nghèo giữa các vùng, miền, đáp ứng được yêu cầu đặt ra đối với chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020.
Kế thừa kết quả đã đạt được, hiện nay, các tiêu chí chuẩn nghèo đa chiều quốc gia giai đoạn 2021 – 2025 đang được xây dựng với nhiều điểm mới cụ thể hơn, để nhận diện chính xác hơn hộ nghèo, cận nghèo, từ đó đề ra các giải pháp tác động phù hợp.
Theo Tổng cục Thống kê, việc tính toán và xác định mức sống tối thiểu dựa trên giá trị rổ hàng hóa lương thực thực phẩm cung cấp 2.100 Kcal/người/ngày năm 2018; tỷ lệ lương thực thực phẩm trong tổng chi tiêu áp dụng với khu vực thành thị là 42,1%, áp dụng với khu vực nông thôn là 50%; chỉ số giá tiêu dùng năm 2021 sẽ tăng 3%.
Theo đó, chuẩn mức sống tối thiểu được đề xuất là 1.586.000 đồng/người/tháng ở khu vực nông thôn và 2.065.000 đồng/người/tháng ở khu vực thành thị.