Nhiều người kinh doanh tại Việt Nam đã và đang liên kết làm ăn với Nhật đã không thể liên lạc được với đối tác sau trận động đất kinh hoàng.

TIN BÀI KHÁC


Trận động đất kinh hoàng mạnh nhất từ 16 năm trở lại đây không những làm người dân Nhật Bản kinh hoàng mà còn khiến công việc kinh doanh cũng trở nên điêu đứng. Mọi liên lạc với “đầu dây” đất nước Mặt trời mọc bị ngắt quãng, giao dịch đình trệ khiến không ít doanh nghiệp Việt Nam đang có quan hệ kinh doanh với các đối tác Nhật Bản hoang mang, lo lắng.


Sóng thần khiến mọi thứ chìm vào trong biển nước, mọi liên lạc với đối tác kinh doanh ở Nhật Bản đều bị ngắt.

“Tôi đã cố gắng gọi rất nhiều cuộc điện thoại nhưng đều không liên lạc được”, chị Hoa - nhân viên của một công ty phát triển phần mềm trên địa bàn Hà Nội bức xúc. Vì phần lớn khách hàng của công ty chị Hoa là người Nhật Bản, công việc chủ yếu giao dịch qua mail và điện thoại, trong khi đó, 2 đường truyền kết nối này đều bị ngắt do sự cố sóng ngầm vừa diễn ra.

“Thông tin và tài liệu từ phía đối tác Nhật Bản gửi về tới giờ không có, công việc của chúng tôi bị gián đoạn, ảnh hưởng nghiêm trọng cả về tiến độ hoàn thành và cả về kỷ luật lao động. Bởi chúng tôi phải thuê một đội ngũ giỏi tiếng Nhật về để dịch tài liệu nhưng chiều nay, do chưa có mail thông tin gửi đến nên tất cả các nhân viên đó tự dưng trở nên nhàn rỗi…” – chị Hoa tâm sự.

Theo chị Hoa, việc không liên lạc được với đối tác người Nhật trong thời điểm này là một thiệt thòi và khó khăn rất lớn gây trở ngại cho công việc. “Chúng tôi đang trong giai đoạn kiểm tra thử phần mềm cho một sản phẩm của khách hàng Nhật Bản, hạn chót là 31/3 nhưng với tình hình này, chắc chắn chúng tôi sẽ không thể hoàn thành nhiệm vụ” – chị Hoa lo ngại.

Trao đổi với phóng viên VTC News, nhiều công ty du lịch trong nước thường xuyên tổ chức tour đến Nhật Bản cũng không khỏi băn khoăn trước những bất ổn của đất nước này.

Ông Nguyễn Minh Mẫ, giám đốc truyền thông của Công ty du lịch Vietravel cho biết: Với đặc thù là thị trường xa, chi phí khá cao, tour đi Nhật được xếp vào loại tour cao cấp, hàng tháng, trung bình Vietravel đã tổ chức từ 2 – 4 tour, mỗi đoàn có số lượng khách từ 20 – 25 khách.


Hiện, các công ty tour vẫn đang nóng lòng theo dõi diễn biến tình hình của Nhật Bản để có những xử lý kịp thời để đảm bảo an toàn cho hành khách.

“Hiện tại, chúng tôi đang tiếp tục cập nhật thông tin từ phía đối tác bên Nhật gửi về vì có rất nhiều dự báo về sóng thần và động đất. Theo thông tin ban đầu, địa điểm xảy ra sóng thần và động đất cách Tokyo 300km về phía Đông, do đó, địa điểm tham quan không rơi vào những nơi xảy ra động đất, các công ty hoàn toàn có thể tổ chức được tour tham quan Nhật Bản. Tuy vậy, do tâm lý chưa yên tâm của du khách và để đảm bảo an toàn tốt nhất cho khách hàng của mình, Vietravel sẽ nghiên cứu thêm để có những biện pháp, phản ứng thích hợp, chủ động, kịp thời để phục vụ khách hàng một cách tối ưu nhất”, ông Nguyễn Minh Mẫn nhấn mạnh.

Mặc dù vậy, cho tới thời điểm này, Vietravel cũng như một số đơn vị tổ chức tour khác thông báo: Một điều may mắn là không có đoàn nào đi thăm quan du lịch vào ngày này, thiệt hại về hủy tour, hoãn tour là không có. Do đó, tạm thời không ảnh hưởng nhiều tới công việc kinh doanh.

Tuy nhiên, các công ty du lịch cũng không khỏi đắn đo, lo lắng khi nghĩ về hành trình và kế hoạch trong thời gian tới.

Bà Nguyễn Thị Tuyết Mai, Giám đốc đối ngoại của Fiditour không khỏi băn khoăn: “Tới đây, vào đầu tháng 4/2011, Fiditour đã đặt trước tour đi thăm xứ sở hoa anh đào với số lượng trên 30 khách. Nhưng hiện nay, công ty không liên hệ được với đối tác bên Nhật Bản, chừng nào họ chưa gửi giấy mời sang thì chúng tôi chưa thể làm visa cho khách được”. Và nếu đường dây liên lạc với bên Nhật bị đứt, theo bà Mai, khả năng đoàn đó có thể bị hủy tour và chuyển rời sang ngày khác.

“Trong lĩnh vực dịch vụ, chuyện hủy – hoãn do thiên tai là sự cố bất khả kháng. Dù sao, du khách đi chơi vào những ngày này, tâm lý chung đều rất lo sợ”, bà Mai cho biết.

Động đất không ảnh hưởng lịch bay của VNA đến Nhật Bản

Trận động đất và sóng thần xảy ra tại Nhật Bản không ảnh hưởng nhiều đến lịch bay của VNA tới đất nước này. Các chuyến bay của Vietnam Airlines (VNA) tới các sân bay Tokyo (Nhật Bản) vẫn diễn ra bình thường

Đại diện Phòng thương hiệu của VNA – ông Lê Trường An tối 11/3 cho VTC News biết, ngay sau trận động đất và sóng thần xảy ra tại đảo Honshu (cách thủ đô Tokyo 382 km) vào trưa nay, VNA đã tích cực liên hệ với văn phòng đại diện của mình tại Tokyo và các cơ quan chức năng địa phương để nắm bắt thông tin.

Qua thông tin ban đầu, VNA đã xác định được trận động đất và sóng thần này không ảnh hưởng nhiều tới lịch bay của VNA từ TP.HCM và Hà Nội tới Tokyo.

“Các chuyến bay có thể chậm ít giờ, chứ không có chuyện hủy chuyến. Vào khoảng 7h sáng 12/3 (giờ địa phương), sân bay quốc tế Narita (Tokyo – Nhật Bản) sẽ mở cửa hoạt động lại bình thường, nên lịch bay sẽ không bị ảnh hưởng gì đáng kể", đại diện VNA cho biết.

Còn đối với các chuyến bay của ngày 11/3, chỉ có duy nhất 1 chuyến từ Tokyo quay trở lại TP.HCM bị chậm ít giờ vì lí do trận động đất này.

Trong khi đó, đại diện cho Saigon Tourist, bà Đoàn Thị Thanh Trà – Trưởng phòng Tiếp thị cho biết, hiện đơn vị này không có đoàn khách du lịch nào tại Tokyo. Cũng theo vị đại diện này thì lịch đưa đoàn sang Nhật Bản (Tokyo) kế tiếp của Saigon Tourist lần tới sẽ vào cuối tháng 3 năm nay. Vì vậy, cho đến nay, các động thái của đơn vị cung cấp tour này là chỉ chờ xem tin tức từ phía Nhật Bản.

Trận động đất mạnh 8.9 độ Richter xảy ra tại đảo Honshu trưa nay được cho là một trận động đất kinh khủng nhất trong vòng 100 năm nay tại Nhật. Cho tới nay vẫn chưa ghi nhận được tình hình người Việt bị thương vong sau thảm họa nói trên.


(Theo VTC News)