Tuần trước, chính phủ Nhật Bản cho biết sẽ tài trợ tiền để các doanh nghiệp của nước này chuyển nhà máy ở Trung Quốc về nước hoặc sang một quốc gia nào đó ở Đông Nam Á. Đây là nỗ lực của chính phủ Nhật Bản nhằm đảm bảo nguồn cung và giảm phụ thuộc vào Trung Quốc.
Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản (METI) vừa công bố danh sách chi tiết 87 công ty sẽ được nhận số tiền hỗ trợ 70 tỷ Yên (tương đương 653 triệu USD) để thực hiện kế hoạch di chuyển nhà máy ra khỏi Trung Quốc.
Nhiều công ty Nhật Bản sẽ chuyển nhà máy từ Trung Quốc về nước hoặc sang Việt Nam |
Trong số 87 công ty di dời nhà máy khỏi Trung Quốc, 57 công ty sẽ chuyển nhà máy trở về Nhật Bản, 30 công ty khác sẽ chuyển nhà máy đến các quốc gia Đông Nam Á.
Theo Tổ chức Xúc tiến Mậu dịch Nhật Bản, trong số 30 công ty di dời nhà máy từ Trung Quốc sang các quốc gia khác, có 15 công ty chọn Việt Nam làm vị trí để đặt nhà máy, bao gồm 6 công ty có quy mô lớn và 9 công ty có quy mô vừa và nhỏ.
Phần lớn các công ty chuyển nhà máy đến Việt Nam chuyên về sản xuất thiết bị y tế, trong đó có 5 công ty chuyên về sản xuất linh kiện thiết bị điện, điện tử và ô tô. Đáng chú ý có Hoya Corporation, công ty chuyên sản xuất linh kiện ổ cứng máy tính, sẽ đặt nhà máy cả ở Việt Nam và Lào.
Danh sách các hãng công nghệ Nhật Bản chuyển nhà máy từ Trung Quốc sang Việt Nam bao gồm: Akiba Die Casting (Sản xuất linh kiện điện, điện tử), Fujikin (sản xuất linh kiện điện tử, chất bán dẫn), Pronics (sản xuất linh kiện máy điều hòa không khí), Hoya (sản xuất linh kiện ổ cứng), Meiko (sản xuất linh kiện thiết bị điệ thoại), Yokoo (sản xuất linh kiện, phụ tùng ô tô).
Theo số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), tính đến năm ngoái, Nhật Bản là nước đầu tư lớn thứ tư vào Việt Nam về vốn đăng ký, sau Hàn Quốc, Hồng Kông và Singapore.
Việt Nam hiện được coi là điểm đến lý tưởng để thu hút đầu tư của nước ngoài và chuyển các nhà máy sản xuất từ Trung Quốc, nhất là khi Việt Nam đang kiểm soát tốt đại dịch Covid-19. Hiện nhiều hãng công nghệ lớn của Mỹ cũng đang cân nhắc dịch chuyển các nhà máy từ Trung Quốc sang Việt Nam để không còn phụ thuộc quá nhiều vào Trung Quốc và tránh nguy cơ bị Mỹ trừng phạt khi cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc đang ngày càng căng thẳng.
Theo Dantri/MSN
Nhà máy iPhone tại Ấn Độ ngừng hoạt động
Theo Bloomberg, nhà máy lắp ráp iPhone ở Ấn Độ buộc phải ngừng hoạt động khi căng thẳng giữa quốc gia này với Trung Quốc tiếp tục gia tăng.