Quảng Nam có các tộc người thiểu số gồm  Cơ Tu, Xơ Đăng (gồm người Ca Dong, Xơ Teng, Mơ Nâm); Cor; Gié-Triêng (gồm người Ve, Tà Riềng, Bh nong) cư trú từ lâu đời ở vùng miền núi phía Tây của tỉnh. Thời gian qua, khu vực này luôn luôn nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững quốc phòng - an ninh.

quangnam.png

Quảng Nam được Ủy ban Dân tộc của Quốc hội phê duyệt tổng nguồn vốn hơn 3.000 tỷ đồng, trong đó nguồn Trung ương hơn 2.000 tỷ đồng, Triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia 1719, tỉnh Quảng Nam kỳ vọng chương trình sẽ là đòn bẩy làm thay đổi diện mạo vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, giúp người dân nâng cao đời sống vật chất và tinh thần.

Giai đoạn 2021-2025, Quảng Nam là tỉnh có 70 xã được hưởng các chính sách từ Chương trình MTQG 1719 theo Quyết định 861 của Thủ tướng Chính phủ. Địa phương có 230 thôn được hưởng chính sách theo Quyết định 612 của Bộ trưởng Uỷ ban Dân tộc (UBDT). Như vậy, Quảng Nam là một trong những tỉnh có đối tượng được hưởng chính sách từ chương trình này tương đối lớn. 

Quảng Nam đã xây dựng đề án, trình Ủy ban Dân tộc của Quốc hội phê duyệt với tổng nguồn vốn hơn 3.000 tỷ đồng, trong đó nguồn Trung ương hơn 2.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, triển khai giải ngân nguồn vốn đến nay được đánh giá là quá chậm.

Từ năm 2022 đến đầu năm 2023, Quảng Nam bắt đầu được phân bổ vốn trên 1.200 tỷ đồng, trong đó vốn đầu tư trên 600 tỷ, vốn sự nghiệp gần 600 tỷ đồng, bao gồm nguồn Trung ương và đối ứng địa phương. Nguồn vốn phân bổ khá lớn cho các địa phương miền núi của tỉnh nhưng các địa phương thực hiện quá chậm hoặc không thể thực hiện. Nhiều dự án đối diện với việc phải trả lại nguồn vốn cho Trung ương do không đáp ứng tiến độ.

Đối với Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững, tổng kế hoạch vốn ngân sách trung ương, ngân sách tỉnh thực hiện trên địa bàn tỉnh năm 2022 chuyển sang và năm 2023 hơn 1.148 tỷ đồng. Tính đến ngày 30/9, nguồn vốn sự nghiệp giải ngân đạt 23,4%, nguồn vốn đầu tư giải ngân đạt 31% kế hoạch vốn.

Theo rà soát của Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh, vào tháng 10/2023, đối với khối sở, ngành, trong tổng vốn năm 2023 được bố trí, các đơn vị cam kết giải ngân đến 31/12/2023 hơn 46,6 tỷ đồng, đề nghị điều chuyển, nộp trả/hủy dự toán hơn 8,2 tỷ đồng. Đối với khối huyện, thị xã, thành phố đã đề xuất nộp trả, điều chuyển kế hoạch vốn không có khả năng giải ngân hơn 71,7 tỷ đồng.

Nhiều đợt kiểm tra của tỉnh, sở, các ngành và địa phương đã tập trung thực hiện tốt chính sách giảm nghèo chung của quốc gia theo quy định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ như chính sách tín dụng ưu đãi, đào tạo nghề, xuất khẩu lao động, y tế, giáo dục, nhà ở, trợ giúp pháp lý...

Tuy nhiên, nguồn vốn lại khó sử dụng ở một số dự án, tiểu dự án của chương trình vì nhiều lý do khác nhau. Như năm 2022, Trung ương chưa phân bổ vốn thực hiện Tiểu dự án 2 - Dự án 3 về cải thiện dinh dưỡng và Dự án 5 về hỗ trợ hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn các huyện nghèo xây dựng, sửa chữa nhà ở. Do đó dẫn đến kéo sang năm 2023, dồn nguồn vốn lớn nên khó sử dụng hết. Một số nội dung triển khai các dự án, tiểu dự án thuộc chương trình yêu cầu phải khảo sát, đánh giá, lấy ý kiến đề xuất của chính quyền địa phương, cơ sở, người dân nên tốn nhiều thời gian, công sức. Một số dự án, Trung ương chậm ban hành Thông tư hướng dẫn thực hiện đã ảnh hưởng đến việc xây dựng nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn, công tác chỉ đạo tổ chức thực hiện Chương trình trên địa bàn tỉnh và phân bổ vốn thực hiện tiểu dự án có liên quan.

Đặc biệt, nguồn vốn sự nghiệp cho Dự án 2 về đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo để đầu tư mô hình giảm nghèo, phương thức sản xuất theo mô hình hỗ trợ sản xuất theo cộng đồng ở một số địa phương miền núi chưa giải ngân được đồng nào trong tổng vốn được giao năm 2023.

Với các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chưa có văn bản hướng dẫn thực hiện Nghị định số 38/2023/NĐ-CP, nhất là nội dung đấu thầu để mua sắm vật tư, hàng hóa, trang thiết bị thực hiện các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất (liên kết theo chuỗi giá trị, cộng đồng) thuộc Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững, đối với trường hợp chủ trì liên kết là các hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã và đại diện cộng đồng dân cư. Vì thế mà việc ở địa phương rất lúng túng, khó thực hiện.

Ở cả hai Chương trình Giảm nghèo Bền vững và Phát triển Kinh tế-Xã hội Vùng Đồng bào Dân tộc Thiểu số và Miền núi, các tiểu dự án, dự án về giáo dục nghề nghiệp, việc làm trong năm 2022 chưa thực hiện được.

Năm 2023 dồn nguồn của cả 2 năm, đặc biệt là nguồn kinh phí sự nghiệp phân bổ cho các địa phương nên hầu như các địa phương không có khả năng giải ngân hết nguồn kinh phí này trong năm 2023.

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ Lê Văn Dũng, đây là chủ trương lớn, đúng đắn của Nhà nước, tuy nhiên, quá trình triển khai gặp không ít khó khăn. Trong thời gian tới sẽ tập trung quyết liệt đẩy nhanh tiên độ giải ngân. Đồng hành với các địa phương trong triển khai các Chương trình Mục tiêu Quốc gia, các sở, ngành và Ủy ban Nhân dân tỉnh đang ráo riết bám cơ sở, đôn đốc thực hiện đồng thời nhiều giải pháp.

Tháng 5 vừa qua, tại buổi làm việc với Uỷ ban Dân tộc, Quảng Nam đã đề nghị Trung ương đơn giản hóa các thủ tục trong thực hiện; xem xét phân cấp những nhiệm vụ phù hợp; tỉnh sẽ khảo sát, nắm lại những nội dung đã triển khai trong 2 năm nay nhưng chưa đạt, đề nghị Trung ương điều chuyển nguồn kinh phí sang nội dung khác phù hợp với thực tiễn; hoãn thời gian cắt chính sách hỗ trợ đối với địa phương vừa thoát ra khỏi Khu vực III; có những chính sách hỗ trợ miền núi phát triển dược liệu quý, sâm ngọc linh,qua đó giúp người dân phát triển kinh tế, từng bước thoát nghèo…

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Anh Tuấn đề nghị đoàn công tác xem xét các kiến nghị của địa phương, sớm ban hành văn bản hướng dẫn để triển khai thực hiện, đảm bảo giải ngân đúng tiến độ mà tỉnh đặt ra là đến 30/6 hoàn thành 100% vốn 2022 chuyển sang, và 50% vốn 2023. 

Bên cạnh đó, Quảng Nam cũng kiến nghị Quốc hội có những xem xét để điều chỉnh phù hợp với tình hình thực tế.

Ánh Tuyết và nhóm PV, BTV