"Mình thất nghiệp cũng hơn một tháng rồi. Tiền để dành cũng xài sắp hết. Hết tháng này mà chưa tìm được việc nữa chắc từ giã TP.HCM luôn quá!", đó là những tâm sự của anh Thanh Minh (29 tuổi), nhân viên một cửa hàng bán thiết bị điện tử.
Theo chia sẻ của anh Minh, khi TP.HCM vừa bùng phát đợt dịch thứ 4, thực hiện giãn cách, cửa hàng anh đang làm việc cũng cắt giảm nhân sự. Không may, anh chính là một trong những nhân sự đó.
Sau khi thất nghiệp, anh Minh cố gắng đi xin việc ở nhiều nơi, hỏi thăm bạn bè, tìm kiếm thông tin trên mạng nhưng chẳng đâu có. Để có tiền sinh sống, bám trụ lại TP.HCM, anh đăng ký chạy xe ôm công nghệ nhưng do giãn cách, ít khách, thu nhập chẳng được bao nhiêu.
"Mình đi xin việc khắp nơi mà khó lắm! Giờ này người ta chỉ có đuổi bớt chứ ai đâu muốn thêm. Cố thử thêm hết tháng xem còn duyên ở lại TP.HCM không. Khó quá về quê tìm việc để ổn định cuộc sống luôn" - anh Minh chia sẻ.
Anh Nguyễn Văn Tiến (26 tuổi), hướng dẫn viên du lịch cũng đang cảnh ngồi không, "lay lắt" từng ngày chờ qua thời gian giãn cách vì tour đều bị "đóng băng" do dịch.
"Mình không về quê vì sợ không may mang dịch lây lan. Giờ ở lại TP.HCM mà không có công việc, phải xin ba mẹ từng đồng từng cắt. Nhưng chịu thôi, mùa này ai cũng vậy. Chỉ mong qua dịch để đi làm lại, kéo dài chắc mình cũng không trụ nổi", anh Tiến chia sẻ.
Cùng hoàn cảnh đó, anh Nguyễn Hoàng Phi (25 tuổi), nhân viên chăm sóc khách hàng một công ty bất động sản mới mất việc vì dịch Covid-19. Không chỉ công việc bị dừng, Hoàng Phi còn hoãn việc học ngoại ngữ của mình lại vì khó khăn, không đủ sức đóng tiền.
Nhưng khác với anh Minh hay anh Tiến, Hoàng Phi không cố gắng trụ ở TP.HCM mà chọn cách về quê trước đợt giãn cách, chờ qua giai đoạn khó khăn.
Mặc dù cuộc sống ở quê "dễ thở" hơn, ba mẹ của Hoàng Phi cũng mong anh ở lại nhà làm việc, nhưng bản thân anh luôn ấp ủ hy vọng quay lại Sài Gòn. Anh vẫn thường xuyên hỏi thăm công việc ở nhiều nơi, tìm ở nhiều trang tuyển dụng trên mạng xã hội.
"Em muốn lên lại TP.HCM. Giờ chỉ cần tìm được việc em sẽ quay lại liền. Em không đòi hỏi công việc đâu, giờ có người nhận vào làm, trả lương thấp cũng đồng ý. Chỉ cần có việc là em vui lắm rồi!".
Nguy cơ "từ giã" TP.HCM không chỉ đối với những người lao động từ nơi khác đến, mà chính những người dân định cư ở mảnh đất này lâu năm cũng vật vã tìm việc trên chính mảnh đất quê hương của mình.
Chị Nguyễn Quỳnh Anh (26 tuổi), ngụ tại quận 6, TPHCM đang thất nghiệp vì dịch bệnh, rất vất vả tìm việc mới trong giai đoạn này.
Quỳnh Anh hiện là nhân viên một phòng khám da liễu tại quận 2. Tuy rằng không bị công ty cho nghỉ việc như những trường hợp trên, nhưng nơi làm việc của Quỳnh Anh đã đóng cửa suốt 2 tuần qua vì lệnh giãn cách.
Trước mắt, cô chưa biết khi nào có thể làm trở lại. Cô đã thử đi tìm công việc mới để có thu nhập trong giai đoạn này, nhưng dường như bất khả thi.
Sinh ra và lớn lên tại mảnh đất TP.HCM, nhưng Quỳnh Anh đang đối mặt với việc có thể phải "từ giã" TP.HCM, đi theo trào lưu "bỏ phố lên rừng" để tìm lối đi mới cho mình.
Theo Dân Trí
Lao động nghèo mùa dịch trưa ăn cơm từ thiện, chiều cháo loãng qua ngày
Dịch bệnh căng thẳng, TP.HCM giãn cách xã hội, nhiều người lao động nghèo vốn đã khó khăn nay càng lao đao hơn. Không ít người phải xin cơm từ thiện, ăn mỳ tôm, cháo loãng để cầm cự.