Treo biển nghỉ bán hàng từ ngày 22 Tết (tức ngày 3/2) và thông báo mở cửa lại ngày mùng 6 tháng Giêng (tức ngày 16/2), nhưng đến nay đã gần một tuần, quán nhậu trên đường Vũ Phạm Hàm (Cầu Giấy, Hà Nội) vẫn chưa thấy dấu hiệu hoạt động trở lại.

Theo nhân viên bảo vệ cạnh nhà hàng, nguyên nhân quán chưa mở cửa trở lại là do trước Tết lượng khách giảm mạnh, lại thêm dịch bệnh diễn biến phức tạp. "Chắc phải hết tháng Giêng may ra quán mới mở cửa", nhân viên này cho biết.

Thực tế, không chỉ nhà hàng này mà nhiều nhà hàng, quán ăn bán trong nhà khác dù không nằm trong lệnh cấm đóng cửa tại Hà Nội cũng rơi vào cảnh tương tự vì thu không đủ bù chi. Một số khác vẫn tìm cách hoạt động cầm chừng "giữ mối" khách chờ hết mùa dịch bệnh.

Không cầm cự nổi

Ngay sau khi có yêu cầu của UBND TP Hà Nội, các quán ăn vỉa hè, quán cà phê và trà đá vỉa hè, điểm di tích… đều tạm dừng hoạt động để phòng, chống dịch. Tuy nhiên nhiều nhà hàng, quán nhậu Hà Nội được phép kinh doanh vẫn cửa đóng then cài, một số khác đóng cửa dán thông báo cho thuê lại quán…

{keywords}
Thông báo hoạt động trở lại vào ngày 16/2 nhưng đến nay, nhà hàng này vẫn chưa thấy dấu hiệu mở cửa. Ảnh: Thanh Thương.

Theo ghi nhận của Zing, 12h trưa ở một số con phố tập trung nhiều nhà hàng, quán nhậu như: Tô Hiệu, Lê Đức Thọ, Vũ Phạm Hàm, Nguyễn Khang, Trần Thái Tông ... không còn cảnh ăn uống ồn ào, tiếng cụng ly tới tấp như trước đây. Thay vào đó là hình ảnh hàng quán đóng cửa, then cài hoặc nhân viên đeo khẩu trang ngồi nói chuyện "giết" thời gian.

Tại một nhà hàng chuyên kinh doanh đồ ăn Trung Quốc trên đường Tô Hiệu (Cầu Giấy, Hà Nội), ngoài cửa là tấm bảng thông báo "ngày 16/2 làm việc trở lại bình thường", nhưng đến ngày 22/2, bên trong bàn ghế lại được kê gọn ngăn nắp, cổng khóa cửa không người ra vào.

Anh Đỗ Thành Trung, chủ nhà hàng này cho biết rút kinh nghiệm từ 2 đợt dịch năm ngoái nên anh quyết định không mở cửa hàng dù không có lệnh cấm. "Hệ thống cửa hàng tôi chuyên đồ ăn tại chỗ, không chuyên mảng thực phẩm đóng gói mang về. Do đó nếu mở thì thu cũng không đủ bù chi", anh chia sẻ.

Những ngày đóng cửa nhà hàng là những ngày anh Trung phải đau đầu lo trả đủ khoản tiền thuê mặt bằng, nhân sự. "Tiền thuê anh phải xoay xở trả đủ, chủ nhà có thương giảm cho đồng nào thì may đồng nấy", anh trầm giọng.

Theo chủ nhà hàng này, sự giãn cách theo quy định của pháp luật chỉ thích hợp cho cửa hàng ăn uống nhỏ, có vách ngăn bên cạnh và trước mặt, không phù hợp cho mô hình ăn uống gia đình và văn phòng hội họp.

Khi được hỏi về thời gian mở cửa trở lại, anh Trung cho biết chưa có lịch cụ thể. "Khi nào có văn bản nới lỏng của chính quyền và khoảng 10 ngày không có ca lây nhiễm mới trong cộng đồng tại Hà Nội thì cửa hàng mới quay lại hoạt động", anh chia sẻ thêm.

Chị An, chủ một nhà hàng trên đường Trung Kính (Cầu Giấy, Hà Nội), lo 2021 tiếp tục là một năm buồn của người kinh doanh. Từ năm ngoái đến năm nay chị An đã phải "gồng mình" để nhà hàng tiếp tục hoạt động, tuy nhiên dịch bệnh diễn biến phức tạp khiến chủ nhà hàng này dần nản chí.

"Không có khách nhưng giá thuê mặt bằng đắt đỏ, tiền thuê nhân viên... vẫn phải lo. Không biết trụ được bao lâu nữa, dịch bệnh cứ liên tục thế này người kinh doanh sao cầm cự nổi", chị buồn bã.

Chuyển mô hình hoạt động

Bên cạnh nhiều nhà hàng, quán nhậu tạm đóng cửa vì dịch bệnh, một số khác lại chọn cách chuyển đổi mô hình hoạt động, đẩy mạnh hướng kinh doanh online. Nhiều cửa hàng ăn uống trước đây không có dịch vụ giao hàng nay cũng chuyển mình để không bị khách hàng “bỏ rơi”.

{keywords}
Sau thông báo đóng cửa các quán cà phê, hàng ăn vỉa hè để phòng dịch Covid-19 ở Hà Nội, nhiều quán ăn chuyển sang chỉ bán cho khách mang về. Ảnh: Việt Hùng.

Theo khảo sát, các quán ăn, nhà hàng, quán cafe tại Hà Nội sau khi có lệnh giãn cách, đóng cửa đã đẩy mạnh khâu giao hàng tận nhà bằng nhiều ưu đãi. Từ đợt dịch năm ngoái, quán lẩu nướng của anh Nguyễn Hùng (Đống Đa, Hà Nội) đã nhanh chóng triển khai thêm hình thức phục vụ ship tận nhà miễn phí. "Nhờ đẩy mạnh mô hình này mà quán mới có thể duy trì đến nay", anh nói.

Theo anh, mặc dù khâu chuẩn bị, đóng hàng các dụng cụ bếp, nồi, bát đĩa khá phức tạp nhưng để "sống sót" giữa đại dịch này anh Hùng phải tìm mọi cách để xoay xở kiếm khách. "Doanh thu không bằng ngày thường nhưng hàng ngày quán vẫn có thu nhập đảm bảo việc trả lương cho người làm và các chi phí phát sinh nhằm duy trì quán chờ đến ngày hết dịch", anh chia sẻ.

Trước đây, một số quán ăn đông khách không nhận giao hàng nhưng hiện nay nhiều quán cũng mở dịch vụ giao hàng với nhiều ưu đãi để chiều khách trong mùa dịch. Anh Tân, nhân viên giao hàng cho biết từ khi dịch bùng phát trở lại nhiều hàng quán thưa thớt khách, . “Nhờ vậy mà một ngày tôi nhận được nhiều đơn ship đồ ăn hơn. Trung bình cứ giao xong đơn này tôi lại nhận được luôn đơn tiếp theo”, anh Tân nói.

Càng khó khăn, nhà hàng, quán nhậu càng nghĩ ra nhiều cách để chiều lòng các “thượng đế” của mình hơn, để đến khi mùa dịch đi qua, lượng khách vẫn không giảm đi nhiều.

(Theo Zing)