UBND TP Đà Nẵng vừa có phương án sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, xã giai đoạn 2023-2025 gửi Bộ Nội vụ.

Theo phương án này, sau khi sắp xếp, thành phố sẽ còn 47 đơn vị gồm 36 phường và 11 xã. Như vậy, giảm 9 phường (20%), trong đó chủ yếu ở các quận trung tâm.

Cụ thể, tại quận Hải Châu, sáp nhập 2 phường Hải Châu 1 và Hải Châu 2, thành lập đơn vị hành chính mới với tên gọi dự kiến là phường Hải Châu 1.

Sáp nhập phường Bình Thuận và Hòa Thuận Đông, tên gọi mới dự kiến là phường Hòa Bình.

Sáp nhập 3 phường Phước Ninh, Nam Dương và Bình Hiên, tên gọi mới dự kiến là phường Nam Bình Phước hoặc Nam Phước.

W-a-da-nang-1.jpg
Nhiều phường ở quận Hải Châu sẽ sáp nhập, lấy tên gọi mới

Riêng phường Thạch Thang, UBND TP Đà Nẵng đề nghị không hoặc chưa sắp xếp do yếu tố đặc thù về văn hóa, lịch sử, an ninh quốc phòng. Đây là nơi tập trung nhiều cơ quan quan trọng về chính trị, ngoại giao, an ninh, quốc phòng ở TP Đà Nẵng và có Thành Điện Hải là Di tích quốc gia đặc biệt.

Trong khi đó, tại quận Thanh Khê, sáp nhập hai phường Thanh Khê Đông và Hòa Khê, tên gọi đơn vị hành chính mới dự kiến là phường Thanh Hòa.

Sáp nhập 2 phường Tân Chính và Chính Gián, tên gọi mới dự kiến là phường Tân Chính Gián.

Sáp nhập phường Tam Thuận và Xuân Hà, tên gọi dự kiến là phường Hà Tam Xuân.

Phường Thạc Gián và Vĩnh Trung cũng được sáp nhập, tên gọi dự kiến mới là phường Thạc Gián.

Còn quận Sơn Trà, sáp nhập 2 phường An Hải Đông và An Hải Tây, tên gọi mới dự kiến là phường An Hải Nam.

Ở cấp quận/huyện, Đà Nẵng có một đơn vị hành chính thuộc diện khuyến khích sắp xếp là quận Thanh Khê. Cụ thể là điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính, nhập một phần diện tích tự nhiên và một phần quy mô dân số của quận Liên Chiểu vào quận Thanh Khê, giai đoạn 2026 - 2030.

UBND TP Đà Nẵng cho hay, việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện/xã là nhiệm vụ chính trị quan trọng, khối lượng công việc lớn, phức tạp.

Đà Nẵng kiến nghị Bộ Nội vụ xem xét phương án nêu trên theo hướng không gây xáo trộn quá lớn về đơn vị hành chính, tạo thuận lợi cho công tác quản lý Nhà nước ở địa phương, hạn chế ảnh hưởng đến đời sống người dân.