Chiều 13/11, Khu Quản lý đường bộ II cho biết mưa lớn đã làm nhiều tuyến quốc lộ bị ngập sâu, sạt lở, một số đoạn phải tạm thời đóng đường.

Đường Hồ Chí Minh qua tỉnh Hà Tĩnh bị ngập sâu 0,4 m khiến phương tiện không thể qua lại trong 3 tiếng buổi trưa 13/11. Sau 15h, nước rút dần.

Quốc lộ 8 ở khu vực dự án nâng cấp mở rộng đường cũng bị sạt taluy dương gây ách tắc. Hiện nhà thầu thi công đã dọn dẹp để xe lưu thông.

Trên quốc lộ 1 đoạn qua Đèo Hải Vân thuộc tỉnh Thừa Thiên Huế, một đoạn tường hộ lan cứng bị lún nghiêng, nguy cơ sạt xuống đường sắt Bắc Nam. Công ty Cổ phần đầu tư Đèo Cả - đơn vị quản lý, đã tạm thời tháo dỡ đoạn hộ lan cứng và dùng bao tải đất đắp bờ ngăn nước chảy vào.

Đường Hồ Chí Minh đoạn La Sơn - Hòa Liên (huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng) bị sạt lở, đất đá tràn xuống mặt đường. Đơn vị duy tu bảo dưỡng đã điều động công nhân đến thu dọn, đảm bảo phương tiện qua lại an toàn.

W-2-anh-ngap-nuoc-ql1-khanh-hoa-1.jpg
Mưa lớn gây ngập úng trên địa bàn tỉnh Khánh Hoà ngày 14/11

Theo Ban Quản lý dự án đường Hồ Chí Minh, điểm sạt lở nằm trong khu vực đang được theo dõi sụt trượt. Trường hợp sạt có nguy cơ đe dọa an toàn giao thông, cơ quan chức năng sẽ cho xe tạm dừng qua lại để xử lý.

Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia cho biết các tỉnh Bắc Trung Bộ bắt đầu chịu ảnh hưởng của không khí lạnh từ đêm 12/11, Trung Trung Bộ từ hôm nay. Nhiệt độ thấp nhất khu vực Thanh Hóa đến Thừa Thiên Huế 21-23 độ C.

Nghệ An được dự báo mưa lớn nhất ở miền Trung trong hôm nay, phổ biến 30-60 mm, có nơi trên 80 mm. Sau đó, mưa dịch chuyển dần vào phía nam. Hà Tĩnh hôm nay và ngày mai mưa 60-120 mm, có nơi trên 150 mm. Các tỉnh từ Quảng Bình đến Phú Yên mưa 80-180 mm, có nơi trên 250 mm. Từ đêm 14/11 đến 17/11, khu vực từ Quảng Bình đến Phú Yên tiếp tục mưa lớn 100-300 mm, có nơi trên 400 mm.

Trước nguy cơ sạt lở, gây ách tắc giao thông, ngày 13/11, Cục Đường bộ Việt Nam đã có văn bản gửi Các Khu Quản lý đường bộ; Các Sở GTVT từ Quảng Bình đến Phú Yên tập trung kiểm tra, rà soát các khu vực có nguy cơ ngập lụt, sụt lở đất, lũ quét để có phương án xử lý và phân luồng giao thông từ xa.

Cục cũng yêu cầu các đơn vị tổ chức trực ban 24/24h đồng thời phối hợp với Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn địa phương tổ chức lực lượng ứng cứu bảo đảm giao thông 24/24h và phải thường xuyên theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa, lũ.

Bố trí lực lượng trực gác, hướng dẫn giao thông tại các vị trí có nguy cơ bị nước ngập sâu, chảy xiết, nhất là qua các ngầm, tràn, bến phà, cầu phao, đò ngang. 

Cục Đường bộ Việt Nam cũng yêu cầu các đơn vị, địa phương bố trí cử người canh gác, cắm phao tiêu, rào chắn, báo hiệu ở những vị trí đường bị ngập nước sâu, ngầm tràn, đoạn đường bị đứt, đoạn đường bị sạt lở… kiên quyết không cho phép người và phương tiện đi qua khi còn có nguy cơ không đảm bảo an toàn.

Tập trung phương tiện, vật tư, thiết bị và nhân lực để chủ động triển khai các phương án bảo đảm an toàn giao thông và khắc phục hậu quả do mưa lũ gây ra trên các tuyến quốc lộ ở khu vực trung du và miền núi.

Ngoài ra, Cục Đường bộ Việt Nam cũng yêu cầu các đơn vị, địa phương thực hiện phương châm 4 tại chỗ để khi nước rút đến đâu khẩn trương khắc phục sự cố hư hỏng đến đó; tập trung hót dọn đất đá ở các vị trí sụt lở ta luy dương. 

Đối với các vị trí sạt lở lớn gây ách tắc giao thông, Cục Đường bộ Việt Nam lưu ý các đơn vị, địa phương phải cử ngay Lãnh đạo Khu Quản lý đường bộ, Lãnh đạo Sở GTVT phối hợp với Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn của địa phương đến hiện trường, triển khai ngay các phương án phân luồng giao thông từ xa, khẩn trương khắc phục sự cố huy động tối đa máy móc, trang thiết bị và nhân lực hiện có trên địa bàn để bảo đảm thông xe với thời gian nhanh nhất.

Phương Thúy và nhóm PV, BTV