Mới đây, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã có Báo cáo Tình hình thực hiện kế hoạch tháng 11, 11 tháng và nhiệm vụ công tác tháng 12.

Thị trường xuất khẩu lớn nhất là Hoa Kỳ

Theo đó, 11 tháng, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng nông lâm thủy sản ước đạt gần 82,67 tỷ USD, tăng 24,7% so với cùng kỳ năm trước (CKNT); trong đó, xuất khẩu (XK) ước đạt gần 43,48 tỷ USD, tăng 14,2% so với CKNT; nhập khẩu (NK) ước khoảng 39,18 tỷ USD, tăng 39,0%; xuất siêu gần 4,3 tỷ USD, giảm 56,5% so với CKNT.    

Tháng 11, kim ngạch XK ước đạt khoảng 4,2 tỷ USD, tăng 8,9% so với tháng 11/2020 và tăng 5,8% so với tháng 10/2021. Tính chung 11 tháng, kim ngạch XK nông lâm thủy sản ước đạt gần 43,5 tỷ USD, tăng 14,2% so với CKNT.

Trong đó, XK nhóm nông sản chính ước đạt trên 19,3 tỷ USD, tăng 13,7%; lâm sản chính đạt khoảng 14,3 tỷ USD, tăng 20,9%; thủy sản đạt trên 7,9 tỷ USD, tăng 3,5%; chăn nuôi ước đạt 393 triệu USD, tăng 4,0%; nhóm đầu vào sản xuất trên 1,5 tỷ USD, tăng 25,9%.

Tính chung 11 tháng, nhiều sản phẩm/ nhóm sản phẩm có giá trị xuất khẩu tăng gồm: Cà phê, cao su, gạo, nhóm hàng rau quả, hồ tiêu, hạt điều, sắn và sản phẩm từ sắn, sản phẩm chăn nuôi; sản phẩm gỗ; mây, tre, cói thảm; quế,…

Trong đó, cao su, hạt điều, sắn và sản phẩm từ sắn tăng cả khối lượng và giá trị xuất khẩu. Riêng hồ tiêu, cà phê dù khối lượng XK giảm nhưng giá trị XK vẫn tăng. Những mặt hàng khác tăng giá trị như: Rau quả, sản phẩm chăn nuôi, gỗ và sản phẩm gỗ, mây – tre - cói thảm, quế. Mặt hàng giảm cả khối lượng và giá trị xuất khẩu dù giá xuất khẩu bình quân tăng là chè.

Giá xuất khẩu bình quân 11 tháng nhiều mặt hàng tăng như: Cao su, chè, cà phê, gạo, hồ tiêu, sắn, hạt điều.

Về thị trường xuất khẩu: Giá trị XK nông, lâm, thủy sản 11 tháng đầu năm của Việt Nam tới các thị trường thuộc khu vực châu Á (chiếm 43,1% thị phần), châu Mỹ (29,6%), châu Âu (11,5%), châu Phi (1,9%), châu Đại Dương (1,6%).

Thị trường xuất khẩu lớn nhất là Hoa Kỳ đạt trên 11,9 tỷ USD (chiếm 27,5% thị phần); đứng thứ 2 là thị trường Trung Quốc gần 8,4 tỷ USD (chiếm 19,2% thị phần); thứ 3 là thị trường Nhật Bản với giá trị XK đạt gần 3 tỷ USD (chiếm 6,9%); thứ 4 là thị trường Hàn Quốc với giá trị XK đạt khoảng 1,9 tỷ USD (chiếm 4,4%) .

Kim ngạch NK các mặt hàng nông lâm thủy sản 11 tháng ước khoảng 39,2 tỷ USD, tăng 39,0% so với cùng kỳ năm 2020.

11 tháng, Việt Nam nhập khẩu các mặt hàng nông lâm thủy sản nhiều nhất từ khu vực châu Á (khoảng 11,8 tỷ USD, chiếm 30,2%) và châu Mỹ (khoảng 9,4 tỷ USD, chiếm 24,1%); Hoa Kỳ tiếp tục là thị trường XK nông sản sang Việt Nam lớn nhất đạt gần 3,5 tỷ USD, chiếm 8,9% thị phần; tiếp theo là Campuchia đạt khoảng 3,3 tỷ USD, chiếm 8,5%.

{keywords}
Nhiều sản phẩm/ nhóm sản phẩm có giá trị xuất khẩu tăng. Ảnh minh họa 

Tiếp tục thúc đẩy mở cửa thị trường nông sản

Về công tác hợp tác quốc tế và xúc tiến thương mại, Bộ NN&PTNT đã tiếp tục đẩy mạnh hoạt động của 02 Tổ công tác (phía Nam và phía Bắc) để chỉ đạo, hướng dẫn các Sở NN&PTNT, phối hợp với các bộ, ngành, hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp, HTX,… khẩn trương triển khai các giải pháp tháo gỡ vướng mắc trong lưu thông, sản xuất, chế biến và tiêu thụ nông sản.

Thường xuyên tổ chức/phối hợp tổ chức và tham gia các diễn đàn, hội nghị trực tuyến kết nối cung cầu, xúc tiến tiêu thụ nông sản, phát triển ngành hàng: Các diễn đàn 970 kết nối tiêu thụ nông sản hàng tuần; Tọa đàm chủ đề “Nông nghiệp – Vượt khó thời Covid” trên kênhVTC16; Diễn đàn trực tuyến mía đường tỉnh Phú Yên; Hội nghị trực tuyến xúc tiến sản phẩm Cam, Bưởi tỉnh Bắc Giang; Hội nghị trực tuyến “Quảng bá thương hiệu xúc tiến tiệu thụ cam Hà Tĩnh”; Diễn đàn kết nối tiêu thụ nông sản các tỉnh khu vực miền Trung tháng 11/2021;...

Cùng với đó, tiếp tục thúc đẩy mở cửa thị trường nông sản với các nước Peru, Úc, Braxin, Trung Quốc, Hoa Kỳ, ASEAN, Nga, Séc… Tổ chức Diễn đàn trực tuyến thúc đẩy hợp tác thương mại nông sản, thủy sản Việt - Nga; xây dựng kế hoạch triển khai các nhiệm vụ thực hiện Đề án “Nâng cao năng lực về phòng vệ thương mại trong bối cảnh tham gia các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới”; Hướng dẫn các đơn vị, doanh nghiệp thực hiện quy định Lệnh 248, 249 của Tổng cục Hải quan Trung Quốc.

V.v...

Bộ NN&PTNT cũng đặt ra một số nhiệm vụ trọng tâm tháng 12 trong công tác hợp tác quốc tế và phát triển thị trường.

Đó là, thúc đẩy các hoạt động hợp tác song phương với Trung Quốc, Lào, Campuchia, Ba Lan, Iran,… hợp tác đa phương với ADB, IFAD,… Chuẩn bị nội dung để làm việc với B05 trong hỗ trợ tháo gỡ các rào cản tại các thị trường xuất khẩu trọng điểm; hoàn thiện Chương trình hành động thực hiện Thỏa thuận Gỗ 301; xây dựng Chiến lược xúc tiến thương mại đi EU.

Tiếp tục theo dõi, nắm bắt và tổng hợp thông tin, số liệu về giá cả, tình hình sản xuất và nguồn cung các mặt hàng nông sản tại các địa phương trong nước trong điều kiện mới và kế hoạch kết nối sản xuất, tiêu thụ đợt Tết dương lịch và Tết Nguyên đán; báo cáo Ban chỉ đạo Phát triển thị trường Nông sản và Ban Chỉ đạo giá của Chính phủ. Đẩy mạnh hoạt động của Tổ công tác 3430 (phía Bắc), Tổ công tác 970 (phía Nam); tiếp tục tổ chức các Hội nghị, diễn đàn Kết nối cung cầu 970.

Bên cạnh đó, tiếp tục thúc đẩy mở cửa thị trường nông sản với các nước; kịp thời cung cấp các thông tin, các quy định thị trường, kiểm soát xuất nhập khẩu Việt Nam - Trung Quốc, các thông tin quy định về hạn ngạch đối với các mặt hàng nông sản thực thi Hiệp định EVFTA và UKVFTA tới các địa phương, doanh nghiệp,…  Tiếp tục thực hiện “Quảng bá thương hiệu nông sản Việt Nam tại thị trường Liên minh châu Âu (EU) trong bối cảnh Hiệp định EVFTA có hiệu lực”.

V.v...

Hoàng Hiệp