Chia sẻ về những thách thức trong tiến trình giảm thiểu rác thải nhựa ở Việt Nam và định hướng trong dài hạn của Chương trình đối tác hành động Quốc gia về nhựa (NPAP) để giải quyết thách thức này, ông Lê Ngọc Tuấn Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ TN&MT cho hay, hiện vẫn còn nhiều thách thức trong việc giảm thiểu rác thải nhựa và ô nhiễm nhựa ở Việt Nam.

Thứ nhất, chúng ta chưa có hệ thống quản lý và thu gom chất thải rắn phát triển tương ứng với lượng rác thải nhựa phát sinh. Các hoạt động thu gom chất thải hiện nay sử dụng nhiều lao động và hiệu quả chưa cao. Phí thu gom chất thải từ người tiêu dùng chưa đủ để chi trả cho các hoạt động thu gom và xử lý. Cùng với đó, vẫn thiếu hạ tầng cần thiết để xử lý lượng chất thải đã phân loại. Vì vậy, chưa khuyến khích người dân thực hiện việc phân loại rác.

W-racthai.png
Hiện vẫn còn nhiều thách thức trong việc giảm thiểu rác thải nhựa và ô nhiễm nhựa ở Việt Nam.

Thứ hai, rác thải, trong đó có rác thải nhựa chưa được phân loại tại nguồn gây cản trở quá trình thu gom, tái chế và tái sử dụng rác, cản trở mục tiêu phát triển kinh tế tuần hoàn nhựa. Nếu không phân loại rác thải nhựa thì phần lớn khối lượng nhựa sẽ được chuyển đến các bãi chôn lấp, nhà máy đốt rác. Thực tế hiện nay, hầu hết hoạt động phân loại diễn ra sau khi thu gom, gây khó khăn cho việc đảm bảo hiệu quả và chất lượng nhựa tái chế.

Thứ ba, hiện nay, các sản phẩm nhựa dùng một lần đang được sử dụng quá nhiều trong đời sống và khó có thể thay đổi ngay lập tức hành vi tiêu dùng. Điều đó xuất phát từ thực tế nhựa là vật liệu nhẹ, giá cả phải chăng, dễ sử dụng, bền và linh hoạt với nhiều ứng dụng. Do đó, với cách sử dụng nhựa như hiện nay, lượng chất thải sẽ tiếp tục tăng lên và có nguy cơ rò rỉ ra môi trường, đặc biệt là các loại nhựa có giá trị thấp và ít được thu gom, tái chế.

Để góp phần giải quyết những thách thức nêu trên, trong dài hạn, Chương trình NPAP sẽ tập trung thúc đẩy các chủ thể tham gia nền tảng NPAP thực hiện giải pháp, bao gồm: giảm thiểu và thay thế các sản phẩm nhựa dùng một lần, không cần thiết; xây dựng và mở rộng năng lực tái chế mang lại hiệu quả kinh tế; mở rộng khu vực thu gom và xử lý an toàn chất thải rắn sinh hoạt.

Quy định về giảm thiểu và dừng sản xuất, sử dụng các sản phẩm nhựa dùng 1 lần, các tiêu chuẩn mới về chất lượng và an toàn của sản phẩm, vật liệu và giải pháp thay thế, đặc biệt là cơ chế EPR là rất cần thiết nhằm tiến tới mục tiêu giảm thiểu và thay thế các sản phẩm nhựa dùng 1 lần hoặc không cần thiết. Cần có nghiên cứu sản xuất các sản phẩm thay thế cho bao bì nhựa đảm bảo tiện lợi, giá thành rẻ; các công cụ kinh tế như ưu đãi và trợ cấp để hỗ trợ các mô hình tái sử dụng hoặc vật liệu thay thế, hỗ trợ tài chính cho đổi mới sáng tạo cũng sẽ rất quan trọng nhằm bổ sung thêm các giải pháp.

Để thúc đẩy tái chế nhựa, cần tạo điều kiện thuận lợi thực hiện đồng thời các giải pháp: tăng cường thiết kế sản phẩm để tái chế hiệu quả thông qua cơ chế EPR; thúc đẩy công nghệ tái chế thông qua hỗ trợ, ưu đãi và quy định hạn chế xử lý bằng chôn lấp; thúc đẩy phát triển thị trường nhựa tái chế thông qua việc xây dựng tiêu chuẩn mua sắm xanh và hạn chế sử dụng nhựa nguyên sinh; thu hút sự tham gia của lực lượng thu gom phi chính thức và giảm dần nhập khẩu phế liệu nhựa.

Để cải thiện khu vực thu gom chất thải rắn sinh hoạt, xử lý an toàn và ngăn chặn tình trạng xả rác, cần tăng cường huy động nguồn lực đầu tư bao gồm từ ngân sách và khu vực tư nhân để mở rộng khu vực thu gom và địa điểm xử lý chất thải an toàn; thực hiện tốt hơn nữa các giải pháp kiểm soát rò rỉ tại bãi chôn lấp và bãi rác.