Cụ thể, tàu cá có chiều dài từ 6-12m là 37.770 chiếc (giảm 5.230 chiếc); tàu từ 12-15m là 16.000 chiếc (giảm 480 chiếc); tàu từ 15-24m là 26.500 chiếc (giảm 470 chiếc); tàu trên 24m là 2.510 chiếc (giảm 112 chiếc).

Được biết, tổng sản lượng khai thác thủy hải sản năm 2023 cả nước ước khoảng 3,861 triệu tấn, chưa đạt chỉ tiêu đề ra giảm còn 3,68 triệu tấn. Trong đó, sản lượng khai thác biển 3,66 triệu tấn, giảm 0,3% so với năm 2022. 

Như vậy, so với mục tiêu ngành thủy sản đề ra là cơ bản duy trì ổn định tổng sản lượng thủy sản, trong đó điều chỉnh giảm dần sản lượng khai thác thủy sản còn khoảng 3,58 triệu tấn thì lượng khai thác tuy có giảm nhưng vẫn ở mức ổn định cho phép và đi đúng lộ trình.

Ngoài ra, ngành thủy sản đang hướng tới mục tiêu tập trung nâng cao hiệu quả khai thác thủy sản bằng các giải pháp tăng cường điều tra biến động nguồn lợi hải sản, phân bố tàu thuyền khai thác các nghề phù hợp, đặc biệt là giảm dần số lượng tàu cá khai thác ven bờ, đẩy mạnh chuyển đổi nghề cho ngư dân khai thác truyền thống sang nuôi biển...

Cũng theo đại diện Cục Thủy sản, nhằm khắc phục các khó khăn, nâng cao hiệu quả khai thác thủy sản trong thời gian tới, Bộ NN&PTNT cùng Cục Thủy sản đã đưa ra nhiều giải pháp cả trước mắt và dài hạn. Trước mắt trong năm 2024 tới đây, ngành thủy sản tăng cường điều tra biến động nguồn lợi hải sản ở các vùng biển, đặc biệt là vùng ven bờ để phục vụ việc xác định hạn ngạch giấy phép khai thác của các địa phương. 

Tàu cá 4.jpg
Các tàu cá đánh bắt xa bờ của tỉnh Khánh Hòa đang neo đậu tại cảng. Ảnh: Nam Phương

Bên cạnh đó, Cục Hải sản sẽ phối hợp với các bên liên quan nâng cao độ chính xác của bản tin dự báo ngư trường; đổi mới phương thức phát hành, cung cấp các bản tin dự báo ngư trường khai thác hải sản để ngư dân tiếp cận, biết và sử dụng trong sản xuất. Theo dõi và nắm chắc tình hình, diễn biến thời tiết và thông tin về nguồn lợi thủy sản nhằm chỉ đạo kịp thời, huy động tàu thuyền sản xuất các nghề phù hợp để khai thác có hiệu quả. 

Trong khi đó về phía các địa phương, do khó khăn trong quá trình tái cơ cấu khai thác nên ngoài việc ngư dân chuyển đổi nghề cá thì chính quyền cũng chủ động quy hoạch cắt giảm số lượng tàu cá có công suất nhỏ chưa phù hợp với chiến lược khai thác xa bờ và hướng ngư dân (có điều kiện) chủ động chuyển sang nuôi biển hoặc phục vụ hậu cần nghề cá.

Thực tế trong 5 năm gần đây, những địa phương có thế mạnh trong nuôi biển như: Quảng Ninh, Hải Phòng, Phú Yên, Khánh Hòa, Cà Mau, Kiên Giang… đã chủ đẩy mạnh hoạt động nuôi biển, nhất là nuôi biển xa bờ. Chính vì vậy, sản lượng nuôi biển của nước ta năm 2023 đã có bước tiến lớn cả về diện tích lẫn sản lượng.

Cụ thể, tổng diện tích nuôi trồng thủy sản năm 2023 ước đạt 1,3 triệu ha nuôi nội địa và 9,5 triệu m³ lồng nuôi biển. Trong đó, nuôi biển tăng 5,5% (bao gồm: 4,3 triệu m³ lồng nuôi cá biển; 5,2 triệu m³ lồng nuôi tôm hùm và 57 nghìn ha nuôi nhuyễn thể). Tổng sản lượng nuôi biển đạt 789,8 nghìn tấn, tăng 10,1% so với năm 2022.

Không chỉ tăng về diện tích, các loại cá biển, nhuyễn thể được nuôi cũng rất đa dạng và hướng vào những loài có giá trị kinh tế cao. Trong đó, sản lượng cá biển đạt 46 nghìn tấn; tôm hùm 3,8 nghìn tấn; nhuyễn thể 440 nghìn tấn; đối tượng khác 300 nghìn tấn. 

Cục Thủy sản đề ra mục tiêu năm 2024, diện tích nuôi trồng thủy sản giữ ổn định so với năm 2023 là 1,3 triệu ha, trong đó diện tích nuôi nước ngọt 380 nghìn ha, diện tích nuôi mặn, lợ 920 nghìn ha. Bám theo mục tiêu này, trong phiên họp Quốc hội mới đây, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan cho biết, ngành thủy sản đặt mục tiêu đến năm 2030, Việt Nam sẽ còn khoảng 83.000 tàu cá.

Nam Phương