Đây là một vấn đề được nhắc đến trong dự thảo Nghị định quy định về kinh doanh, điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô và tổ chức, quản lý vận tải nội bộ bằng xe ô tô nhằm thay thế Nghị định số 86/2014/NĐ-CP Bộ GTVT đang lấy ý kiến.
Theo thống kê từ Bộ GTVT, số lượng taxi tập trung chủ yếu tại các thành phố lớn, đặc biệt là Hà Nội và TP.HCM với quy mô phát triển nhanh so với nhu cầu hiện tại của người dân. Cụ thể, Hà Nội có 18.629 xe taxi với 88 doanh nghiệp, hợp tác xã hoạt động kinh doanh. Trong khi đó, TP.HCM có 10.850 xe với 23 doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh. Các địa phương đã và đang thực hiện tốt công tác quy hoạch hoạt động vận tải hành khách bằng taxi, theo đó sẽ giới hạn việc phát triển hoạt động vận chuyển này phù hợp với tốc độ phát triển về nhu cầu đi lại của người dân.
Tuy nhiên, đó chỉ là con số taxi nằm trong thống kê. Bản báo cáo cũng đề cập đến vấn đề gia tăng các ứng dụng đặt xe qua di động. Gần đây, nhiều doanh nghiệp kinh doanh vận tải bằng xe taxi đã ứng dụng phần mềm điều hành thay thế cho phương pháp điều hành truyền thống (sử dụng bộ đàm). Bên cạnh đó, tại Việt Nam, các phương thức trợ giúp người dùng đặt taxi qua các thiết bị smartphone như ứng dụng Grab Taxi, Easy Taxi, Live Taxi, Uber… đã và đang phát triển mạnh.
Bộ GTVT cùng UBND Hà Nội và UBND TP.HCM đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị có chức năng tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành quy định chuyên ngành về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô được quy định tại Nghị định số 86 của Chính phủ.
Qua công tác thanh tra, kiểm tra còn tồn tại một số nội dung như: đơn vị không cung cấp được danh sách lái xe và số lượng phương tiện tham gia hoạt động kinh doanh vận tải, một số đơn vị có Giấy phép kinh doanh vận tải nhưng không xin cấp phù hiệu cho xe hoặc hợp đồng thêm phương tiện ngoài danh sách xe đã đăng ký, lái xe không có hợp đồng lao động ký với đơn vị kinh doanh vận tải.
Cụ thể, báo cáo này cho biết, kiểm tra 87 phương tiện cho thấy 38/87 phương tiện không có phù hiệu, 40/87 phương tiện không có đăng ký kinh doanh và Giấy phép kinh doanh vận tải, 15/87 phương tiện không có hợp đồng vận chuyển; xử phạt các lỗi vi phạm với mức tiền là 436.900.000 đồng.
Do đó, Bộ GTVT cho biết, cần có quy định để quản lý các đối tượng này nhằm mục tiêu khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư, ứng dụng CNTT để đổi mới công tác quản lý, điều hành xe taxi nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ, tăng hiệu quả kinh doanh và tăng sức cạnh tranh của doanh nghiệp.
Trước đó, Cổng thông tin Chính phủ cũng cho biết, trong cuộc kiểm tra tại Bộ GTVT về tình hình thực hiện các nhiệm vụ do Chính phủ, Thủ tướng giao, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng đề nghị Bộ này trình Chính phủ dự thảo sửa đổi Nghị định 86, tập trung vào 4 vấn đề mà doanh nghiệp phản ánh là gây khó khăn. Trong đó, có vấn đề quản lý Uber và Grab.
ICTnews từng đưa tin, hoạt động của hình thức vận tải hành khách bằng xe ô tô dùng ứng dụng phần mềm Grab, Uber bị siết chặt tại Đà Nẵng. Theo Sở GTVT thành phố Đà Nẵng, loại hình kinh doanh vận tải này hoạt động tương tự như kinh doanh vận tải bằng xe taxi, khi đưa vào hoạt động sẽ cạnh tranh trực tiếp với loại hình xe taxi đang được cấp phép hoạt động theo quy hoạch của thành phố 1.700 xe taxi.
Việc thí điểm triển khai mô hình GrabCar tại Đà Nẵng vào thời điểm hiện tại sẽ làm gia tăng số lượng xe ô tô dưới 9 chỗ ngồi (cùng loại với phương tiện đang hoạt động taxi), làm vỡ quy hoạch phát triển mạng lưới taxi đã được UBND thành phố phê duyệt, gây nên kẹt, ùn tắc giao thông càng nghiêm trọng. Trong khi đó tình hình nhu cầu vận tải hành khách đang hoạt động ổn định. Thêm đó, đây là hình thức hoạt động kinh doanh vận tải bằng xe ô tô chưa được cơ quan cấp có thẩm quyền cho phép, ảnh hưởng đến tình hình trật tự vận tải trên thành phố.