Bí xanh thơm là một loại cây đặc sản bản địa của huyện Ba Bể, tỉnh Bắc Kạn, được trồng chủ yếu ở các xã Yến Dương, Địa Linh và lẻ tẻ ở vài địa phương khác. Diện tích bí xanh thơm toàn huyện ước tính đạt gần 200 ha, sản lượng gần 6.500 tấn quả. 

W-bithom.png
Bí xanh thơm là một loại cây đặc sản bản địa của huyện Ba Bể

Từ chỗ là cây trồng bản địa của huyện Ba Bể, tiêu thụ nhỏ lẻ ở địa phương, gần đây đã có nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã đầu tư vào nghiên cứu, chế biến sâu quả bí phấn trắng đặc sản, bước đầu hình thành chuỗi sản phẩm sạch. Trong đó, các sản phẩm được tiêu thụ mạnh hiện nay là trà bí xanh thơm, bí thái lát, bột bí, mứt bí,… Nhờ đó, sản phẩm bảo quản lâu hơn, tiêu thụ xa hơn và lên được các kệ hàng trong các siêu thị.

Một trong những đơn vị đi đầu với việc áp dụng quy trình chế biến và công nghệ hiện đại, phát triển thêm nhiều sản phẩm từ quả bí Bắc Kạn đưa vào tiêu thụ các hệ thống phân phối là hợp tác xã Yến Dương (đơn vị được tặng Bằng khen công nhận hợp tác xã tiêu biểu năm 2023).

Năm 2022, Hợp tác xã kết hợp nhiều đề tài khoa học cấp tỉnh để phát triển và chế biến ra sản phẩm trà bí thơm. Qua đó, mang lại lợi nhuận kinh tế và được nhiều người ưa chuộng cũng như đối tác đặt hàng với số lượng lớn.

Hiện nay, sản phẩm trà bí thơm của hợp tác xã đã đạt OCOP (Chương trình Mỗi xã một sản phẩm) 4 sao và chất lượng cũng đang đạt hữu cơ theo tiêu chuẩn PGS và chuyển đổi của VietGAP. 

Đáng chú ý, từ những thành công bước đầu, việc chế biến ra sản phẩm trà bí thơm luôn được hợp tác xã cải tiến, thay đổi mẫu mã, bao bì và chất lượng sản phẩm.

Bà Ma Thị Ninh, Giám đốc Hợp tác xã Yến Dương chia sẻ, nhờ đa dạng hoá sản phẩm từ bí xanh thơm Bắc Kạn, sản phẩm đã được tiêu thụ tại nhiều hệ thống phân phối. Qua đó, giúp xoá đói giảm nghèo, ổn định đời sống cho bà con vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Cũng theo bà Ninh, Yến Dương đã hình thành chuỗi liên kết từ khâu tổ chức đến gắn kết tập thể, giải quyết các vấn đề về môi trường, chất lượng và xúc tiến thương mại để đưa sản phẩm bí xanh thơm đến gần hơn với người tiêu dùng.

Mặc dù đã đưa được sản phẩm bí xanh thơm vào hệ thống phân phối nhưng hợp tác xã vẫn gặp phải một vài khó khăn do không được trực tiếp ký kết hợp đồng, chỉ thông qua một số đối tác để đưa sản phẩm vào Big C, WinMart, MM Mega Market…

Hơn nữa, trong chuỗi liên kết quả bí xanh thơm, năm 2023 tổng cả tỉnh Bắc Kạn có hơn 200 ha; trong đó, Hợp tác xã Yến Dương chỉ có 20 ha, quy ra sản lượng hàng năm tiêu thụ từ 500 - 700 tấn. Ngoài ra, Hợp tác xã giữ lại một phần sản lượng để chế biến sâu sản phẩm, nâng cao giá trị.

Dịch vụ kết nối giữa khu vực đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi với hệ thống phân phối đã được đáp ứng và phát triển rất mạnh từ dịch vụ giao nhận, vận chuyển, logistics cho đến dịch vụ gia công, bao bì đóng gói và tất cả dịch vụ có liên quan.

Đáng lưu ý, rất nhiều mặt hàng, doanh nghiệp, tỉnh đã có hàng chục mặt hàng đặc trưng đặc sản, lợi thế của từng vùng thâm nhập được vào hệ thống phân phối hợp lớn, đáp ứng được tiêu chuẩn chất lượng.

Bên cạnh đó, dịch vụ kết nối giữa khu vực đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi với hệ thống phân phối đã được đáp ứng và phát triển rất mạnh từ dịch vụ giao nhận, vận chuyển, logistics đến dịch vụ gia công, bao bì đóng gói và tất cả các dịch vụ có liên quan.

Đồng thời, dịch vụ thanh toán, tiền tệ, tất cả lĩnh vực đều đã có những sự kết nối phát triển và kết nối thị trường, nhất là thúc đẩy giữa kết nối thị trường khu vực đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi với thị trường có sức tiêu thụ lớn của trung tâm kinh tế thương mại các tỉnh, thành trên cả nước.

Nhóm PV