Chuẩn bị nguồn nhân lực
Tỉnh Hà Giang có diện tích đất lâm nghiệp lớn, với trên 380 nghìn ha đất có rừng, đây là lợi thế rất lớn để phát triển cây lâm sản ngoài gỗ, thảo dược dưới tán rừng, rất phù hợp để trồng các loại cây dược liệu. Chính vì thế Hà Giang đã chọn hướng trở thành vùng trọng điểm quốc gia về dược liệu.
Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Hà Giang nhiệm kỳ 2015 - 2020 đã xác định tập trung đẩy mạnh phát triển trồng cây dược liệu, xây dựng các vùng sản xuất tập trung gắn với công cuộc xóa đói giảm nghèo, phấn đấu xây dựng Hà Giang trở thành vùng trọng điểm phát triển cây dược liệu quốc gia.
Để chuẩn bị cho mục tiêu này, Hà Giang đã triển khai Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020” (đề án 1956) cho người dân qua hình thức thường xuyên mở lớp đào tạo ngắn hạn để giúp người dân học cách trồng dược liệu sạch.
Kiểm tra sinh trưởng của cây Đương quy tại vườn dược liệu. |
Theo đó, mỗi khóa đào tạo thường trong vòng hơn một tháng. Tại đó, các học viên sẽ được trang bị những kiến thức và kỹ năng cơ bản đó là: Cách chuẩn bị đất, chọn giống cây, xử lý đất, đào hố và phân bón lót; trồng và chăm sóc nghệ, cây đinh lăng; thu hoạch, sơ chế, bảo quản và tiêu thụ… Với sự kết hợp giữa lý thuyết và thực hành giúp cho học viên nắm chắc, rèn luyện được các kỹ năng cơ bản về các công việc trồng cây dược liệu.
Nhờ sự phối hợp đồng bộ của các cấp chính quyền và ngành chuyên môn, tính đến cuối năm 2019, số nông dân tham gia trồng cây dược liệu không ngừng tăng lên. Diện tích dược liệu toàn tỉnh đã đạt trên 7.400ha. Qua đó, đã tạo ra vùng sản phẩm hàng hóa có giá trị kinh tế cao cho người dân.
Kết hợp học kiến thức với thực hành thực tế
Theo đánh giá của ông Phạm Ngọc Pha, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Quản Bạ, diện tích trồng các loại cây dược liệu ở huyện Quản Bạ ngày càng tăng, đã tạo việc làm cho hơn 1.000 lao động. Thu nhập từ dược liệu của các hợp tác xã (HTX) và nhân dân các xã, thị trấn cũng tăng theo, trung bình từ 100 - 150 triệu đồng/hộ/năm.
Ông Phạm Ngọc Pha đánh giá, có được những thành quả này, là nhờ chính quyền các cấp đã quan tâm rốt ráo, hỗ trợ, phối hợp với các công ty, HTX, tổ hợp tác phát triển trồng các loại cây dược liệu mở các lớp dạy nghề, khuyến khích người nông dân tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật trồng cây dược liệu. Được chia sẻ kiến thực, được thực hành thực tế.... đã giúp người dân tự tin, có đủ kỹ năng chăm sóc, khai thác các loại cây dược quý, qua đó năng suất và hiệu quả kinh tế từ trồng cây dược liệu được nâng lên.
Có thể kể tới các điển hình trồng dược liệu như anh Vàng Thìn Nghì, người đã mạnh dạn chuyển đổi 3ha đất nông nghiệp không hiệu quả của gia đình sang trồng cây dược liệu. Được tham gia khóa đào tạo ngắn ngày, sau đó lại nhận được sự ủng hộ của chính quyền địa phương, anh đã thành lập HTX trồng dược liệu. Làm ăn phát đạt, anh tiếp tục vay vốn để thuê đất liên kết trồng thêm 15ha dược liệu. Thu nhập từ bán dược liệu năm 2018 ước tính vào khoảng 3 tỷ đồng; Tạo công ăn việc làm cho gần 40 người dân địa phương, giúp họ có mức thu nhập gần 4,5 triệu đồng/người/tháng.
HTX dược liệu Nà Chang của anh Dương Phong Thương cũng được hưởng lợi từ các chương trình đào tạo nghề và chương trình cho nông dân vay vốn khởi nghiệp. Hiện nay anh đã mạnh dạn đầu tư 1 lò nấu cao Atiso công suất chế biến 1 tấn nguyên liệu/ngày, tổng vốn đầu tư hơn 700 triệu đồng.
Bích Ngọc