Trong lúc chờ tòa giải quyết ly hôn, người chồng làm đám cưới với người khác. Người vợ đã gửi đơn tố cáo nhờ ngăn chặn trước khi đám cưới diễn ra nhưng các cơ quan liên quan đều bỏ mặc...
Từ huyện Bù Đăng (Bình Phước) về nhà chị Phan Thị Thu Thảo ở xã Đăk Nhau mất khoảng 20 km, con đường đất đỏ rất xấu. Tiếp chúng tôi ở nhà cha mẹ, chị Thảo cho biết vào năm 2011, chị kết hôn với anh NVN. Một năm sau thì chị sinh được một bé trai kháu khỉnh.
Chưa ly hôn đã cưới vợ khác
Do bất đồng quan điểm nên hai vợ chồng chị thường xuyên cãi vã. Tháng 11-2014, bị chồng đánh, chị đã ôm con về nhà cha mẹ ruột ở, hai bên không còn quan tâm gì tới nhau nữa. Rồi chị gửi đơn xin ly hôn ra TAND huyện Bù Đăng. Tháng 12-2014, tòa đã thông báo thụ lý hồ sơ, mời hai bên lên làm việc, do hai bên chưa thống nhất được về số tài sản chung nên vụ án đến nay vẫn chưa được tòa đưa ra xét xử.
“Cách đây nửa tháng, tôi lên Facebook thì bất ngờ thấy chồng khoe ảnh cưới với cô K. ở thị xã Phước Long” - chị Thảo kể. Qua tìm hiểu, chị còn biết hai người dự định tổ chức đám cưới vào ngày 26-5. Biết việc làm của chồng là vi phạm pháp luật nên gần một tuần trước ngày diễn ra đám cưới, chị Thảo đã gửi đơn tố cáo đến các cơ quan chức năng để nhờ can thiệp.
Chị kể: “Tôi không thể đến quậy phá đám cưới bởi làm như vậy sẽ dễ dẫn đến vi phạm pháp luật. Sáu ngày trước khi đám cưới này diễn ra, tôi gửi đơn lên Công an xã Đăk Nhau thì họ nói sẽ chuyển hồ sơ lên huyện. Tôi tiếp tục gửi đơn lên Công an huyện Bù Đăng nhưng không nhận được phản hồi.
Tôi bèn chạy xe hơn 30 km lên Công an phường Thác Mơ, thị xã Phước Long (nơi diễn ra đám cưới) nhưng họ lại bảo “cô dâu mới” không vi phạm pháp luật vì đã đủ tuổi lấy chồng, còn chồng tôi ngụ huyện Bù Đăng nên họ không xử lý được”.
Đến ngày 26-5, đám cưới giữa chồng chị Thảo và cô K. diễn ra công khai ở phường Thác Mơ, nơi sinh sống của gia đình cô K.
Chị Thảo nói việc chồng chị công khai tổ chức đám cưới với người khác đã làm cho mẹ con chị bị tổn thương. Ảnh: N.NGA |
Đám cưới (lễ vu quy) của chồng chị Thảo với cô K. (ảnh dưới). (Ảnh do gia đình chị Thảo cung cấp) |
Chỉ “đặt trầu” chứ không cưới?
Ngày 27-5, chúng tôi tìm đến nhà chồng chị Thảo (xã Đăk Nhau, cách nhà cha mẹ chị Thảo khoảng 1 km). Lúc này, anh N. đang bán điện thoại di động tại cửa hàng của nhà mình.
Tiếp chúng tôi, cha con anh N. đều nói không có chuyện cưới xin. Cha anh N. còn khẳng định: “Tôi chả tổ chức đám cưới gì hết, nếu tổ chức thì cả làng phải biết. Cưới thì phải cưới tại nhà tôi chứ tôi quen biết gì trên Phước Long”.
Tuy nhiên, khi chúng tôi cung cấp hình ảnh đám cưới, tiệc tùng (trên phông màn sân khấu ghi rõ dòng chữ lễ vu quy) thì anh N. biện bạch: “Cái này là đặt trầu thôi chứ không phải là cưới hỏi, bên tôi chỉ có vài người. Quyền đặt trầu là quyền của tôi, tôi cũng phải kiếm một người để lo cuộc sống. Nhà gái cũng biết tôi chưa ly hôn, chúng tôi không cưới là được” - anh N. nói.
Sẽ mời các bên lên làm việc
Trao đổi với chúng tôi, ông Phạm Tâm (Trưởng Công an xã Đăk Nhau) nói sở dĩ không mời anh N. lên làm việc vì anh N. từ khi ly thân với vợ không có mặt tại địa phương.
Khi chúng tôi nói vừa mới gặp anh N. tại nhà và anh này vẫn ở nhà kinh doanh điện thoại, ông Tâm nói: “Nếu vậy chúng tôi sẽ mời anh N. lên làm việc để có hướng xử lý tiếp theo. Ngày 20-5, chúng tôi đã nhận được đơn tố cáo của chị Thảo. Chúng tôi gặp khó khăn là anh này lại tổ chức đám cưới ở địa bàn khác nên rất khó để xử lý. 1 giờ 30 ngày 26-5 (buổi trưa diễn ra đám cưới - NV), chúng tôi đã chuyển hồ sơ lên huyện để nơi đó có hướng xử lý.
Nếu thực sự anh N. cưới người khác mà vẫn trong thời kỳ hôn nhân thì có thể bị xử phạt hành chính, còn nếu đủ cấu thành tội phạm thì có thể bị xử lý hình sự. Nếu nhà gái biết người chồng chưa ly hôn mà vẫn lấy, công an cũng sẽ xem trách nhiệm. Báo chí đến tuyên truyền như vậy là tốt quá. Những vùng sâu như ở đây người dân nhận thức về pháp luật rất đơn thuần”.
Còn theo đại diện Công an huyện Bù Đăng, chị Thảo gửi đơn tố cáo từ ngày 20-5 theo thư bảo đảm nhưng một ngày sau khi diễn ra đám cưới, cơ quan này mới nhận được. “Nếu đúng như gì mà chị Thảo phản ánh thì anh chồng đã có dấu hiệu vi phạm pháp luật rồi. Giá mà đơn của chị Thảo đến sớm hơn thì chúng tôi đã trao đổi với chính quyền địa phương, giải thích pháp luật cho họ biết làm như vậy là vi phạm chế độ hôn nhân một vợ một chồng. Hiện chúng tôi đang xác minh sự việc” - đại diện công an huyện nói.
Trung tá Dương Viết Hoàng - Trưởng Công an phường Thác Mơ (nơi diễn ra đám cưới) thì cho biết: “Do lần đầu tiên gặp trường hợp này nên chúng tôi lúng túng, không biết giải quyết sao. Trước hôm đám cưới diễn ra, tôi có mời anh cô dâu K. lên làm việc thì được biết anh N. và cô K. tự nguyện yêu nhau.
Gia đình đã lên danh sách khách mời, thiệp cưới hết rồi. Hạnh phúc của họ, công an cũng không thể tới để ngăn chặn được mà chỉ có mời gia đình lên động viên giải thích pháp luật.
Cũng tại tôi quá chủ quan khi thấy chị Thảo gửi đơn tố cáo nhiều nơi nên không biết ai sẽ đứng ra giải quyết. Hiện cô K. không dám dọn về nhà anh N., phải thuê nhà riêng để ở. Chúng tôi sẽ hỏi bên tư pháp phường để tìm hướng giải quyết rồi mời các bên lên làm việc”.
“Mẹ con tôi bị tổn thương tâm lý” Theo chị Thảo, dù vợ chồng chị đang chờ tòa giải quyết ly hôn nhưng việc chồng chị ngang nhiên công khai tổ chức đám cưới với người con gái khác đã làm cho chị và đứa con trai mới ba tuổi của chị bị tổn thương về tâm lý. Mỗi khi bị hàng xóm trêu chọc: “Bố mày cưới vợ mới rồi”, cháu bé đều xụ mặt, buồn bã. Cháu cứ hay lẽo đẽo theo hỏi chị: “Con có mẹ mới rồi à?”. Những lúc như vậy, chị Thảo và cha mẹ chị lại càng thêm bức xúc trước việc cơ quan chức năng bỏ mặc cho đám cưới diễn ra. “Họ cứ đùn đẩy trách nhiệm qua lại, gia đình tôi biết nhờ cậy ai bây giờ?”. |
(Theo Pháp luật TPHCM)