Được tin anh Võ Thanh An, tên thật là Trần Quang Vinh, trút hơi thở cuối cùng, dẫu biết trước điều này sẽ đến, mà sao lòng tôi vẫn hẫng hụt như mất một người anh tôn kính, một người đồng hương tài hoa, trung thực, nhân ái, thủy chung và tình nghĩa.
Tôi biết tên anh qua thơ văn khá sớm, từ những năm tháng đèn sách và làm lính ở chiến trường. Nhưng được gần anh nhiều hơn kể từ khi tôi làm trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Nghệ An và nhất là những năm tháng ra công tác ở Hà Nội.
Trước hết anh là một người con xứ Nghệ nguyên chất. Nguyên chất từ con người đến tên gọi Võ Thanh An (xã Võ Liệt, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An). Ưu điểm và khuyết điểm bao trùm của anh vẫn là: Giữ trọn khẩu khí, phong cách, lối sống xứ Nghệ giữa lòng thủ đô. Anh vẫn sống như thế mặc người đời khen chê. Với anh, ai khen chê mình đúng thì sướng lắm. Còn anh khen chê người thì ngắn gọn, trung thực, rõ ràng như tỉa cành, bắt sâu vậy. Anh là người mà quyền lực và tiền vàng không bao giờ chi phối được dù chỉ là vài lời nói xã giao.
Ông Lê Doãn Hợp trong một lần trò chuyện với ông Võ Thành An. |
Gia đình và cuộc đời Võ Thanh An trải qua bao biến cố thăng trầm của đất nước. Nhà Anh mấy đời địa chủ, đều là địa chủ cần cù yêu nước, thương dân. Ông cụ thân sinh của nhà thơ còn được dân tín nhiệm bầu làm chủ tịch xã thời tiền khởi nghĩa. Nhưng khi ông nghỉ rồi bao nhiêu mặc cảm về thành phần giai cấp được chuyển giao cho các thế hệ kế nghiệp. Ước mơ vào giảng đường đại học của Võ Thành An trở nên xa vời. Anh tình nguyện đi bộ đội cũng không được chấp nhận vì quân đội thời chiến yêu cầu thành phần phải cơ bản. Hàng ngày vác cày cuốc ra đồng, anh kiên nhẫn làm việc để chờ thời thế.
Rồi một tin vui đến với anh: Đảng và Nhà nước quyết định thi tuyển chọn một số thanh niên có năng khiếu ngoại ngữ để học tiếng Nga cấp tốc 2 năm ra làm phiên dịch cho chuyên gia Liên Xô (cũ) sang giúp Việt Nam xây dựng các nhà máy nhiệt điện, thủy điện. Anh thi đậu và rời quê hương từ đó. Ra trường, anh trở thành phiên dịch tiếng Nga, rồi cán bộ thi đua khen thưởng của ngành điện và trở thành nhà văn, nhà thơ có tên tuổi của đất nước hôm nay.
Nói về những năm tháng gian nan đó, anh tâm sự rất nhân ái: Cái thời cả làng, cả xã ai cũng vậy thì trách móc làm chi. Hãy coi đó như một tai nạn xã hội đã thuộc về quá khứ, quên đi cho yên lòng, dằn vặt chỉ tự làm khổ mình. Vả lại có lúc thời thế khắt khe, rồi thời cuộc lại mở ra cho ta cơ hội cống hiến để có tất cả những gì đã có như hôm nay: Có nhà để ở giữa đất thủ đô. Có con cháu chăm ngoan để nối dõi tông đường. Có thơ văn để lại cho đời. Thế là hạnh phúc lắm rồi. Mỗi lần được ngồi tâm sự với anh, tôi nhận thấy tâm thế nhà thơ luôn ổn định, dù thời cuộc có lúc đổi thay, vẫn lạc quan yêu đời, thương người, trọng đồng hương và quý tình đồng nghiệp.
Võ Thanh An là một con người mà mọi sở thích khi trẻ và lúc về già rất khác nhau. Thậm chí trái ngược nhau. Nếu như thời trai trẻ ông thích nhất 3 thứ: trà đặc, rượu mạnh, đi nhiều thì về già ông chỉ có cơm rau, nước lọc và ngồi thiền. Mỗi năm ông chỉ ra khỏi nhà có 1 lần duy nhất là vào dịp họp mặt văn nghệ sỹ của tòa soạn Báo Văn nghệ cuối năm. Ấy thế mà mỗi khi trao đổi hàn huyên với ông thì mọi chuyện trên trời, dưới đất, dọc ngang thế giới ông đều biết khá rõ; Đúng là một con người thư thái, nhạy cảm luôn phù hợp với thời cuộc.
Tôi nhớ đầu thập kỷ 90, tôi bảo vệ luận án Tiến sỹ kinh tế tại Học viện chính trị quốc gia Hồ Chí Minh. Nhà thơ đến dự từ đầu đến cuối. Khi tôi bảo vệ xong, nhà thơ lên tặng hoa và nói mấy lời: Chú bảo vệ và trả lời Hội đồng khúc chiết, rõ ràng. Khẩu khí ấm và vang, độ mềm dẻo vừa đủ. Mong chú thành đạt nhiều hơn. Tôi rất cảm động về sự quan tâm chăm sóc, động viên của anh đã giành cho tôi.
Gần đây, tôi đang chuẩn bị xuất bản một số quyển sách và thơ Tổng kết thực tiễn để lại cho đời sau. Nhà thơ dặn tôi viết sớm, nếu mình còn khỏe cho mình xem qua nhé. Anh khuyên tôi viết chọn lọc, thận trọng làm sao để dưới thích mà trên không phật lòng. Tôi nói lại: Nghĩa là dân thích mà quan chịu được phải không anh. Anh cười hồn hậu như giải đúng lòng mình. Với tôi đó là lời khuyên của một người anh và cũng là một nhà văn có ý thức chính trị nhạy cảm và chuẩn mực dù anh không phải là đảng viên.
Gần 2 năm nay anh vật lộn với căn bệnh hiểm nghèo: ung thư tiền liệt tuyến. Thỉnh thoảng đến với anh khi ở bệnh viện, lúc trong phòng khám hay ở nhà riêng, ở đâu anh cũng lạc quan như người không bệnh để động viên chúng tôi. Anh nói: Kiếp luân hồi có may, có rủi, lúc thịnh, lúc suy, 75 tuổi cũng lãi rồi. Những ngày gần đây sức khỏe anh yếu dần, anh vẫn gồng mình lên để chịu đựng, cố thể hiện là vẫn bình thường để mọi người yên tâm hơn khi chia tay anh ra về. Võ Thanh An là con người như vậy không làm phiền ai, luôn vì mọi người cho đến những giây phút cuối đời.
Anh Võ Thanh An ơi! Anh đi rồi để lại trong lòng tôi một khoảng trống mà chỉ có anh mới bù đắp được. Thế là anh lại được về với chị nơi vĩnh hằng. Cho chú chia sẻ nỗi đau thương lớn lao này đến hai cháu Thăng và Long. Không biết nói gì hơn, tôi viết mấy dòng này như một nén hương, một nhành hoa kính viếng để anh thanh thản, yên lòng nơi chín suối./.
Lê Doãn Hợp
Chủ tịch danh dự Hội Truyền thông số Việt Nam