Những năm qua, hệ thống truyền thanh cơ sở trên địa bàn huyện Nho Quan sử dụng đài FM và có dây. Loại hình phát thanh này còn nhiều hạn chế như bị chi phối bởi địa hình, dễ hỏng, khó sửa chữa bảo dưỡng; vùng phát thanh bị giới hạn; chất lượng âm thanh không ổn định ở các vùng xa; phát thanh đôi khi lẫn tạp âm, chịu ảnh hưởng bởi thời tiết…

Trong lộ trình thực hiện chuyển đổi số của huyện, Nho Quan đã quan tâm đẩy mạnh chuyển đổi số truyền thanh thông minh bằng ứng dụng công nghệ thông tin sử dụng phương thức truyền dẫn tín hiệu âm thanh bằng hạ tầng viễn thông, Internet sử dụng công nghệ IP, có khả năng quản lý, kiểm soát chất lượng tín hiệu tới từng cụm loa. Hệ thống bao gồm máy tính, micro, loa không dây, phần mềm quản lý, bộ thu phát truyền thanh Internet sử dụng sim 3G, 4G thu phát chương trình. 

Đặc biệt, nhờ tích hợp trí tuệ nhân tạo AI, phần mềm truyền thanh thông minh có thể tự động nhận dạng và chuyển văn bản giấy thành giọng nói, thành tệp tin âm thanh để phát qua hệ thống loa mà không cần phát thanh viên thu âm, có thể lựa chọn được nhiều giọng nói hay thuộc các vùng miền; hạn chế, khắc phục tối đa hiện tượng lẫn tạp âm, đọc vấp; giảm nhân sự phát thanh viên. Một điểm quan trọng là hệ thống truyền thanh thông minh được điều khiển hoàn toàn trên máy tính, thiết bị di động, giúp lưu trữ và quản lý tốt các nội dung phát sóng.

Ông Bùi Đăng Bằng, công chức văn hóa-thông tin xã Gia Sơn cho biết: Trước đây, khi vận hành hệ thống truyền thanh xã, tôi luôn phải trực phát thanh trực tiếp tại xã, khi thời tiết xấu như mưa bão, tín hiệu phát chập chờn, không ổn định. Năm 2023, xã Gia Sơn đầu tư kinh phí hơn 1 tỷ đồng lắp 8 cụm loa truyền thanh không dây ứng dụng công nghệ thông tin-viễn thông trên địa bàn xã (mỗi cụm đặt từ 2-4 loa). 

Từ khi thực hiện chuyển đổi số ở xã Gia Sơn đến nay, việc vận hành phát thanh được đơn giản hóa, có thể vận hành qua hệ thống qua Internet (các văn bản, tin, bài phát thanh được gửi qua Zalo, máy tính) nên khi thời tiết mưa bão, tôi ngồi nhà điều khiển chương trình phát thanh bình thường theo quy định; áp dụng hình thức chuyển đổi văn bản giấy thành giọng nói thông qua nền tảng trí tuệ nhân tạo AI để phát thanh tuyên truyền các văn bản chỉ đạo của các cấp, các ngành, địa phương; khắc phục được tình trạng đọc sai, vấp, tiết kiệm chi phí, thời gian đi lại cho đội ngũ phụ trách chương trình phát thanh xã - anh Bùi Đăng Bằng chia sẻ.

Để hoàn thành tốt vai trò là "cầu nối" đưa các chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước đến mọi tầng lớp nhân dân, phản ánh kịp thời, chính xác các thông tin trên nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội, huyện Nho Quan đã quan tâm phát triển, nâng cao nguồn nhân lực; phát triển các nền tảng số trong lĩnh vực truyền thanh.

Bà Đào Thị Hồng Thúy, biên tập viên Trung tâm Văn hóa-Thể thao và Truyền thanh huyện Nho Quan cho biết: Trước đây, tôi sử dụng phần mềm Edit trong sản xuất chương trình, thu, chỉnh sửa âm thanh với nhiều thao tác và mất nhiều thời gian. Từ năm 2010, Trung tâm Văn hóa-Thể thao và Truyền thanh huyện Nho Quan đưa vào sử dụng phần mềm Audobe Audition hiện đại với tính năng cao, ưu điểm dễ dàng biên tập các file đa phương tiện, hỗ trợ người dùng chỉnh sửa nhiều định dạng như MP4, MOV, MKV..., các tập tin audio như MP3, MP2, WMA... Ngoài ra còn cung cấp công cụ cho chỉnh sửa chuyên sâu như lọc tạp âm, hiệu chỉnh âm trầm, âm cao, giảm âm bài hát... Phần mềm mới tiết kiệm được 1/2 thời gian sản xuất chương trình so với trước đây. 

Điểm quan trọng là hệ thống truyền thanh thông minh sử dụng phần mềm thống nhất từ cấp huyện đến cấp xã, theo đó các cấp có thẩm quyền có thể kiểm soát chặt chẽ thông tin, chương trình, lịch phát thanh với độ bảo mật cao. Nhờ vậy, việc phát các bản tin trở nên linh hoạt, có thể lựa chọn phát tin tới từng cụm loa và từng khu vực. Việc đưa hệ thống đài truyền thanh ứng dụng công nghệ thông tin-viễn thông với những tính năng hiện đại vào sử dụng đã tháo gỡ hạn chế trong công tác thông tin, tuyên truyền tại cơ sở, góp phần từng bước chuyển đổi số hệ thống truyền thanh cơ sở. 

Truyền thanh.jpg
Sản xuất chương trình phát thanh tại Trung tâm Văn hóa-Thể thao và Truyền thanh huyện Nho Quan.

Ông Đinh Văn Linh, Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa - Thể thao và Truyền thanh huyện Nho Quan cho biết: Huyện Nho Quan hiện có 27/27 xã, thị trấn có hệ thống truyền thanh. Thực hiện sự chỉ đạo của huyện Nho Quan trong công tác chuyển đổi số truyền thanh, đã có 12/27 xã xây dựng đài truyền thanh thông minh; cán bộ truyền thanh xã đã được Trung tâm Văn hóa-Thể thao và Truyền thanh huyện hướng dẫn và thực hành công nghệ thu, phát sóng, cắt sửa âm thanh trên phần mềm, thực hiện chuyển đổi văn bản thành giọng nói.

Đối với Trung tâm Văn hóa-Thể thao và Truyền thanh huyện, từ năm 2010 đến nay đã thực hiện chuyển đổi số hệ thống phát thanh, ứng dụng phần mềm hiện đại trong thực hiện chương trình; thực hiện đưa tin, bài, ảnh, video lên trang Fanpage của Trung tâm; phối hợp với Đài Phát thanh và Truyền hình Ninh Bình và các đơn vị tổ chức sự kiện thực hiện chương trình phát trực tiếp những sự kiện chính trị-văn hóa của huyện trên trang Fanpage của Trung tâm... Qua đó đã tạo hiệu quả cao thu hút đông khán, thính giả nghe Đài và theo dõi các thông tin chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội của huyện.

Thực hiện chuyển đổi số truyền thanh, trong 5 năm gần đây, Trung tâm Văn hóa-Thể thao và Truyền thanh huyện đã tuyển dụng được lớp phóng viên được đào tạo chuyên ngành báo chí. Các phóng viên, biên tập viên ngoài việc được Trung tâm cử tham gia các lớp đào tạo, tập huấn nâng cao trình độ chuyên môn đã chủ động tự học, nắm bắt công nghệ thông tin,  thực hiện tốt nhiệm vụ được giao. Hiện nay, 1 năm Trung tâm Văn hóa-Thể thao và Truyền thanh huyện Nho Quan thực hiện các chuyên mục và các mục theo sự kiện chính trị của huyện; sản xuất được 264 chương trình phát thanh và hàng chục chương trình phát thanh trực tiếp (với gần 2.500 tin, bài phát thanh); đăng tải trên 250 tin, bài trên trang Fanpage của Trung tâm. 

Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa-Thể thao và Truyền thanh huyện Nho Quan cho biết thêm: Trong thời gian tới, Trung tâm Văn hóa-Thể thao và Truyền thanh huyện đang xây dựng kế hoạch, tham mưu UBND huyện tăng cường trang thiết bị chuyên dùng đáp ứng nhiệm vụ thông tin, tuyên truyền (như mua máy quay phim, máy ảnh, phần mềm dựng video, chỉnh sửa ảnh…); phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh mở các lớp tập huấn cho cán bộ, phóng viên Đài Truyền thanh huyện và cán bộ văn hóa - thông tin các xã, thị trấn ứng dụng công nghệ thông tin trong phát thanh, truyền thanh. Đồng thời, phấn đấu trong năm 2024, huyện sẽ xây dựng thêm 4 đài truyền thanh thông minh cấp xã; phấn đấu đến năm 2026 có 100% xã có đài truyền thanh thông minh.

Theo Tiến Minh (Báo Ninh Bình)